Khiến nhiều cán bộ NH bị bắt, thủy sản Phương Nam giờ ra sao?

08/11/2013 07:33
LIỄU PHẠM (TỔNG HỢP)
(GDVN) - Được ngân hàng tái cơ cấu nợ, thu xếp xong khoản nợ 1.600 tỷ đồng và có phương án phục hồi sản xuất kinh doanh, Công ty Thủy sản Phương Nam vừa được cấp lại giấy đăng ký kinh doanh và đã có những kết quả bước đầu.
Được thành lập vào năm 2007, Công ty cổ phần Phương Nam có vốn điều lệ gần 300 tỷ đồng do ông Lâm Ngọc Khuân làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Trong đó, KM Phương Nam là công ty con của Công ty Phương Nam với vốn điều lệ 110 tỷ đồng, KM Phương Nam có 25,6% vốn của công ty mẹ, 10% của giám đốc Trịnh Thị Hồng Phượng. Còn lại là vốn góp của gia đình Chủ tịch HĐQT, trong đó ông Khuân góp 29,9%, vợ Trần Thị Mỹ 17,3% và con trai Lâm Ngọc Khoa 17%.

Từ một doanh nghiệp thủy sản ăn nên làm ra, đứng thứ 9 trong top 10 doanh nghiệp thủy sản tiêu biểu năm 2011 với giá trị xuất khẩu đạt trên 74 triệu USD, năm 2012, Công ty Phương Nam có dấu hiệu lún vào nợ nần. Do hoạt động cầm chừng nên trong năm 2012 công ty chỉ đạt doanh thu hơn 7 triệu USD.

Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân bay sang Mỹ rồi gửi thư cáo bệnh nên chưa thể về nước. Nhiều nhà thầu xây dựng xưởng sản xuất tôm và cá tra cho KM Phương Nam gặp khó khăn vì không được trả nợ.

Công ty cổ phần Phương Nam.
Công ty cổ phần Phương Nam.

Theo VnExpress cho biết, dư nợ liên quan đến các ngân hàng tại Công ty Phương Nam thời điểm đó đã lên tới trên 1.600 tỷ đồng. Trong đó có đến 1.462 tỷ đồng là vốn vay ngắn hạn, còn lại là trung hạn và dư nợ cho vay vốn nhận từ các tổ chức, cá nhân khác. So sánh giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp, Công ty Phương Nam đang mất cân đối khoảng 860 tỷ đồng. Đáng chú ý là có ngân hàng cho vay đến 548 tỷ đồng nhưng giá trị tài sản thế chấp hiện chỉ còn khoảng 50 tỷ đồng, chủ yếu là giá trị quyền sử dụng đất.

Ông Trần Văn Trí (chồng bà Diệu Hiền), nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Cần Thơ) cho biết: Công ty Phương Nam có thương hiệu nên cần thiết phải “giải cứu” để đưa con tôm của Việt Nam vươn xa ra thị trường thế giới, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động và giúp hàng chục ngàn nông dân ở vựa tôm Sóc Trăng tìm được đầu ra sau mỗi mùa vụ. Từ suy nghĩ này, chồng bà Diệu Hiền muốn chia sẻ kinh nghiệm để tái cơ cấu doanh nghiệp, giúp Công ty Phương Nam đi vào sản xuất ổn định trở lại.

Ngày 5/11/2012, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Sóc Trăng làm đầu mối tổ chức cuộc họp khẩn cấp với 6 ngân hàng chủ nợ của Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam để bàn phương án tái cấu trúc doanh nghiệp thủy sản. Ông Trần Văn Trí được Agribank Sóc Trăng mời dự với vai trò là nhà đầu tư ở cương vị Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Trí Việt có trụ sở tại quận 3, TP HCM (vốn điều lệ 300 tỷ đồng). 
 
Để vay được số tiền lớn, Công ty Phương Nam đã thế chấp rất nhiều đất đai, nhà xưởng, hàng tồn kho, xe tải của nhà máy chế biến thủy sản tại TP Sóc Trăng và nhiều căn nhà của Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân tại TP.HCM. Ngoài ra, Công ty Phương Nam còn có công ty con là KM Phương Nam tại huyện Kế Sách (Sóc Trăng) vay của VDB chi nhánh Sóc Trăng 195 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi (6,9% một năm). 

Ông Trần Văn Trí cho biết: Thủy sản Phương Nam đã thu xếp được khoản nợ 1.600 tỷ đồng. Ảnh: Thiên Phước
Ông Trần Văn Trí cho biết: Thủy sản Phương Nam đã thu xếp được khoản nợ 1.600 tỷ đồng. Ảnh: Thiên Phước

Ngày 7/6/2013, Công ty thủy sản Phương Nam được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với các cổ đông mới, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Minh Trí, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty, với vốn điều lệ 295 tỉ đồng.
 
Ông Trần Văn Trí tiếp nhận "ghế nóng" tại Thủy sản Phương Nam đầu tháng 11/2012. Khi đó, công ty này nợ Agribank Sóc Trăng 548 tỷ đồng. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Sóc Trăng là chủ nợ lớn thứ hai với 341 tỷ, còn lại là LienVietPostBank Sở giao dịch Hậu Giang (hơn 328 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank, 147 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, gần 147 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) chi nhánh Bạc Liêu (80 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng vướng 8 tỷ đồng.
 
Vị giám đốc này cho biết, công ty thu xếp được các khoản nợ nêu trên và sẽ trả dần trong thời gian tới. Trong 295 tỷ đồng vốn điều lệ mới, chồng nữ doanh nhân Diệu Hiền chiếm 34,17%, ông Nguyễn Minh Trí - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Phương Nam đại diện 62,43% và 3% còn lại thuộc về cổ đông cũ Huỳnh Phúc Quế. 

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Minh Trí cho biết, để công ty hoạt động ổn định, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Ngân hàng An Bình cam kết sẽ tiếp tục cho công ty vay vốn lưu động. 

Đối với các ngân hàng có dư nợ không tham gia góp vốn có thể hỗ trợ cho vay vốn lưu động hoặc cho vay tài trợ xuất khẩu tùy theo chủ trương của mỗi ngân hàng. Về công nợ, cổ đông mới có trách nhiệm trả các khoản nợ cũ trước đây cho các nhà cung cấp trong quá trình hoạt động kinh doanh sau khi tái cấu trúc thành công.

Sau 4 tháng tái cấu trúc, ngày 18/10 vừa qua Phương Nam đã tổ chức họp báo công bố đã đạt được những kết quả khả quan. Trước mắt công ty sẽ tập trung vào trả nợ thuế và bảo hiểm xã hội, còn khoản nợ ngân hàng sẽ neo lại đến 2015.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Minh Trí cũng cung cấp thêm một số thông tin liên quan đến tình hình nợ nần của công ty. Theo đó, Công ty Phương Nam có số nợ hơn 1.500 tỷ đồng tại 7 ngân hàng là Vietcombank, Agribank, LienVietPostBank, Sacombank, ABBank, Vietinbank, VDB. Trước khi xảy ra rủi ro, một số ngân hàng đã kịp rút vốn lưu động như Vietcombank, Eximbank. Agribank cũng rút vốn nhưng sau đó có bơm vào để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Tuy công ty đã hoạt động bình thường trở lại với những kết quả khả quan, nhưng tình hình trả nợ của Phương Nam vẫn còn nhiều lo ngại. Ông Trí cũng đưa ra nhiều phương án để trả nợ nhưng tùy thuộc vào tình hình kinh doanh, dù ở phương án nào thì công ty Phương Nam dự kiến cũng sẽ chưa trả nợ các ngân hàng trước năm 2015.

LIỄU PHẠM (TỔNG HỢP)