Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy Văn Trung Ương, dự báo đến khoảng 16h00 ngày 10/11, siêu báo số 14 sẽ đổ bộ vào vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi - Hà Tĩnh với sức gió mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Nhằm tránh thiệt hại do bão gây ra, thực hiện Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện các tỉnh ven biển miền Trung đang khẩn trước hoàn tất công tác ứng phó với bão.
Quảng Nam: Cấm tàu thuyền ra khơi từ trưa nay
Tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng phải huy động tất cả mọi biện pháp, tất cả mọi lực lượng để chủ động đối phó; phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và các đơn vị liên quan trên địa bàn chỉ đạo thực hiện quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão.
Ban Chỉ huy PCLB&TKCN đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tổ chức thực hiện di dời, sơ tán dân triệt đến nơi an toàn, đặc biệt là sơ tán nhân dân các làng ven biển tới các nhà, công trình kiên cố cách bờ biển tối thiểu 500m, đề phòng sóng biển cao trên 08m.
Tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo nhân dân tự dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày.
Miền Trung sẵn sàng đối phó với bão. (Ảnh: Dân Việt) |
Trong khi đó, hôm nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quang Nam đã nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi; hướng dẫn tàu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão hoặc vào nơi tránh trú bão an toàn.
Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các Trường Đại học, Cao đẳng chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học vào thứ Hai ngày 11/11 cho đến khi bão tan, những vùng bị ngập lụt phải cho học sinh nghỉ học, không để bị tai nạn do đi lại trong bão, lũ.
Thừa Thiên Huế: Dự trữ 100 tấn gạo
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đến sáng ngày 09/11, toàn tỉnh đã kêu gọi toàn bộ 1.819 phương tiện tàu thuyền vào bờ neo đậu, không còn tàu thuyền đánh cá trên vùng biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo kế hoạch toàn tỉnh có 29.507 hộ, với hơn 113.020 nhân khẩu phải sơ tán.
Riêng các huyện vùng ven biển (huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc và Thị xã Hương Trà) phải sơ tán, di dời 11.274 hộ với hơn 50.072 nhân khẩu đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ đất liền.
Hiện trên địa bàn có 7.894 khách du lịch, Tỉnh cũng đã chỉ đạo các khách sạn, nhà nghỉ và các đơn vị lữ hành có phương án đảm bảo an toàn, ổn định cho khách du lịch.
Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã chỉ đạo các hồ thủy điện tiếp tục điều tiết nước về hạ dụ để có dung tích phòng lũ tối thiểu trước khi bão đổ bộ. Các hồ chứa thủy lợi đã tháo cửa van, đảm bảo an toàn, sẵn sàng đón lũ.
Siêu bão Hải Yến đổ bộ vào thành phố Legaspi ngày 8/11. (ẢNh: Thanh Niên) |
Về công tác dự trữ, hiện tỉnh đã dự trữ 100 tấn gạo; 100 tấn mì ăn liền; 230 ngàn lít xăng, dầu Diezel và dầu hỏa; riêng 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông đã dự trữ 30 tấn gạo, 10 tấn muối và một số hàng nhu yếu phẩm, ngoài ra các địa phương cũng đã hướng dẫn người dân vùng sâu, vùng xa, vùng ngập lụt chủ động dự trữ hàng hóa, nhu yếu phấm tối thiểu 07 ngày.
Để chủ động phòng chống và giảm thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương, cơ quan đơn vị kiểm tra kho tàng, nhà xưởng, hệ thống cột anten, công sở, di tích văn hóa; các địa phương yêu cầu bà con chặt tỉa cành cây, giằng chống nhà cửa, các lều trại, khu vực nuôi trồng thủy sản trên vùng đầm phá; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lưới điện, thông tin liên lạc, ngành giáo dục cho học sinh nghỉ học từ ngày 10/11, ngành y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc men, phương tiện cấp cứu và sẵn sàng phương án chăm sóc, cấp cứu nhân dân kịp thời.
Đà Nẵng: Di dời hơn 70 nghìn dân
Tại Đà Nẵng, ngay từ ngày 7-8/11, UBND thành phố liên tục có công văn, công điện thông báo và yêu cầu triển khai các hoạt động phòng chống cơn bão số 14. Theo đó, thành phố tạm dừng tất cả các cuộc họp để tập trung chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão; tổ chức neo đậu an toàn cho 1.848 tàu thuyền với gần 7.500 lao động vào Âu thuyền Thọ Quang, di dời các thuyền thúng nhỏ lên bờ; huy động người dân chèn chống nhà cửa.
Đặc biệt, thành phố đã lên phương án di dời gần 20.000 hộ dân với hơn 73.000 người tại những khu vực nguy hiểm như các nhà trọ, nhà cho thuê, khu vực nguy hiểm thường xuyên có triều cường, khu vực ven biển do sóng rất lớn trong bão nhất là khu vực tuyến đường Hoàng Sa, khu vực quận Liên Chiểu đến nơi an toàn. Tổ chức di dân tại chỗ, di dân từ nhà không kiên cố sang nhà kiên cố, di dân vào các công sở, cơ quan, cách xa bờ biển ít nhất 500m; động viên các hộ gia đình có nhà kiên cố tạo điều kiện cho người dân cùng tránh, trú bão.
Bão Hải Yến qua ảnh mây vệ tinh. |
Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến cho biết, toàn bộ hệ thống chính trị sẽ vào cuộc, cùng người dân ứng phó với cơn bão rất mạnh này. Bên cạnh việc sơ tán dân, các công việc khác như kiểm tra các công trình xây dựng, hạ cần cẩu tại các dự án đang triển khai, thực hiện chèn chống tại các cơ quan, công sở; chuẩn bị dự trữ lương thực, nước sạch… cũng đang được triển khai rất tích cực.
Lãnh đạo thành phố sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát, túc trực 24/24 nhằm kịp thời chỉ đạo các địa phương và phối hợp với các lực lượng vũ trang, sẵn sàng hỗ trợ người dân phòng chống trước, trong và sau cơn bão, giúp nhân dân giảm thiểu thiệt hại do cơn bão gây ra.
Nghệ An: Học sinh nghỉ học từ hôm nay
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cho biết, để triển khai ngay công tác phòng chống lụt bão, trước 19 giờ ngày 9/11 tỉnh đã kêu gọi toàn bộ các tàu thuyền trên biển vào bờ.
Tỉnh Nghệ an cũng tổ chức các huyện di dời 26.000 hộ dân ven biển, hạ lưu ngay trong đêm 8/11 để đảm bảo an toàn và thiệt hại đáng tiếc. Riêng đối với các trường học, Sở giáo dục và đào tạo tỉnh đã cho học sinh nghỉ học từ hôm nay (9/11) để đảm bảo an toàn.
Rêng tại TP Vinh, từ sáng sớm 9/11, đồng chí Nguyễn Xuân Đường- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dự cuộc họp khẩn cấp của thành phố với sự tham gia của lãnh đạo chủ chốt các phòng, ban và tất cả các xã, phường trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thành phố phải triển khai nhanh các phương án đảm bảo an toàn cho người dân ở các khu tập thể, chung cư cao tầng chất lượng kém; tổ chức chằng chống nhà cửa, tránh tâm lý chủ quan, triển khai đồng bộ các giải pháp, càng cụ thể càng tốt, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Tại Thị xã Cửa Lò , 9 giờ sáng ngày 9/11, đồng chí Nguyễn Xuân Đường đã yêu cầu lãnh đạo Thị xã phát lệnh di dời dân ở một số vùng nguy hiểm. Dự Kiến số hộ dân di dời tại thị xã sẽ sẽ lên tới khoảng 6.000 hộ.