PLA đã tiếp nhận kiến nghị kiểm soát Biển Đông của phái chủ chiến?

15/11/2013 08:12
Đông Bình
(GDVN) - Bài viết cho rằng, Quân đội TQ rất có thể đã tiếp nhận kiến nghị kiểm soát lập thể trên biển-trên không đối với Biển Đông của chuyên gia diều hâu.
Máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 14 tháng 11 dẫn bài viết "Kế hoạch tác chiến hợp nhất trên biển-trên không đối với Biển Đông của Trung Quốc" của tác giả Zachary Keck, trợ  lý chủ biên tạp chí "Học giả Ngoại giao" Nhật Bản. Bài viết cho rằng, sĩ quan cấp cao Quân đội Trung Quốc (PLA) vừa tiết lộ chi tiết kế hoạch kiểm soát lập thể trên biển-trên không đối với Biển Đông của Trung Quốc.

Khi trả lời phỏng vấn truyền thông nhà nước Trung Quốc, trả lời câu hỏi Trung Quốc đã có "át chủ bài" gì để có được quyền kiểm soát lập thể trên biển-trên không đối với Biển Đông, chuyên gia quân sự Trung Quốc, Đại tá Đỗ Văn Long cho rằng, sự phối hợp giữa máy  bay chiến đấu và máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không của Trung Quốc rất quan trọng đối với việc kiểm soát lập thể trên biển-trên không đối với Biển Đông.

Đỗ Văn Long nói, sự phối hợp giữa các máy bay chiến đấu  J-10, J-11 và J-16 với máy bay cảnh báo sớm KJ-200 giúp Trung Quốc có được năng lực tấn công không đối không mạnh, từ đó có được quyền kiểm soát trên không rộng lớn đối với các mục tiêu "của đối phương".

Theo Đỗ Văn Long, một khi Trung Quốc nắm được quyền kiểm soát trên không, Trung Quốc có thể thông qua máy bay chiến đấu có năng lực không đối hải, phối hợp với tàu ngầm và các tàu chiến mặt nước như tàu khu trục và tàu hộ vệ, từ đó thực hiện kiểm soát đối với các vùng biển ở Biển Đông.

Máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc

Theo bài viết, Đỗ Văn Long còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của máy  bay chiến đấu J-16, bởi vì nó có năng lực không đối không, không đối hải và không đối đất mạnh, có thể đóng nhiều vai trò trong các kế hoạch chiến dịch ở Biển Đông của Quân đội Trung Quốc.

J-16 là một  loại máy bay chiến đấu đa năng, nguyên bản của nó là máy bay Su-30MK2 do Nga chế tạo, loại máy báy được Trung Quốc nhập khẩu từ Nga 10 năm trước.

Đỗ Văn Long cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm trên  không được nước này trang bị nhiều hơn, những máy bay cảnh  báo sớm này cần có kỹ thuật trinh sát và cảnh báo sớm không đối hải và không đối đất chính xác hơn, cự ly xa hơn.

Như vậy, thông qua phối hợp giữa máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không tiên tiến và máy bay chiến đấu J-16 cùng với sự phối hợp chặt chẽ với tàu chiến của hải quân, Trung Quốc sẽ có thể tiến hành kiểm soát lập thể trên biển-trên không đối với Biển Đông.

Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc

Bài viết cho rằng, Đỗ Văn Long được cho là người của phe diều hâu, thường có những ngôn từ hung hăng. Khi 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập liên hợp vào tháng 10 vừa qua, ông này kiêu ngạo tuyên bố, chuỗi đảo thứ nhất đã bị chọc thủng.

Từ mùa thu năm 2012 đến nay, quan hệ Trung-Nhật căng thẳng leo thang do tranh chấp đảo Senkaku, Đỗ Văn Long đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng máy bay không người lái theo dõi đảo Senkaku, kiến nghị này rất có thể cuối cùng được cấp cao Quân đội Trung Quốc tiếp nhận. Kiến nghị liên quan đến Biển Đông nêu trên của Đỗ Văn Long cũng rất có thể được Quân đội Trung Quốc áp dụng cho tác chiến thực tế.

Theo Đỗ Văn Long, mục tiêu kiểm soát lập thể trên biển-trên không đối với Biển Đông của Quân đội Trung Quốc đã được xác định, Trung Quốc chỉ muốn để quan điểm này được người ta nghe thấy (thực chất là truyền thông Trung Quốc muốn dọa nạt bằng vũ lực, còn năng lực tác chiến thế nào chưa được kiểm chứng).

Máy bay cảnh báo sớm KJ-200 Trung Quốc
Máy bay cảnh báo sớm KJ-200 Trung Quốc

Đông Bình