Giáo sư Singapore hoan nghênh Nhật Bản tiếp tục can thiệp Biển Đông

17/11/2013 20:20
Đông Bình
(GDVN) - Các nước ASEAN cơ bản hoan nghênh Nhật Bản phát huy vai trò trong các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Philippines (ảnh tư liệu)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Philippines (ảnh tư liệu)

Nguyệt san "Chuo Koron" Nhật Bản tháng 11 đăng bài viết nhan đề "Đông Nam Á trông đợi một nước Nhật Bản mạnh" của tác giả Nagata Kazuo, trưởng ban châu Á tờ "Yomiuri Shimbun".

Bài viết cho rằng, xung quanh một loạt biện pháp tăng cường năng lực phòng vệ như xây dựng Đại dương Phòng vệ mới, sửa đổi giải thích Hiến pháp về quyền tự vệ tập thể, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không ngừng nỗ lực nói rõ, cụ thể tình hình có liên quan với các nước châu Á.

Các nước ASEAN về cơ bản có thiện chí với thái độ này, đồng thời cũng cảm thấy lo ngại về tình hình khu vực. Thái độ của các nước ASEAN đối với Chính phủ Shinzo Abe có thể khái quát thành 2 điểm: Một là, Nhật Bản tăng cường năng lực phòng vệ đáng được hoan nghênh. Hai là hy vọng quan hệ Nhật-Trung không nên tiếp tục xấu đi.

Bài viết cho rằng, chiến lược ngoại giao của Chính phủ Abe đối với ASEAN là, thông qua nhiều lần nói rõ với ASEAN về tình hình Nhật Bản tăng cường năng lực phòng vệ để tìm kiếm sự hiểu biết, đồng thời tham gia nhiều hơn vào các vấn đề an ninh Đông Á.

Đặc điểm nổi bật của chiến lược này là bày tỏ mối quan tâm lớn đối với vấn đề Biển Đông, đồng thời làm sâu sắc hợp tác an ninh biển với các nước. Thái độ này của Nhật Bản có được không ít sự ủng hộ của ASEAN.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra

Nhưng, các nước như Singapore và Ấn Độ hoàn toàn không phải đơn thuần xuất phát từ sự tin cậy đối với Nhật Bản. Họ còn cho rằng, Nhật Bản tăng cường năng lực phòng vệ, tiếp tục tham gia các vấn đề an ninh của Đông Nam Á có lợi cho kiềm chế Trung Quốc - nước đang tăng cường thực lực hải quân và tăng cường kiểm soát thực tế Biển Đông.

Nói tóm lại, mức độ trông đợi của ASEAN đối với Nhật Bản và mức độ căng thẳng của tình hình Biển Đông có tỷ lệ thuận với nhau. Những nước bày tỏ hoan nghênh nhiệt tình với Nhật Bản là Philippines và Việt Nam.

Bài viết cho rằng, các nước ASEAN hiện nay đặc biệt quan tâm đến các động thái của quan hệ Nhật-Trung, trong đó có tranh chấp đảo Senkaku. Một học giả Singapore cho rằng: "Thông qua quan sát hành động của Trung Quốc đối với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, thì có thể biết trước được các loại năng lực trong đó có năng lực quân sự của Trung Quốc và Trung Quốc sẽ xuất chiêu (hành động) như thế nào ở Biển Đông trong tương lai".

Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với Nhật Bản
Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với Nhật Bản

Nhưng, nội bộ ASEAN cũng có những nước "thân" Trung Quốc như Campuchia. Tháng 7 năm 2012, ASEAN tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao do Campuchia làm Chủ tịch luân phiên, do sự đối lập giữa phe cứng rắn với Trung Quốc (Việt Nam, Philippines) và phe thân Trung Quốc, hội nghị này cuối cùng không thể đưa ra Tuyên bố chung, đây là lần đầu tiên kể từ khi ASEAN được thành lập.

Như vậy, Campuchia nhìn nhận Nhật Bản xây dựng năng lực phòng vệ và tiếp tục tham gia các vấn đề an ninh của Đông Nam Á như thế nào? Một chuyên gia Campuchia cho rằng: "Tranh chấp khu vực giữa Nhật-Trung sẽ tạo ra mối đe dọa cho hòa bình và ổn định khu vực, thậm chí không loại trừ khả năng xảy ra xung đột quân sự. Nhật Bản và Trung Quốc đều là đối tác chiến lược quan trọng của Campuchia. Quan hệ Nhật-Trung căng thẳng khiến cho Campuchia khó xử".

Một chuyên gia vấn đề Đông Nam Á của Thái Lan cho rằng: "Rất khó tưởng tượng Nhật-Trung sẽ xảy ra xung đột, bởi vì điều này sẽ gây ra một cuộc tấn công mang tính hủy diệt cho cả hai. Nhưng, không ít các nước ASEAN trông đợi quan hệ Nhật-Trung duy trì hữu nghị, tình hình hiện nay làm cho ASEAN rất khó làm việc". Một quan chức ngoại giao Indonesia cho rằng: "Nhật Bản cần cùng Đông Nam Á xây dựng dải an ninh Đông Á, chứ không phải làm trầm trọng hơn căng thẳng tình hình khu vực".

Các nước ASEAN theo dõi chặt chẽ các động thái của quan hệ Nhật-Trung, trong đó có vấn đề đảo Senkaku.
Các nước ASEAN theo dõi chặt chẽ các động thái của quan hệ Nhật-Trung, trong đó có vấn đề đảo Senkaku.

Năm 1977, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Takeo Fukuda đã đề xuất nguyên tắc lớn của chiến lược ngoại giao đối với ASEAN. Những nguyên tắc này sau đó được gọi là "chủ nghĩa Fukuda".

Một nguồn tin truyền thông Indonesia cho rằng: "Tại sao ASEAN không có sự đề phòng rất mạnh với sức mạnh phòng vệ của Nhật Bản? Nguyên nhân ở chỗ Nhật Bản 35 năm trước luôn thực hiện rất tốt chủ nghĩa Fukuda, đồng thời viện trợ, đầu tư ở Đông Nam Á. Cách làm này đã được đền đáp".

Một học giả Thái Lan cho rằng: "Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Nhật Bản đã sửa đổi giải thích Hiến pháp có liên quan đến quyền tự vệ, nhưng mục đích khi đó là để tham gia hành động gìn giữ hòa bình ở Campuchia. Trong tương lai, Nhật Bản còn muốn sửa đổi Hiến pháp, điều này không thể tránh được, nhưng phải nói rõ một chút với các nước láng giềng, tức là Nhật Bản sẽ không sửa đổi đường lối chủ nghĩa Fukuda".

Nhật Bản tăng cường năng lực phòng vệ có lợi cho kiềm chế Trung Quốc, nước nước đang tăng cường thực lực hải quân và tăng cường kiểm soát thực tế Biển Đông (nguồn china.com).
Nhật Bản tăng cường năng lực phòng vệ có lợi cho kiềm chế Trung Quốc, nước nước đang tăng cường thực lực hải quân và tăng cường kiểm soát thực tế Biển Đông (nguồn china.com).

Về việc Nhật Bản tiếp tục tham gia vấn đề Biển Đông, một giáo sư Đại học Singapore cho rằng: "Hành động này đáng được hoan nghênh, nhưng sự tham gia của Nhật Bản không thể biến ASEAN thành một khối mâu thuẫn".

Vị giáo sư này cho rằng, Nhật Bản cần nỗ lực quan tâm đến cảm giác của ASEAN, không thể để các nước có quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc và Nhật Bản như Thái Lan cảm thấy khó xử, tức là không thể để quan hệ Nhật-Trung xấu đi quá mức.

Bài viết cho rằng, ngày 7 tháng 9, Tokyo đăng cai tổ chức Olympic thành công, Nhật Bản 7 năm sau sẽ như thế nào thu hút sự tưởng tượng của mọi người. Một số chuyên gia ASEAN cho rằng, Nhật Bản sẽ khôi phục sự tự tin nhanh chóng, sẽ phát huy vai trò vai trò lãnh đạo không chỉ về kinh tế, mà còn về chính trị và an ninh.

Một chuyên gia Ấn Độ cho rằng, sau khi đăng cai tổ chức Olympic thành công, cảm giác "hiện diện" của Nhật Bản tănglên, Nhật Bản có thể dùng cảm giác này để nhấn mạnh tư thế theo đuổi sự hợp tác và ổn định khu vực, điều này phản ánh rõ sự khác biệt với Trung Quốc và có lợi cho xóa bỏ ấn tượng tiêu cực về Nhật Bản còn sót lại trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ngày 11 tháng 11 năm 2013, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản tiến hành diễn tập tên lửa đất đối hạm ở Okinawa, kiềm chế Trung Quốc.
Ngày 11 tháng 11 năm 2013, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản tiến hành diễn tập tên lửa đất đối hạm ở Okinawa, kiềm chế Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu F-2 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Máy bay chiến đấu F-2 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản
Tàu sân bay trực thăng Hyuga, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Tàu sân bay trực thăng Hyuga, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Biên đội tàu chiến Nhật Bản
Biên đội tàu chiến Nhật Bản
Đông Bình