ĐB Lê Như Tiến: Chống tham nhũng nên tập trung vào "chiến dịch bắt hổ"

08/11/2013 07:20
Ngọc Quang
(GDVN) - ĐBQH Lê Như Tiến cho rằng, chống tham nhũng nên tập trung vào "chiến dịch bắt hổ". Với những siêu vụ án làm thất thoát của nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, hơn là dàn những trận lớn chỉ để bắt mèo nhỏ, chuột con.

Kê khai tài sản nhưng không công khai

Theo ĐBQH Lê Như Tiến, nói một cách hình ảnh là chúng ta đã bày binh bố trận rầm rộ, chiến lược, chiến thuật bài bản, dàn quân toàn tuyến, khí thế hừng hực, quân lực và hỏa lực hùng hậu xong giặc nội xâm tham nhũng chưa bị xát thương là bao nhiêu. Quyết tâm chính trị đã có chứng tỏ hiệu quả phòng, chống tham nhũng đang nằm ở khâu triển khai thực hiện. Cử tri cho rằng, nợ xấu về tài chính tiền tệ cũng đáng lo ngại, song lo ngại nhất là nợ xấu lòng tin và tồn đọng trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng.

“Tại phiên thảo luận tổ đại biểu Quốc hội đề nghị các cơ quan phòng, chống tham nhũng nên tập trung vào "chiến dịch bắt hổ". Với những siêu vụ án làm thất thoát của nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, hơn là dàn những trận lớn chỉ để bắt mèo nhỏ chuột con. Có như thế mới nhanh chóng giải tỏa được tâm lý trong dân. Mèo ăn miếng thịt chẳng tha, hổ vồ con lợn đứng mà thở than”, ông Tiến nói.

Cũng theo ĐB Lê Như Tiến, nhiều ĐBQH còn băn khoăn về việc xử lý dường như mới dừng lại ở những người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty, trong khi tập đoàn, tổng công ty không thể tự mình gây thất thoát tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng, nhiều triệu đô la. Nếu không có sự buông lỏng quản lý, sự tiếp tay, tiếp sức, tiếp mưu, đồng hành, đồng lõa, đồng phạm của một số cán bộ công chức các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương. Lợi ích nhóm được hình thành từ "liên minh ma quỷ" đó và hệ lụy là tiền thuế của nhân dân, ngân khố quốc gia ngày ngày bị bòn rút, đục khoét, sói mòn, thâm hụt thì dường như những người này đang đứng ngoài cuộc, vô can.

ĐBQH Lê Như Tiến.
ĐBQH Lê Như Tiến.

Cũng theo ông Tiến, về minh bạch tài sản có kê khai mà không công khai. Bảng kê khai tài sản thường được cất rất ngăn nắp, kín đáo, cẩn mật trong tủ hồ sơ của các cơ quan quản lý cán bộ mà không công khai niêm yết ở các cơ quan, nơi người công tác thường trú hoặc nơi công tác.

Ông Tiến chỉ rõ: “Có cán bộ cấp phòng ở một thành phố sau hơn 1 năm tài sản tăng thêm lên đến hàng chục tỷ đồng, có cậu bé mới lớn đã tích lũy được cả biệt thự sang trọng, ô tô đắt tiền và vài lô đất trong phố. Chúng ta lên án hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài mà chưa nghiêm khắc với hành vi chuyển dịch tài sản cho người thân của nhiều quan chức tham nhũng khi người dân không kiểm soát được thu nhập của các công bộc thì kê khai chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ mỗi khi đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử, ứng cử hoặc bỏ phiếu tín nhiệm, tai mắt nhân dân trong phòng, chống tham nhũng không có điều kiện để tỏ tường vì thiếu thông tin, thiếu sự minh bạch”.

Chúng tôi xin kiến nghị bên cạnh các cơ quan điều tra hiện có cần thành lập Cục điều tra tội phạm tham nhũng trực thuộc Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng với cơ chế đặc biệt được trao "thượng phương bảo kiếm" có quyền điều tra độc lập để câu hỏi lớn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 9 vừa qua: Liệu có tham nhũng tiêu cực, bao che trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật và trong chính các lực lượng phòng, chống tham nhũng không?

“Bắt chuột, phải giữ được mâm cỗ”

ĐBQH Lê Bá Thuyền kể một câu chuyện cụ thể: Có đồng chí làm Phó Chủ tịch tỉnh, đồng chí bảo tôi có 3 máy điện thoại reng đều, từ khi cơ cấu vào Thường vụ, điều sang làm trưởng Ban tuyên giáo tỉnh đến nay không ai gọi cả, tưởng máy hư đem đi sửa, người sửa bảo máy chú vẫn tốt, nhưng rõ ràng những vấn đề người ta quan tâm nhiều, điều đó chứng tỏ có nguy cơ tham nhũng cao, còn những đối tượng không có nguy cơ tham nhũng cao thì chúng ta tính khác, ta cứ nói bình quân thế, cho nên chúng tôi nói phải khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao để chúng ta đề ra các giải pháp khắc phục tốt hơn.

ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền.
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền.
Từ đó, ông Thuyền nhận định: “Nên khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao, để có giải pháp làm cho tốt hơn. Chống tham nhũng của chúng ta bức xúc quá thì cũng không được, phải hết sức bình tĩnh, tham nhũng mình phải nói nó như con chuột khi vào mâm cỗ thì phải lừa ra để bắt, chứ nếu chúng ta bực quá, chúng ta lấy búa đập nát con chuột lại thành ra tan tành ở mâm cỗ thì hỏng. Cho nên mình phải hết sức khôn ngoan, làm sao bắt được chuột mà giữ được mâm cỗ.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) thì cho rằng, phải công khai và minh bạch trong mọi lĩnh vực kể cả bổ nhiệm lãnh đạo, không cần phải “đóng mật” mà nên công khai minh bạch để mọi người biết người đó có xứng đáng không?
“Qua đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúng ta thấy rằng thế hệ trẻ ngày nay sẵn sàng xếp hàng để tôn thờ biểu tượng, tôn thờ niềm tin. Tôi cho rằng các thế hệ cha anh ngày nay hãy nhìn lại mình để làm tấm gương cho các thế hệ sau, đó là điều hết sức quan trọng. Phải trở thành tấm gương để các thế hệ trẻ nhìn vào, tin tưởng và noi theo”, ông Quyền thẳng thắn nói.
Còn ĐB Đỗ Văn Đương, đề nghị thành lập một cơ quan điều tra độc lập để tạo sự đột phá trong công tác chống tham nhũng. Người đứng đầu cơ quan này phải là một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và được đặt ở 7 khu vực, độc lập với các vùng địa phương, như 7 vùng thời tiết, Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, như thế là ông đi điều tra là cứ vào dịch quán ăn, không phải ăn uống với các cơ sở nữa để đỡ vướng mắc và thẩm quyền chỉ điều tra những án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn và những án mà đối tượng phạm tội có liên quan thuộc diện tỉnh ủy quản lý trở lên, còn những án điều tra bình thường thì để cơ quan điều tra người ta điều tra bình thường./.
Ngọc Quang