CCTV TQ chỉ trích "chủ nghĩa hòa bình tích cực" của Thủ tướng Nhật Bản

16/11/2013 08:51
Việt Dũng
(GDVN) - "Chủ nghĩa hòa bình tích cực" là Nhật Bản sẽ đóng góp tích cực hơn cho hòa bình và ổn định của thế giới, nhưng báo TQ cho là Nhật muốn xưng bá.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe quyết đưa Nhật Bản trở thành quốc gia bình thường, tăng cường vai trò ảnh hưởng cả về chính trị và quân sự, trước hết là ở khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe quyết đưa Nhật Bản trở thành quốc gia bình thường, tăng cường vai trò ảnh hưởng cả về chính trị và quân sự, trước hết là ở khu vực.

Đài truyền hình CCTV Trung Quốc ngày 7 tháng 11 có chương trình bình luận cho rằng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tích cực thúc đẩy "chủ nghĩa hòa bình tích cực" ở khắp nơi, đồng thời, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng bắt đầu tổ chức cuộc diễn tập quy mô lớn 3 quân chủng với 34.000 người tham gia, diễn ra tại Kyushu và Okinawa từ ngày 1 đến ngày 18 tháng 11 năm 2013, đáng chú ý là lần đầu tiên triển khai tên lửa đất đối hạm Project 88 ở đảo Miyako, tỉnh Okinawa.

Ngày 6 tháng 11, Ủy ban đặc biệt bảo đảm an ninh quốc gia, Hạ viện Nhật Bản cũng đã thông qua dự luật về việc thành lập "Hội đồng bảo đảm an ninh quốc gia" phụ trách xây dựng chính sách bảo đảm ngoại giao và an ninh. Liên quan đến vấn đề này, ông Shinzo Abe cho biết, trong tình hình môi trường bảo đảm an ninh có sự thay đổi rất lớn, cần thường xuyên phân tích tình hình quốc tế, nghiên cứu các biện pháp ứng phó với các mối đe dọa về ngoại giao, quân sự.

Báo Trung Quốc đặt câu hỏi: Như vậy, "chủ nghĩa hòa bình tích cực" của ông Shinzo Abe có những nội dung gì?

Theo phóng viên Tân Hoa xã, gần đây, trong nhiều trường hợp ở trong nước, Thủ tướng Shinzo Abe đã nói đến khái niệm "chủ nghĩa hòa bình tích cực", ông từng giải thích tại Quốc hội nước này về khái niệm này là: vì "hòa bình và ổn định của thế giới, Nhật Bản phải có đóng góp tích cực hơn so với trước đây".

Tại Quốc hội Nhật Bản, ông Shinzo Abe chỉ đích danh Trung Quốc phá hoại hòa bình của Nhật Bản.
Tại Quốc hội Nhật Bản, ông Shinzo Abe chỉ đích danh Trung Quốc phá hoại hòa bình của Nhật Bản.

Theo tờ "Tokyo Shimbun" Nhật Bản, trước đây, Chính phủ Nhật Bản giới hạn hoạt động ở nước ngoài của Lực lượng Phòng vệ trong vấn đề viện trợ nhân đạo và ứng phó cướp biển, nhưng hiện nay, ông Shinzo Abe đã bổ sung thêm nội dung "tích cực" vào "chủ nghĩa hòa bình", về bản chất là tăng cường hợp tác quân sự giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Quân đội Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

Trong tương lai, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ không chỉ muốn hỗ trợ quân Mỹ tiến hành tiếp tế vũ khí, mà còn sử dụng vũ khí tiến hành xua đuổi và đáp trả nước khác.

Tờ "Thời báo Ryukyu" Nhật Bản cho rằng, ông Shinzo Abe đưa ra "chủ nghĩa hòa bình tích cực" là nhằm sửa đổi Hiến pháp, cho phép Lực lượng Phòng vệ thực hiện quyền tự vệ tập thể, sửa đổi "Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí". Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản Magosaki Ukeru cũng cho rằng, "chủ nghĩa hòa bình tích cực" có ý cho phép Lực lượng Phòng vệ thực hiện quyền tự vệ tập thể, thực hiện các hành động quân sự.

Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản ở Hokkaido tiến hành diễn tập đổ bộ (ảnh tư liệu)
Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản ở Hokkaido tiến hành diễn tập đổ bộ (ảnh tư liệu)

Báo Trung Quốc dcho rằng, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe, người thuộc "phe diều hâu" (cứng rắn), Nhật Bản đang mở rộng vai trò ảnh hưởng quân sự.

Theo cách nhìn và tuyên truyền ác ý của báo Trung Quốc, "ông Shinzo Abe tuy đã 59 tuổi nhưng vẫn không biết "mệnh trời" (người Trung Quốc coi đến 50 tuổi là người ta biết mệnh trời), vẫn "đơn phương hành động", "cố chấp chào bán 'chủ nghĩa hòa bình tích cực', thậm chí kêu gọi đây mới là tấm biển mà Nhật Bản cần mang theo".

Bài báo dẫn lời nhà nghiên cứu Mã Quân, Viện khoa học quân sự Trung Quốc cho rằng, ông Shinzo Abe coi "chủ nghĩa hòa bình tích cực" là "tấm biển của Nhật Bản trong thế kỷ 21". Ông Abe đã rất tích cực thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp hòa bình, rất tích cực tìm cách để nâng cấp Lực lượng Phòng vệ thành quân đội chính quy, rất tích cực tăng chi tiêu quân sự, mở rộng quân bị, rất tích cực xóa bỏ "Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí", rất tích cực "gây sự cố" đảo Senkaku, rất tích cực phối hợp với chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ, rất tích cực "làm đầy tớ cho Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương".

Học giả Trung Quốc này kịch liệt phê phán lời nói và hành động của ông Shinzo Abe, cho rằng, ông Abe ra sức tuyên truyền "mối đe dọa Trung Quốc", "chia rẽ quan hệ giữa các nước châu Á", làm "lãnh đạo châu Á chống Trung Quốc"; liên tục tổ chức các cuộc diễn tập quân sự có tính chất nhằm vào rõ ràng, kêu gọi bắn rơi máy bay nước khác (xâm phạm không phận Nhật Bản)... Báo Trung Quốc coi đó không phải là những lời nói và hành động "hòa bình" hay "thúc đẩy hòa bình", nghi ngờ "chủ nghĩa hòa bình tích cực" do ông Shinzo Abe đưa ra.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiến hành diễn tập nhảy dù (ảnh tư liệu)
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiến hành diễn tập nhảy dù (ảnh tư liệu)

Nhà nghiên cứu Mã Quân cho rằng, trong liên minh cầm quyền của ông Shinzo Abe "có mâu thuẫn" về việc "thực hiện quyền tự vệ tập thể", nên ông Shinzo Abe đưa ra tư tưởng "thực hiện chủ nghĩa hòa bình mang tính năng động", nhưng tư tưởng này không dễ hiểu, sau đó đã đưa ra tư tưởng "chủ nghĩa hòa bình tích cực", tư tưởng này che giấu vấn đề "thực hiện quyền tự vệ tập thể" ở bên trong. Mã Quân kết luận tuỳ tiện về tư tưởng của ông Shinzo Abe là, chủ nghĩa hòa bình tích cực căn bản là "chủ nghĩa hiếu chiến, chủ nghĩa phục hồi quân phiệt" (?).

Theo đó, báo Trung Quốc cho rằng, chủ nghĩa hòa bình tích cực do ông Shinzo Abe đề xướng chính là thế lực cánh hữu Nhật Bản đang sử dụng "áo khoác đánh lừa người đời", thực chất là "ý thức chiến tranh điên cuồng", "tham vọng xưng bá châu Á" và "có ý đồ thách thách trật tự sau Chiến tranh". Báo Trung Quốc kết luận như kết tội rằng: "Mánh khóe của ông Shinzo Abe có thể nhất thời lừa gạt được một số người, nhưng chắc chắn không thể lừa gạt được nhân dân các nước" (?).

Trên thực tế, tổng quan báo chí Trung Quốc gần đây cho thấy, họ đang ra sức tuyên truyền về “mối đe dọa từ Nhật Bản”, rất sợ Nhật Bản không còn bị trói buộc bởi Hiến pháp hòa bình, mạnh lên về quân sự, khiến cho Trung Quốc đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong đòi hỏi chủ quyền ở biển Hoa Đông, thậm chí ở cả Biển Đông, nhất là khi Nhật Bản đang tích cực hợp tác với các nước, có thể xuất khẩu vũ khí trang bị hiện đại cho các nước trong tương lai.

Tàu khu trục lớp Kongo Nhật Bản theo dõi tàu chiến Trung Quốc đi qua chuỗi đảo (ảnh tư liệu).
Tàu khu trục lớp Kongo Nhật Bản theo dõi tàu chiến Trung Quốc đi qua chuỗi đảo (ảnh tư liệu).
Việt Dũng