Đầu tư 3,6 tỷ USD xây dựng tuyến đường sắt cao tốc năng lượng gió

13/11/2013 09:23
Ngọc Luân
(GDVN) - Hôm qua, ngày 12/11/2013, tại TP. HCM, Viện khoa học và công nghệ Phương Nam và Tập đoàn EDES Hoa Kỳ đã ký kết biên bản ghi nhớ việc hợp tác đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP. HCM – TP. Cần Thơ, dưới sự chứng kiến của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, đại diện các địa phương có tuyến đường sắt này dự kiến đi qua. Tổng vốn đầu tư của dự án này là khoảng 3,6 tỷ USD, được triển khai theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao)

Theo dự án vừa được công bố này, tuyến đường sắt từ TP. HCM nối đến TP. Cần Thơ sẽ có tổng chiều dài khoảng 134 km, và đi qua các địa phương: Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Theo đề xuất, trên tuyến có 10 nhà ga, bắt đầu từ ga hàng An Bình - thị xã Dĩ An – tỉnh Bình Dương, và kết thúc ở ga Cái Răng – huyện Cái Răng – TP. Cần Thơ.

Ở TP. HCM, tuyến đường sắt này sẽ đi qua địa các địa bàn như: quận Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Nhóm nghiên cứu đề xuất chọn ga Tân Kiên - huyện Bình Chánh, làm điểm đầu chở khách, thay vì ga Hòa Hưng hoặc ga Thủ Thiêm như gợi ý của Bộ Giao thông Vận tải trước đó.

Đại diện 2 đối tác ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư
Đại diện 2 đối tác ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư

Tại buổi ký kết, ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hiệp hội KHKT cầu đường TP. HCM - thành viên Hội đồng Khoa học tư vấn dự án tuyến đường sắt này cho biết, tuyến đường sắt tốc độ cao này sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt đôi, cấp 1 cao tốc với khổ đường theo chuẩn quốc tế là khổ 1.435mm, đáp ứng được tốc độ tối đa 200km/h.

Theo ông Trường, ưu điểm của tuyến đường sắt này là sẽ sử dụng năng lượng gió là năng lượng chính để chạy tàu. Còn tại các nhà ga sẽ sử dụng năng lượng mặt trời là chủ yếu. Ngoài ra, có thể vận dụng nhiều hình thức khai thác như tàu nhanh suốt tuyến, tàu ngoại ô liên vùng…

Tuyến đường sắt có 2 phương án tuyến, trong đó hướng tuyến thứ nhất sẽ là: từ ga Tân Kiên - TP. HCM, tuyến  đường sắt sẽ đi song song với đường vành đai 2 đến nút giao Chợ Đệm rồi cặp theo đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương về Bến Lức, Cai Lậy đến cầu Mỹ Thuận (bên bờ sông Tiền).

Sơ dồ hướng tuyến của dự án đường sắt cao tốc chạy bằng năng lượng gió sắp được triển khai
Sơ dồ hướng tuyến của dự án đường sắt cao tốc chạy bằng năng lượng gió sắp được triển khai

Hướng tuyến thứ hai sẽ đi theo hướng: từ ga Tân Kiên đi song song với đường vành đai 2, vượt qua đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương, vượt quốc lộ 1A đi về phía đông quốc lộ 1A, vượt sông Vàm Cỏ Đông qua sông Vàm Cỏ Tây  đi tiếp về phía Đông thị xã Tân An, nối với ngã 3 Trung Lương, sau đó qua TP. Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang và về  đến cầu Mỹ Thuận

Khi tuyến đi vào vận hành, thời gian cho việc đi từ TP.  HCM về TP. Cần Thơ (và ngược lại) sẽ được thu ngắn chỉ còn khoảng một giờ đồng hồ.

Theo tính toán, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án đường sắt cao tốc này sẽ rút ngắn 30 km quãng đường từ TP. HCM đi Cần Thơ (và ngược lại), thời gian cho việc di chuyển cũng sẽ được thu ngắn chỉ còn khoảng một giờ.

“Dự toán tổng mức đầu tư tuyến đường sắt cao tốc này khoảng 3,6 tỷ USD, chưa kể kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí xây 2 cầu vượt đường sắt qua sông Tiền và sông Hậu. Chiết tính, dự toán kinh phí xây dựng cho mỗi km trên tuyến đường sắt hiện đại này là khoảng 25 triệu USD.” - ông Trường thông tin.

Mô hình của dự án
Mô hình của dự án

Theo các chuyên gia của ngành giao thông:  Việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc giữa 2 đầu mối kinh tế trong toàn vùng là TP. HCM và TP. Cần Thơ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm tải cho các tuyến đường bộ. Và, quan trọng nhất là việc vận chuyển hành khách và hàng hóa tốc độ cao là cần thiết, nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng tại khu vực phía Nam.

Đây cũng là dự án được kỳ vọng sẽ tác động đến sự phân công lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển công nghiệp hoá giữa  TP. HCM và các địa phương tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Được biết, dự án này đã được Viện KHCN Phương Nam cùng các nhà khoa học chuyên ngành đường sắt nghiên cứu hơn 6 năm, được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương giao cho Viện KHCN Phương Nam nghiên cứu đầu tư.

Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ 3 - 5 năm.


Ngọc Luân