Năm nay, GS.TSKH Bùi Đại – Nguyên Viện trưởng BV Trung ương Quân đội 108 đã 89 tuổi, nhưng ông vẫn thường xuyên theo dõi rất sát những thông tin xung quanh hoạt động của ngành y. Sau hàng loạt các sự việc gây chấn động xã hội vừa qua, trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, ông tỏ ra rất buồn khi ngày càng có nhiều bác sĩ phản bội lời thề Hippocrates - lời thề thiêng liêng mà mọi bác sĩ đều phải đọc trước khi nhận bằng tốt nghiệp.
GS.TSKH Bùi Đại - Nguyên Viện trưởng BV Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Ngọc Quang. |
PV: Thưa GS Bùi Đại, thời gian gần đây đã có hàng loạt vụ việc tiêu cực nổi lên trong ngành y tế, từ chuyện tiêm nhầm vác-xin cho trẻ sơ sinh (ở tỉnh Quảng Trị), nhân bản hàng nghìn xét nghiệm tại BV Đa Khoa Hoài Đức (Hà Nội), cho tới vụ thẩm mỹ viện Cát tường, vị bác sĩ phi tang xác nạn nhân xuống sông Hồng… ông có suy nghĩ gì trước hàng loạt sự việc đau lòng này?
GS.TSKH Bùi Đại: Vụ làm giả các xét nghiệm ở BV Hoài Đức và bác sĩ ném xác phi tang nạn nhân xuống sông Hồng đã trở thành giọt nước làm tràn ly, khiến dư luận không còn chịu nổi nữa.
Mỗi khi xảy ra một vụ việc buồn của ngành y, tôi lại thấy rất đau lòng. Mấy năm trước, báo chí nói nhiều về việc bệnh nhân bị phân biệt đối xử khi khám BHYT và khám dịch vụ, tuyến dưới thì có nhiều yếu kém thành ra tuyến trung ương cứ bị quá tải, ai cũng muốn nhanh thế nảy ra nạn đút lót, cứ có phong bì là xong tuốt, người xếp hàng sau chỉ cần kẹp tiền vào sổ khám là được ưu tiên; rồi thì tiêm cũng phải tiền, thay băng cho bệnh nhân cũng tiền… bác sĩ khám chữa bệnh mà bị đồng tiền điều khiển như vậy là không chấp nhận được. Rồi chuyện bác sĩ lạm dụng chỉ định xét nghiệm cũng diễn ra ở khá nhiều nơi, nói mãi rồi mà chưa ngăn chặn được.
Thiếu tướng, GS.TSKH Bùi Đại được phong tặng các danh hiệu: Thầy thuốc Nhân dân, Anh hung lực lượng vũ trang Nhân dân.
Ông từng giữ các chức vụ: Phó Viện trưởng Viện 103 kiêm Hiệu phó Học viện Quân y; Viện trưởng Viện nghiên cứu Y học Quân sự; Viện trưởng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Căn nguyên là từ những sai phạm nhỏ của cán bộ y tế chưa được xử lý thật nghiêm khắc, từ đó tiêu cực tiếp tục lan tỏa trong hệ thống ngành y, giống như một người có bệnh nhưng lại không được điều trị dứt điểm ngay từ đầu, tới khi biến chứng thì xử lý sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Bây giờ, bệnh nhân luôn chuẩn bị tâm lý “cứ đi viện là phải đút lót”, hoặc sẽ phải hứng chịu thái độ khó chịu của nhiều bác sĩ, y tá. Tôi tin rằng, còn rất nhiều y bác sĩ tốt và mỗi lần thấy có tiêu cực của ngành thì họ cũng thấy rất buồn và xấu hổ.
PV: Nhiều người cho rằng, do lương của cán bộ ngành y quá thấp, trong khi công việc thì vất vả nên mới nảy sinh tiêu cực. Ông có đồng ý với quan điểm này không?
GS.TSKH Bùi Đại: Thời chúng tôi có bao giờ biết đến cái phong bì đâu vậy mà vẫn làm tốt, vẫn sống được, cho nên vin vào chuyện đồng lương thấp chỉ là ngụy biện. Thực ra nói về chuyện phong bì thì có nguyên nhân từ hai phía: Thứ nhất là do chính tâm lý hoang mang của một bộ phận bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã chủ động đút lót khiến cho một số y bác sĩ hư hỏng; Thứ hai là nhiều y bác sĩ y đức kém quá, nếu làm tốt mà bệnh nhân điều trị xong rồi cảm ơn thì cũng là chuyện bình thường, nhưng trong quá trình điều trị mà tìm cách này cách khác để moi tiền của bệnh nhân là rất mất nhân cách, không thể chấp nhận được.
Đành rằng công việc của y bác sĩ là vất vả, nhưng không thể vin vào đó để lý giải cho những việc làm sai trái.
Nguyễn Mạnh Tường là thí dụ điển hình phản bội lời thề Hippocrates. |
PV: Nhưng thưa GS, trên thực tế ngày càng có nhiều bác sĩ phản bội lời thề Hippocrates, trong đó lời thề đầu tiên chính là bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người bệnh?
GS.TSKH Bùi Đại: Những vụ việc đau lòng xảy ra trong thời gian qua là minh chứng cho thấy đạo đức ngành y đã xuống dốc đến mức không thể chấp nhận được. Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng chủ yếu là do người ta đã đặt đồng tiền lên hàng đầu, coi nhẹ liêm sỉ của một con người, coi thường đạo đức của một bác sĩ, nói cách khác họ trở thành bác sĩ, y tá là để tìm cách vơ vét tiền bạc chứ không trân trọng nghề nghiệp. Tôi cho rằng trong xã hội có hai nghề phải giữ đức độ hàng đầu đó là các nhà giáo và các y bác sĩ.
Nói như vậy không có nghĩa là cả ngành y xấu, bởi vì vẫn còn đó rất nhiều y bác sĩ chân chính, âm thầm cống hiến cho sự nghiệp ngành y nước nhà, nhiều người làm những công việc rất vất vả như y tế dự phòng, ở các cơ sở chăm sóc bệnh truyền nhiễm... họ rất đáng được tôn vinh, và đáng được xã hội tôn trọng.
PV: Vậy ông có đồng ý với quan điểm đã vi phạm y đức phải đuổi việc vĩnh viễn?
GS.TSKH Bùi Đại: Việc này rất khó nói, nếu hiểu một cách đơn giản thì vi phạm y đức là không chấp nhận được rồi, nhưng cũng phải xét hoàn cảnh cụ thể và vụ việc cụ thể để tránh vơ đũa cả nắm. Thí dụ, quy định một đằng làm một nẻo, hoặc tác trách nên dẫn tới thiệt hại tính mạng của người bệnh thì cần phải đuổi ra khỏi ngành y vĩnh viễn.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!