"Dứt khoát phải thay đổi cách thi, cách đánh giá người học"

10/11/2013 13:15
Xuân Trung
(GDVN) - “Việc kiểm tra đánh giá định kì thường xuyên cũng như thi (thi hết môn, thi hết năm học, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh) đều phải thay đổi chứ không như bây giờ. Giữa bậc phổ thông và ĐH phải gắn với nhau thì việc sử dụng kết quả thi đánh giá ở phổ thông phải là một căn cứ cho các trường ĐH để xem xét và tuyển chọn”.

Người đứng đầu ngành giáo dục - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định như vậy khi nói về công tác thi và đánh giá kết quả học sinh trong thời gian tới.

Xuất phát từ định hướng đánh giá năng lực của học sinh từ phổ thông, việc đánh giá thi cử như hiện nay sẽ trở nên lỗi thời và không kiểm tra thực được đúng năng lực người học. Do vậy khâu kiểm tra, đánh giá được Bộ GD&ĐT rất quan tâm trong kì đổi mới lần này.
Dứt khoát thời gian tới sẽ đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá học sinh, và những hình ảnh của các đợt thi đại học như thế này sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, gọn nhẹ hơn. Ảnh minh họa Xuân Trung
Dứt khoát thời gian tới sẽ đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá học sinh, và những hình ảnh của các đợt thi đại học như thế này sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, gọn nhẹ hơn. Ảnh minh họa Xuân Trung

Nói về việc này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, dứt khoát kì tới phải thay đổi cách kiểm tra, đánh giá người học, giữa bậc phổ thông và ĐH phải gắn bó vơi nhau, do đó việc sử dụng kết quả thi đánh giá ở phổ thông phải là một căn cứ cho các trường ĐH để xem xét và tuyển chọn. Còn việc các trường ĐH sẽ thi tuyển hay xét tuyển hay căn cứ vào tiêu chí nào thì các trường sẽ được tự chủ theo Luật Giáo dục đại học.

Mong muốn các thầy cô, cán bộ quản lí giáo dục cùng vơi học sinh sinh viên cả nước ý thức đầy đủ trách nhiệm và vinh dự của mình được tham gia sự kiện vĩ đại này. Hàn động thông minh, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả. Hi vọng các cáp chính quyền, tổ chức chính trị xã hôi, các bậc phục huynh đồng hành với ngành, giám sát, động viên, chia sẻ khó khăn cùng ngành giáo dục.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.


“Hiện nay bộ đang soạn thảo và ban hành những văn bản cụ thể để cho các trường ĐH được tự chủ trong khuôn khổ của luật làm công việc tuyển sinh của mình, bộ sẽ không đứng ra làm việc này nữa. Nhưng điều có thể khẳng định dứt khoát thay đổi, vì chúng ta chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều và kiểm tra việc đón nhận kiến thức đó như thế nào sang một nền giáo dục chú trọng vào việc hình thành và phát triển năng lực phẩm chất” Bộ trưởng Luận xác định mục tiêu thi và đánh giá trong thời gian tới.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận, cách thi, cách học hiện nay là đánh giá kiến thức nắm được thì không thể dùng để đánh giá năng lực phẩm chất được mà phải thay đổi cách thi. Vấn đề này không chỉ bộ làm cái gì mà cả ngành giáo dục đều phải làm.

Trong thời gian tới khi tiến hành công cuộc đổi mới giáo dục, đổi mới cách thi và đánh giá thì không phải chỉ giáo viên đánh giá học sinh mà học sinh tự đánh giá nhau, học sinh sẽ đánh giá sự đánh giá của cô giáo, đòi hỏi công khai, dân chủ và trong môi trường công khai và dân chủ thì ít chỗ cho sự dối trá và lừa lọc.

“Sự chuyển động thì không chỉ đòi hỏi các thầy ở bộ mà là toàn ngành, nhưng toàn ngành không cũng không đủ, những người làm giáo dục là những chiến sĩ xung kích trong công cuộc đổi mới lần này, còn cả xã hội, tất cả các lực lượng, tổ chức sẽ cùng tham gia với ngành giáo dục để chấn chỉnh lại những cái hư hỏng, thiếu sót, củng cố phát triển cái tốt, cái mới” Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh tầm quan trọng của các lực lượng tham gia đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục kì tới.

Trước đó, người đứng đầu ngành giáo dục từng trả lời báo chí rằng, lần đổi mới căn bản và toàn diện này giống như là một trận đánh lớn của toàn ngành, để thực hiện được phải có quyết tâm và thậm chí là phải sẵn sàng trả giá. Dư luận đặt câu hỏi, vậy tâm thế của Bộ GD&ĐT phải như thế nào để tránh được những rủi ro, những thất bại khi bước vào trận đánh này?

PGS. TS. Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam một lần nữa lên tiếng, theo ông để chắc chắn làm được điều này phải huy động được toàn xã hội chứ không chỉ ngành giáo dục, tất nhiên ngành giáo dục đóng vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt.

“Bộ trưởng có nói nền giáo dục của chúng ta vẫn là nền giáo dục ứng thí, hiểu theo nghĩa đi học, cố gắng học tập để vượt qua các kì thi, vì vậy những tâm lí ấy, quan niệm đó để lại những di họa rất lớn trong tất cả hoạt động học tập, thi cử. Do đó nếu không có sự đồng tâm nhất trí, hưởng ứng của toàn xã hội để giải quyết được đòi hỏi của đổi mới căn bản toàn diện lần này chứ không phải là thi cử thì rất khó thành công” PGS. TS Trần Kiều lưu ý.

Được sự hưởng ứng của toàn xã hội là chưa đủ nếu chúng ta chưa chú trọng, quan tâm tới lực lượng giáo viên. PGS. TS. Trần Kiều đặc biệt lo ngại trước đội ngũ giáo viên hiện nay: “Tôi cũng không hiểu sự hưởng ứng, quan tâm của đội ngũ giáo viên đó đến đâu, nhưng nhiệm vụ của chúng ta phải làm thế nào để toàn thể đội ngũ giáo viên quan tâm hưởng ứng, nhận thức tự giác và xác định cho được trách nhiệm của mình. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bộ GD&ĐT cũng như các cấp lãnh đạo khác”.

Đánh giá trình độ học vấn THPT qua 8 môn thi

Phương án này do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập đề xuất, theo đó sẽ đánh giá trình độ học vấn THPT qua 8 môn thi là: Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Ngoại ngữ. Đây là các môn văn hóa rất cơ bản, là nền tảng kiến thức phổ thông, đã từng được chọn làm môn thi trong các tổ hợp 3 môn hay 6 môn thi của hai kỳ thi nhiều năm qua.

Từng bước chuyển từ phối hợp đề thi trắc nghiệm khách quan với đề thi tự luận, tiến đến hầu hết các bài thi bằng đề trắc nghiệm khách quan với mỗi thí sinh một đề để giảm tiêu cực trong tổ chức thi và chấm thi.

Đề xuất tổ chức thi cùng đợt vào thời gian thích hợp, có thể thi vào giữa tháng 7 hàng năm, thời gian 4 ngày thi 8 buổi (mỗi bài thi một buổi). Chấm bài trắc nghiệm khách quan bằng máy.

Sử dụng thang điểm rộng để đánh giá kết quả thi. Đề nghị xây dựng thang điểm rộng 400 điểm, mỗi môn thi 50 điểm: (8 môn X 50 điểm = 400 điểm). Dùng thang điểm rộng là phù hợp xu thế chung của thế giới ngày nay.

Điểm tốt nghiệp cho các thí sinh, sau khi đã cộng điểm theo vùng miền và diện ưu tiên chính sách, từ 200 điểm trở lên. Với phổ điểm rộng này đảm bảo có sự bù trừ về năng khiếu, lực học của học sinh, thể hiện trong làm bài thi có môn khá bù cho các môn yếu, dẫn đến tổng điểm 8 môn đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện, hầu hết các học sinh học lực trung bình, học sinh chăm chỉ đủ điều kiện thi sẽ đạt yêu cầu từ tổng điểm tốt nghiệp trở lên.

Các cơ sở đào tạo căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh, yêu cầu trình độ và loại học vấn chung của cơ sở hay từng ngành đào tạo của cơ sở, phổ kết quả điểm thi của thí sinh cả nước và vùng địa phương để thiết kế tổ hợp các môn văn hóa và tổng điểm thi các môn đó cho từng ngành đào tạo của trường; có thể lấy hệ số hai (2) cho môn văn hóa mà ngành nghề đào tạo cho là quan trọng. Đồng thời phải tính cộng điểm ưu tiên theo vùng miền, theo đối tượng ưu tiên chính sách của Nhà nước (thực hiện theo qui định chung của Bộ GD&ĐT).

Thí sinh tốt nghiệp THPT mới được xét tuyển vào các trường đào tạo đại học, cao đẳng. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước nhưng không đỗ đại học cao đẳng, muốn tham gia xét tuyển sinh đại học cao đẳng năm sau chỉ cần đăng ký tham gia thi lại các môn theo phương án xây dựng điểm chuẩn của trường mà thí sinh có nguyện vọng xin vào học.




Xuân Trung