GfK: “Chúng tôi không chứng nhận”
Lời khẳng định của GfK đã thêm một lần nữa cho thấy: “Đại gia” Pico nói dối khách hàng.
Trước đó (ngay sau ngày khai trương siêu thị điện máy Pico Tây Sơn - 16/7), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi siêu thị điện máy này treo tấm biển với ghi dòng chữ “kỷ lục bán hàng Việt Nam” hoành tráng, “khoe" thành tích bán hàng của mình do Công ty nghiên cứu thị trường GfK chứng nhận.
Tuy nhiên, cũng ngay sau đó đã có không ít nghi vấn được khách hàng đặt ra xung quanh việc chứng nhận kỷ lục này. Thậm chí, nhiều người đã bức xúc khi đặt câu hỏi: GfK bị Pico “qua mặt” hay nhắm mắt chứng nhận... liều theo kiểu “đôi bên có lợi” cho Pico? Dựa vào đâu mà GfK đưa ra chứng nhận kỷ lục này khi số lượng khách hàng mua 2.000 tivi LCD Sharp đến giờ vẫn là danh sách không chính xác?
Sau khi chương trình khuyến mại kết thúc vài hôm, để tìm ra câu trả lời cho việc này, báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã liên hệ với Công ty GfK nhưng chỉ là sự im lặng. Và cho đến hôm qua (6/9), GfK mới chính thức giải đáp những băn khoăn này và có lời giải thích thẳng thắn về việc “trao danh” cho siêu thị Pico.
Pico tự trưng biển, tự tổ chức, chứ chúng tôi không chứng nhận - Cty nghiên cứu thị trường GfK khẳng định. |
Trao đổi với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, ông Trần Long - đại diện phía Bắc của GfK Group khẳng định: “Việc này Pico tự tổ chức”. Theo chỉ đạo của Giám đốc điều hành GfK Việt Nam, GfK tuyên bố: “GfK không bao giờ xác nhận cho nhà bán lẻ và GfK cũng không có ý định làm việc này trong tương lai”.
Ông Trần Long cho biết thêm: Công ty ông không nghiên cứu về chương trình khuyến mại, vì vậy, “không làm bất cứ việc gì phục vụ cho việc chứng nhận của Pico”.
Vị đại diện phía Bắc của GfK Việt Nam cũng “tiết lộ”: “Ban lãnh đạo GfK đã làm việc với Pico để không xảy ra chuyện này trong tương lai nữa”.
Như vậy, có thể thấy Pico đã “lợi dụng” uy tín của GfK để nêu cao thành tích, quảng cáo hoạt động kinh doanh khuếch trương thương hiệu. Hành động này không khác việc lừa dối thông tin tới khách hàng khi trưng ra một tấm biến lớn chứng nhận kỷ lục hoàn toàn không có thật.
“Ngay cả tên tuổi nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường như Công ty GfK còn bị “lừa” huống chi là người tiêu dùng. Tôi có cảm giác như Pico làm mọi thủ thuật, mọi biện pháp, bất chấp cả pháp luật Việt Nam, bất chấp cả lòng tin của khách hàng, đánh đổi cả sự uy tín, thương hiệu của mình để có được thành tích”, anh Hùng Mạnh, khách hàng của Pico thất vọng bày tỏ.
Siêu thị điện máy Pico: "Siêu chém gió"?
Hai từ “chém gió”, “nói dối” cho tới thời điểm hiện tại đã thường xuyên được gắn với Pico khi nhắc tới tên tuổi của “đại gia” siêu thị này. Chiến lược truyền thông cho danh hiệu “Kỷ lục bán hàng Việt Nam” của Pico những tưởng sẽ thành công, đem lại tiếng vang lớn nhưng lại vướng sai lầm, khiến nó trở thành tai nạn đáng tiếc và thậm chí trên nhiều diễn đàn online, Pico đang trở thành tâm điểm để dư luận chỉ trích, đánh giá, bàn luận.
Người tiêu dùng bắt đầu mất niềm tin khi lãnh đạo Pico tuyên bố trên các phương tiện truyền thông, khẳng định sẽ “đảm bảo có đủ hàng bán cho tất cả mọi người, tức là sẽ không kết thúc giữa chừng” trong ngày khai trương nhưng sự thật lại không như thế.
"Vỡ trận" ngày khai trương, Pico "chữa cháy": Không ngờ khách đông thế! |
Giải thích cho nỗi bức xúc vì không mua được hàng của các vị “thượng đế”, Pico “chữa cháy” bằng một sự ngạc nhiên: Không ngờ khách hàng đông thế!
Tạm bỏ qua khái niệm “hàng tồn” khi có người cho rằng: Pico giảm giá bán hàng tồn kho, bởi có thể mỗi siêu thị có một quan niệm khác nhau về hàng hóa, dư luận bắt đầu dấy lên nghi vấn khi lãnh đạo Pico khoa trương trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng về việc bán sạch số lượng “khủng” 2000 chiếc tivi LCD Sharp chỉ sau 6 giờ đồng hồ.
Người ta hoài nghi vào việc không có chuyện 2.000 chiếc tivi LCD Sharp giá 3.990.000 đồng/chiếc đã được bán hết với chỉ trong thời gian chóng vánh như vậy? (và cùng đó, dư luận cũng đặt nghi vấn vào cả chuyện có thực hay không chuyện 4.000 chiếc laptop Acer lỗi mốt cũng được bán hết).
Câu chuyện càng lên đến đỉnh điểm khi danh sách 2.000 khách hàng được Pico đăng tải công khai trên website chính thức (để chứng minh tính minh bạch của chương trình) lại nhiều tên trùng lặp trong khi Pico “hứa” là mỗi người (mỗi chứng minh thư) chỉ được quyền sở hữu 1 sản phẩm tivi.
Theo thống kê chưa đầy đủ của phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, con số trùng tên, số điện thoại di động, chứng minh thư (CMT) trùng nhau lên tới trên 30 trường hợp. Có người bị trùng tên, trùng CMT 1 lần, có người bị trùng tên tới 2 lần và điều đặc biệt là các tên, CMT trùng nhau này lại nằm sát nhau nhờ một thao tác sao chép đơn giản.
Danh sách 2.000 khách hàng mua tivi Sharp của Pico sửa đi, sửa lại vẫn sai khiến nhiều người hoài nghi: Đó chỉ là con số ảo. |
Trả lời cho việc sai sót này, lãnh đạo Pico vẫn một mực khẳng định con số 2.000 khách hàng mua tivi Sharp là không sai, “nhưng quá trình gõ có thể sai”. Việc trùng tên, sai sót trong bảng danh sách được đổ lỗi cho nhân viên IT của công ty.
Tuy nhiên, những người làm kế toán trong hệ thống các siêu thị điện máy lớn cũng như những ai am hiểu về lĩnh vực này đều khẳng định: Các phần mềm bán hàng đều có lưu chứng từ, có thể xuất ra file được, tại sao một siêu thị điện máy hiện đại có mạng lưới bán hàng lớn như Pico lại có chuyện dân IT tự gõ theo kiểu thủ công?
“Điều này chứng tỏ danh sách này Pico có thể tự làm, tự gõ hoặc sau khi xuất file từ phần mềm bán hàng ra, vì số lượng thiếu nên đã phải tự sửa, tự thêm vào” – Độc giả có tên Linh Linh chia sẻ thắc mắc với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam.
Và điều độc giả hoài nghi ở trên càng thêm củng cố khi danh sách 2.000 khách hàng mua tivi Sharp của Pico tiếp tục sai sau khi đã chỉnh sửa lần 1. Danh sách đính chính (lần 2) đăng tải trên website của Pico có ghi thêm rõ số điện thoại của từng người (thay vì dấu số như lần 1) như một lời thách thức “ai nghi ngờ có thể kiểm tra”.
Hơn nữa, bảng danh sách lần 2 này cũng bị dư luận nghi ngờ vì có quá nhiều sự phi lý: Cùng một tên, cùng một người nhưng có 2 số CMT hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, một số khách hàng có tên trong danh sách công bố lần 1 nhưng lại không xuất hiện trong bảng danh sách lần 2.
Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã một lần nữa thông báo sai sót lần này với bộ phận truyền thông của Pico nhưng đổi lại, Pico chỉ… im lặng.
Từ việc đội giá chiếc laptop, tivi lên mức giá cao rồi tuyên bố giảm giá khủng để “nhử” khách, cộng với việc giả dối trắng trợn khi tuyên bố về “kỷ lục bán hàng Việt Nam” do GfK ghi nhận, Pico đã khiến dư luận hết sức bất bình.
“Chúng tôi quá thất vọng về một tên tuổi lớn như Pico. Không biết Pico có cảm thấy “đỏ mặt” khi các chiêu “chém gió” của Pico đều lần lượt bị bóc mẽ? Liệu lần sau, người ta còn tin tưởng vào Pico nữa không?”, một khách hàng chia sẻ.