"Mất ăn, mất ngủ" khi cho học sinh điểm 1, điểm 2

17/11/2013 08:01
Xuân Trung
(GDVN) - “Tôi vẫn thường bảo học trò của tôi, nếu cô cho em được 9 điểm hay 10 điểm cô sung sướng hơn em rất nhiều, nhưng nếu cô cho em điểm 1, điểm 2 cô khổ hơn các em rất nhiều, vì mất ăn mất ngủ tiếc công sức của mình truyền thụ cho các em, coi như công của cô đổ xuống sông, xuống biển”.
Nói tới tên tuổi của PGS. TS. Nguyễn Thị Hồi, từ giảng viên tới sinh viên ai cũng rõ, nhất là các lớp sinh viên. Rõ vì rằng cô Hồi được tiếng là “khó tính” nhất trường trong việc học cũng như kiểm tra, đánh giá sinh viên. Nhiều sinh viên lười học vẫn truyền tai nhau rằng, nếu thi vấn đáp mà gặp cô Hồi thì coi như xác định điểm 0.

Người mà chúng tôi muốn nói ở đây là PGS. TS. Nguyễn Thị Hồi, giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội. Trong suốt hơn 30 năm đóng góp cho sự nghiệp trồng người của mình, bà luôn suy nghĩ một điều, còn sống ngày này còn cống hiến và dạy dỗ sinh viên đến nơi, đến chốn ngày đó, đúng như lời Bác Hồ đã dạy các nhà giáo trong hoàn cảnh khó khăn: “Dù có khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.
Quà 20/11 là được nhìn thấy trò trưởng thành

PGS. TS Nguyễn Thị Hồi chia sẻ, bà tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1977, lúc đó miền Nam vừa được giải phóng nên lực lượng sinh viên mới tốt nghiệp được huy động cho cả miền Nam. Thời điểm đó bà được cử vào làm giảng viên trường Đại học Sư phạm Vinh (dự kiến mở khoa Địa), trong thời gian được phân công tại đây bà tiếp tục được cử ra Hà Nội học sau đại học. Tốt nghiệp sau đại học do trường Đại học Vinh không mở khoa Địa nên một lần nữa bà xin chuyển về trường Đại học Pháp lí (tiền thân của Đại học Luật Hà Nội ngày nay), thời điểm đó là năm 1982.

PGS. TS. Nguyễn Thị Hồi. Ảnh Xuân Trung
PGS. TS. Nguyễn Thị Hồi. Ảnh Xuân Trung

Cho tới bây giờ, hơn 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục bà hiểu tới cặn kẽ những khó khăn của sự nghiệp trồng người, cũng có lúc vui, lúc buồn. Nhiều lúc buồn vì nghề giáo có thời kì nhiều người nhìn nhận là nghề cùng đinh của xã hội, những ai không có nghề thì mới đi dạy học. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn sự động viên về tinh thần rất lớn và những lần vui nhất khi được tự tay mình chấm cho trò những điểm 9, điểm 10, được chứng kiến từng lớp thế hệ cử nhân luật ra trường với tấm bằng đỏ và thành đạt.

Nhớ lại những tháng ngày đầu tiên khi bước vào nghề giáo, PGS. TS. Nguyễn Thị Hồi bảo rằng, cuộc sống lúc đó khó khăn nhưng vẫn lấy mục tiêu phía  trước làm động lực, có thể do quá khổ khiến con người ta đôi khi muốn chùn bước: “Có những lúc nghĩ bỏ nghề, đó là thời bao cấp, thời bao cấp tôi khổ quá. Tôi nói thật với bạn, lúc đó đúng định nghĩa là nghề giáo viên nông dân có nghề phụ là dạy học, nếu như dạy ở các tỉnh thì còn có thêm mảnh ruộng để trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn, cuộc sống mới đỡ hơn. Còn ở đây (Hà Nội) thì không có gì hết, tôi phải nuôi lợn, nuôi gà ngay trong nhà tập thể của mình. Ngày xưa lợn mà ốm thì lo gấp vạn lần con ốm, lúc đó thực sự là chán, muốn bỏ nghề”.

Cơ duyên đến với nghề giáo của PGS. TS. Nguyễn Thị Hồi không phải do bà quyết định, bà muốn theo ngành dược để được như bố, được đứng bán hàng thuốc như bố nhưng lại không muốn làm bác sĩ như mẹ, và cho đến bây giờ khi tính nhẩm bà đã có trên 30 năm làm nghề giáo mới thấy được sự vinh quang và hạnh phúc mà cuộc đời đã ban cho mình cái nghiệp – nhà giáo, và vẫn thầm cảm ơn lời cha đã dạy: “Nghề giáo là mô phạm, con không nên dính tới kinh tế mà dễ hỏng người”. 

Sinh viên được trang bị tận răng

"Có thể nhịp sống thời gian này nhanh hơn chăng? Tôi nghĩ thời của tôi được giáo dục đạo đức cẩn thận hơn bây giờ rất nhiều, đấy là điều chắc chắn, chúng tôi phải học môn Luân lí đạo đức từ lớp vỡ lòng. Thế nên đạo đối nhân xử thế lớp trẻ ngày nay không bằng trước được. Đạo làm dâu đơn giản như thế nhưng chúng tôi phải nói với nhau như thế nào, thế hệ chúng tôi là nàng dâu, nhưng thế hệ bây giờ là “bà dâu”. 

Vì sao, vì bây giờ lớp trẻ được “vũ trang” tận răng và chỉ biết hưởng thụ chứ không biết hy sinh, cái đó là nguy hiểm nhất".

PGS. TS. Nguyễn Thị Hồi.

Qua thăng trầm của thời gian, rất nhiều lứa cử nhân luật ra trường và mỗi lần được cựu sinh viên hỏi thăm, báo cáo với mình những thành quả mà chính các em đạt được thì lòng bà lại mỗi lần được tự hào và coi đó là món quà vô giá do chính công sức của mình dạy dỗ các em.
Đừng là sinh viên “tầm gửi”

So sánh vấn đề gì cũng là khập khiễng, mỗi thời mỗi khác, hoàn cảnh khác, con người khác, suy nghĩ khác và hành động cũng khác. Có khi sống trong điều kiện đầy đủ khiến con người ta sinh ra lười biếng và phụ thuộc vào người khác hoặc phó thác cho hoàn cảnh. Điều mà PGS. TS. Nguyễn Thị Hồi lo lắng nhất hiện nay đối với lớp học trò của bà đó là học thụ động, có tính chất dựa dẫm vào người khác mà bà vẫn thường gọi là sống “tầm gửi”.

PGS. TS. Nguyễn Thị Hồi nhớ lại, thời đó bà đi dạy học thông tin không được phong phú như bây giờ, đến giáo trình dạy cũng không có, chỉ có bản in tipo, những quyển giáo án được dịch vội ra tiếng Việt trong lúc nửa đêm để sáng hôm sau lên lớp, chưa kịp biên tập và đọc lại nhưng vẫn dạy tốt, dạy hay, và cho tới bây giờ nghĩ lại mới thầy “kì tích” đó khó mà tưởng tượng ra được.

Nói như PGS. Hồi, cũng có thể thời đó sự chí thú với nghề, với tư tưởng “dù khó khăn vẫn dạy tốt, học tốt” luôn có trong suy nghĩ mỗi nhà giáo.

“Tôi nghĩ sinh viên bây giờ nhiều cái chơi quá, nhiều cái hấp dẫn các em hơn là học. Ngày trước chúng tôi chỉ biết học, không có làm thêm, đi học được nhà nước nuôi, có học bổng, gạo nhà nước cấp. Thời của chúng tôi đa số chú tâm cho nghề, chú tâm cho khoa học, ngược lại bây giờ sinh viên tìm ra số đó rất ít. Sinh viên bây giờ nhiều mối quan tâm hơn, sinh viên đi học còn phải kiếm tiền…”, PGS. TS. Nguyễn Thị Hồi nhận định.

Sinh viên ngày nay phần lớn tính tự giác trong học tập không cao. Ảnh có tính chất minh họa.
Sinh viên ngày nay phần lớn tính tự giác trong học tập không cao. Ảnh có tính chất minh họa.

Chính vì nhiều mối bận tâm nên nhiều sinh viên vô tình đánh mất ý thức tự học, tự nghiên cứu trước khi lĩnh hội kiến thức của thầy cô. PGS. Hồi cũng cho rằng, chất lượng giáo dục tất cả là do con người quyết định, tư tưởng con người chỉ đạo hành động. 

Vậy hành động là sinh viên tự có thói quen làm bài tập sẵn ở hàng photocopy như hiện nay? PGS. Hồi chia sẻ, có những lần giao bài tập cá nhân cho sinh viên tự tìm đề tài thì hầu như các em ra quán phô tô copy, hay bài tập nhóm cũng vậy, đáng lí cùng nhau làm việc nhưng sinh viên rất quen ỷ lại cho một vài người trong nhóm làm và mình hưởng thành quả, hậu quả là tạo ra một lớp sinh viên sống “tầm gửi”, hoàn toàn dựa vào kết quả của người khác. Và điều này thôi thúc bà hằng đêm suy nghĩ để chọn ra  một cách học, các đánh già phù hợp nhất.

PGS. TS. Nguyễn Thị Hồi nói nhỏ với chúng tôi rằng cách làm này không đáng để lên báo, nhưng bằng chứng là nhiều học trò của bà đã trưởng thành và thực sự có kiến thức, có ý thức tự giác học tập thì đáng chia sẻ rộng lắm chứ?

“Vài năm như vậy tôi rút kinh nghiệm cho sinh viên làm bài tập cá nhân tuần theo hình thức học thuộc, làm bài tại lớp 30 phút. Bắt đầu chuyển từ khóa 36 trở lại đây thì kết quả thi cao hơn hẳn và đúng năng lực của mỗi sinh viên. Chúng tôi đang đề nghị nhà trường phải thay đổi tỉ trọng số điểm cho các loại bài tập và thi hết học phần, hiện tại vẫn áp dụng theo mô hình của nước ngoài (trọng số điểm thi hết học phần là 50, trọng số điểm bài tập 50), nếu áp dụng như nước ngoài thì bài tập nhóm không có tác dụng” PGS. Hồi chia sẻ kinh nghiệm giúp sinh viên học có kết quả cao. 

Và cách tốt nhất theo PGS. TS. Nguyễn Thị Hồi là giảm số bài tập nhóm từ 2 xuống 1 để luyện ý thức làm bài tập nhóm, tiếp tục rút trọng số làm bài tập nhóm, tăng điểm bài tập nhóm lên và tăng trọng số thi hết học phần (hiện tại là 50%, đề nghị tăng lên 60-70%). 

Trước khi kết thúc câu chuyện, PGS. TS. Nguyễn Thị Hồi nhắc lại: “Tôi vẫn thường bảo với sinh viên của tôi, nếu cô cho em được 9 điểm hay 10 điểm cô sung sướng hơn em rất nhiều, nhưng nếu cô cho em điểm 1 - 2 điểm cô khổ hơn các em rất nhiều, phải mất ăn mất ngủ vì tiếc công sức của mình truyền thụ cho các em, coi như công của cô đổ xuống sông, xuống biển”. 
Xuân Trung