Vụ án tù oan 10 năm của ông Chấn: Họ "cắp ô" hay cắp "lưỡi hái"?

13/11/2013 07:36
Tác giả: Dương Xuân Thành
(GDVN) - Hy vọng sau vụ xét xử hủy hai bản án của ông Chấn sẽ còn nhiều phiên tòa nữa liên quan đến những kẻ đang phủi tay chối tội, đang cố đùn đẩy sự vô lương tâm của mình cho người khác. Những con rùa rụt cổ, dù chết hay sống cũng phải được mang ra trước ánh sáng công lý.
Kiểu trưng biển cấm chẳng giống ai của TAND tỉnh Nghệ An
Kiểu trưng biển cấm chẳng giống ai của TAND tỉnh Nghệ An

Ngày 6/11/2013, rất nhiều tờ báo đăng trang nhất các bài viết thể hiện nội dung: “Người bị tù oan 10 năm kể về đòn hiểm ép cung”. Trong nội dung bài báo có đoạn: “Theo như lời kể của ông Chấn, trong quá trình lấy lời khai, các điều tra viên này đã cầm dao, búa bắt ông Chấn nhận tội”. Báo Giáo dục Việt Nam ngày 7/11/2013 đăng bài của tác giả Viết Cường: “May mà ông trời có mắt”

Báo Pháp luật và Xã hội, cơ quan của Sở Tư pháp Hà Nội, ngày 28/3/2013 viết: “Điều mà người dân thấy khó hiểu là phía TAND tỉnh Nghệ An đã cho trưng biển hiệu cấm tất cả các đối tượng được tham dự phiên tòa mang điện thoại, máy ảnh, tư trang vào hội trường xét xử, kể cả…những nhà báo” [1].

Ba ví dụ nêu trên mới chỉ là cách nhìn nhận của một vài cá nhân và trang báo điện tử, Chắc chắn không thể thống kê hết những gì mà người dân và truyền thông đề cập tới hoạt động của các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật.

Khi mà chính rất nhiều người đang làm việc ở trong ngành Tư pháp phải than phiền: “Kiểu trưng biển cấm chẳng giống ai của TAND tỉnh Nghệ An” thì người dân còn gì để nói?

Với 10 năm tù của ông Nguyễn Thanh Chấn, rồi đây những người liên đới sẽ phải trả lời, điều mà dư luận có thể dự đoán là họ sẽ phủ nhận các hành vi tra tấn (mà sự thực là mới đây họ đã đồng loạt phủ nhận), bức cung mà ông Chấn tố cáo bời không có chứng cứ, trừ những đơn thư của chính ông Chấn.

Không có chứng cứ, không thể kết tội đó là nói về phía pháp luật, còn dân gian người ta nói “ác giả, ác báo”. Nghe nói hai trong số những người liên quan đã bị tai nạn, một chết, một chấn thương sọ não, âu cũng là “trời xanh có mắt”. Những người còn lại dù có thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật, liệu có thoát sự trừng phạt của lương tâm, liệu có sống yên ổn đến lúc xế chiều?

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói có 30% công chức thuộc diện “cắp ô”, nếu chỉ như vậy thì người dân vẫn còn quá may mắn bởi lẽ mỗi người dân, mỗi gia đình chỉ bị “mất cắp” lưng cơm, miếng cá. Khi mà những công chức ấy, thay vì “cắp ô” lại mang “lưỡi hái’ thì nguy cơ mất cắp mạng sống của người dân mới là điều đáng nói. Nếu không có tình tiết giảm nhẹ (gia đình liệt sĩ) thì án mà ông Chấn phải nhận sẽ là tử hình và đến nay chắc gì đã được mồ yên mả đẹp?

Ngày xưa quan là “phụ mẫu’ của dân, ngày nay họ là “đầy tớ” của dân. Cái chữ “phụ mẫu” một mặt thể hiện sự hống hách, trịch thượng, sự khẳng định uy quyền của kẻ làm quan thời phong kiến, nhưng mặt khác lại cũng  ngầm răn dạy người làm quan phải hiểu nghĩa vụ của mình đối với dân chúng.

Bản năng tự nhiên của “phụ mẫu” là chăm sóc cho con cái, dành những gì tốt nhất cho con cái, vì thế mới có câu “hổ dữ không ăn thịt con”. Còn đầy tớ, nét đặc trưng thứ nhất là ít được học hành đến nơi đến chốn, nét đặc trương thứ hai khi nhận lời làm thuê là kiếm được nhiều tiền.

Với đặc điểm “tự nhiên” như thế, bao nhiêu “đầy tớ” sẽ trung thành với những ông chủ nghèo mà không bỏ đi tìm kẻ giàu hơn để phụng sự? Bao nhiêu “đầy tớ” mà chủ có thể tin tường giao phó chìa khóa khi vắng nhà? Xã hội ngày xưa có những đầy tớ như Yết Kiêu, Dã Tượng, tuyệt đối trung thành với chủ, vì họ là những “đầy tớ thật”, xã hội ngày nay “đầy tớ” sẵn sàng phá két chủ nhà, thậm chí ngồi trên đầu chủ nhà vì đó là các “đầy tớ rởm”.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu ý kiến: “Có vẻ như đầy tớ nào cũng có quyền, nhưng mỗi khi xảy ra sự cố, ít đầy tớ nào chịu đứng ra nhận trách nhiệm. Điều này đúng cho mọi chuyện - từ chuyện cây rừng bị chắt phá, đến chuyện thực phẩm bị nhiễm độc”[2].  

Đầy tớ ăn cắp chỉ là chuyện nhỏ, một khi “đầy tớ” nhân danh công lý, dưới cái ô pháp luật, kề lười hái vào cổ chủ nhân thì xã hội sẽ là cái gì?

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền ngày 6/11/2013 phát biểu: “Tất cả các cấp đều phải xem xét lại trách nhiệm của mình. Trách nhiệm liên quan đến hai yếu tố: quá tự tin và cẩu thả. Còn ở vụ này, năng lực yếu và trách nhiệm chưa cao” [3].

Được biết Văn phòng Chủ tịch nước đã có ý kiến, một số đại biểu Quốc hội đã lên tiếng, Bộ trưởng Công an cũng đã lên tiếng, mấy vị bên Kiểm sát thì đã họp báo, nhìn vào cầu vai của họ thấy ba sao (tức là tương đương thượng tướng đấy).

Chủ tọa phiên tòa ngày xưa cũng đã lên tiếng, Tuổitrẻ Online ngày 8/11/2013 dẫn lời ông Nguyễn Minh Năng: “Hồi xưa xét xử thì dựa trên chứng cứ, tài liệu vụ án, chứ giờ vụ án đã lâu không nhớ nổi. Giờ bị cáo bị oan sai thì trách nhiệm là do Quốc hội chứ biết sao được, tốt nhất là nhà báo đừng hỏi nữa”.

Vẫn trong bài báo trên ông Trần Văn Duyên nguyên thẩm phán phiên xét xử sơ thẩm năm 2004, nói: “Cấp phúc thẩm tuyên y án thì có nghĩa chúng tôi xử đúng rồi và chúng tôi cũng không có trách nhiệm gì, giờ vụ án có sai thì trách nhiệm thuộc về cấp phúc thẩm của tòa tối cao”. 

Theo ý ông Quyền thì phải “xem xét” đến cấp nào, cấp nào là cấp “cẩu thả” nhất, sơ thẩm, phúc thẩm hay… “trên thẩm”? 

Chỉ số công lý (Justice Index) 2012 do Hội Luật gia Việt Nam (VLA), Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp nghiên cứu. Kết quả công bố ngày 3/10/2013 cho thấy 42,4% số người dân được hỏi không biết hoặc chưa bao giờ nghe nói đến Hiến pháp.

Dân không biết đến Hiến pháp, pháp luật nghĩa là không biết quyền và nghĩa vụ của mình, nghĩa là khi cần thì dân tự xử, kể cả việc đó trái pháp luật (như việc đánh chết kẻ trộm chó). Một số người hiểu biết pháp luật thì lợi dụng sự thiếu hiểu biết của dân (như ông Chấn) để dạy họ cách cầm dao đâm người, dạy họ tập bê xác chết để có chứng cứ kết tội chính họ.

Càng biết, càng nói thì càng đau lòng, mong sao sẽ sớm đến ngày trong tay một số “đầy tớ” không còn lưỡi hái của tử thần, hãy trả “đầy tớ” về đúng vị trí của “đầy tớ”, hãy để cho "ông chủ" có quyền thuê "đầy tớ" và cũng có quyền tống khứ loại "đầy tớ" bất tài mà thừa tàn nhẫn ra khỏi nhà.

Không làm được như vậy, sẽ còn tiếp có án oan, sẽ còn tiếp những người vô tội mà số phận không được may mắn như ông Chấn. Nhân ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11 hàng năm) hy vọng sau vụ xét xử hủy bản án của ông Chấn sẽ còn nhiều phiên tòa nữa liên quan đến những kẻ đang phủi tay chối tội, đang cố đùn đẩy sự vô lương tâm của mình cho người khác. Những con rùa rụt cổ, dù chết hay sống cũng phải được mang ra trước ánh sáng công lý.

Tài liệu tham khảo:
 [1] http://phapluatxahoi.vn/20130328101234823p0c1001/nghe-an-xet-xu-cong-khai-nhung-toa-an-tinh-cam-du-thu.htm
[2] http://dantri.com.vn/su-kien/lam-phat-day-to-613298.htm (Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng)
[3].http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/148252/-co-quan-dieu-tra-vn-thuoc-dien-gioi-nhat-the-gioi-.html
Tác giả: Dương Xuân Thành