Nhà văn Chu Lai: Đứng cạnh Hoa hậu như thằng trẻ con mắc bệnh già

20/11/2013 08:38
Lê Phương
(GDVN) -  “Thế nhưng mà, những thằng trẻ con đó bằng đôi mắt trung thực của mình mới có thể phân biệt được vẻ đẹp đích thực và cái vẻ đẹp phù hoa”, nhà văn Chu Lai chia sẻ.

Trong một cuộc họp báo của Nhà hát chèo Hà Nội gần đây, nhiều người ngạc nhiên và tò mò vì không hiểu nhà văn Chu Lai có “ dính dáng” gì đến chèo mà lại đến tham dự. Thế nhưng khi nhà văn Chu Lai đứng lên phát biểu thì ai cũng phải bật cười bởi sự hóm hỉnh và hài hước của ông.

Hóa ra ở cái tuổi 67, nhà văn Chu Lai lại đang phập phồng một tình yêu mới dành cho nghệ thuật chèo, ông ví von tình yêu đó như một đôi môi không son phấn của người phụ nữ, quyến rũ và đầy mê hoặc. Chính vì thế mà Chu Lai cũng đang thử sức mình để "xâm lấn" sang chèo bằng những kịch bản mới mẻ.

Tìm gặp Chu Lai sau buổi họp báo để xin ông vài phút "tán gẫu" về chuyện công việc nhưng vẫn phải chờ ông dành năm ba phút để hôn má và chụp ảnh cùng một cô gái trẻ là fan hâm mộ.

Hoàn thành xong "nhiệm vụ" với người hâm mộ, Chu Lai mới thong thả hỏi xem muốn phỏng vấn nhà văn chuyện gì và định hẹn sang buổi khác. Tuy nhiên sau đó, nhà văn cũng đã chịu dành 15 phút để chia sẻ về chuyện công việc của mình với Báo Giáo dục Việt Nam.

Nhà văn Chu Lai
Nhà văn Chu Lai

- Nghe nói nhà văn Chu Lai vừa đáp "chuyến bay" từ Thái Nguyên về Hà Nội để tham gia cuộc họp báo này, nhà văn có thể chia sẻ một chút về công việc của ông hiện nay được không?

Bây giờ nói vui nhé, có một người tên Lê Chức - Phó chủ tịch Hội sân khấu Việt Nam nói rằng, bây giờ phải thay đổi lý lịch của ông Chu Lai mới được, không phải là nhà văn nữa mà là nhà giám khảo (cười).

Từ đầu năm đến giờ, tôi tham gia 5 cuộc giám khảo rồi từ Hoa hậu dân tộc cùng Kim Hồng đệ nhất quí bà thế giới rồi làm giám khảo Đạo diễn tài năng trẻ; giám khảo Liên hoan phim Việt Nam và giám khảo chèo...

Cả 5 cuộc giám khảo đó, tôi bị lút chìm vào trong nhưng tâm hồn lại được mở ra tiếp nhận nhiều thứ mới mẻ. Trời cho sân chơi nào mình cũng được nếm trải, sân chơi nào mình cũng đam mê muốn dính sâu vào cả.

Chỉ có mỗi cái nghiệp sân khấu nó đến là hoàn toàn ngẫu nhiên. Chắc do nhiều lần đi làm giám khảo với các diễn viên sân khấu nên tạo được sự tin cậy chăng?. Tôi nhớ cách đây 4 năm, đang đi làm giám khảo cho Liên hoan phim trong Sài Gòn thì ngoài Hà Nội tổ chức Đại Hội sân khấu, họ bầu tôi vào ban chấp hành, ban chấp hành bầu vào thường vụ và chịu phụ trách ban sáng tác của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Rồi càng đi sâu vào thì càng như là một cái nghiệp chướng, là cái nợ.

- Thế nên mấy năm nay nhà văn mải "đắm đuối" với sân khấu mà "lạnh nhạt" với văn học?

Sân khấu nó khác văn học, nó là một cái gì đó bóc tách được ở cái tính bề ngọn, đung đưa của nó. Văn học là bề chìm, điện ảnh là trang trải thì sân khấu nó đi thẳng vào cảm nhận của người xem. Sân khấu nếu nghiêm chỉnh thì nó có sức mạnh không kém gì điện ảnh và văn học bởi vì người thật, việc thật và nói những câu nói có thật.

Cái thứ hai nữa mà tôi nhảy sang sân khấu là vì văn học đọc đã bị xuống cấp, một tiểu thuyết dù có best seller chăng nữa thì may lắm cũng chỉ có vài vạn người đọc, vài vạn cô sinh viên đọc thì tại sao mình biết sân chơi sân khấu thì mình không chơi sân khấu…để có một thích thú rằng cái đêm diễn ấy, vở diễn của mình, mình ngồi hàng ghế cuối cùng, chìm trong bóng tối và nghe trai thanh gái lịch nó ra rả đọc văn của mình. Và khi ra chỗ lấy xe chẳng may ai đó nói rằng: "Kịch với cọt xem phí cả công" thì cũng không sao cả vì nếu các vị ấy không hài lòng về kịch thì mời các vị quay về với văn học, đọc Phố đi, đọc Nắng đồng bằng đi...còn kia chỉ là sân chơi.

- Vậy còn điện ảnh Việt Nam thì sao thưa ông? Trong Liên hoan phim Việt Nam vừa rồi ông Jeong Tae Son, Giám đốc công ty Điện ảnh, Tập đoàn CJ E&M Hàn Quốc chia sẻ thì điện ảnh Việt Nam đang rất giống với Hàn Quốc 30 năm về trước. Theo nhà văn Chu Lai thì nhận định này có đúng không?

Câu nói đó hơi võ đoán bởi vì nếu chỉ căn cứ vào những bộ phim mang đề tài chiến tranh hay đề tài chính luận có thể nó cũ nhưng không phải lỗi tại đề tài. Chiến tranh như Đừng đốt, Mùi cỏ cháy và Người viết huyền thoại vẫn rung động tận cùng người xem dù nội dung cũ nhưng cách triển khai mới.

Vừa rồi các hãng phim tư nhân xã hội "trùng trùng điệp điệp" đến với liên hoan phim và họ đã khẳng định được mình ví dụ như Scandal đã giành được huy chương vàng và chứng minh được là phim tư nhân đang chiếm lĩnh được tình cảm của người xem.

Một cô gái đẹp xin hôn…ngổn ngang lắm!

- Một nhà văn Chu Lai ngồi "ghế nóng" để cầm cân nảy mực chấm sân khấu, điện ảnh là bình thường nhưng làm ban giám khảo để chấm Hoa hậu thì sẽ như thế nào nhỉ thưa ông?

Khi đó phải nói theo cái giọng cũ kĩ tức là trái tim ấm nồng, đầu lạnh lẽo. Với lại các cuộc thi Hoa hậu khác với các cuộc thi sân khấu điện ảnh, thí sinh và giám khảo ngồi cách xa nhau lắm và gần như không được gặp nhau. Nếu họ nhìn ngược lại mình thì họ rất kính cẩn "Em chào thầy ạ" và khi em đã chào thầy rồi thì mình lại phải thể hiện là một ông thầy.

Câu chào thầy thì rất là nồng nhiệt thế nhưng đến khi công bố kết quả không có giải thì cũng không còn chào nữa.

- Nhà văn vừa chia sẻ là chỉ thích những phụ nữ không son phấn vậy tiêu chí để ông chấm cho một cô gái đoạt Hoa hậu là gì?

Có một cái tiết mục là các cô gái đi qua ban giám khảo mà không được hóa trang và khi đó mới nhìn được nét mặt thật.

Cái thứ 2 là có cái bi hài kịch của ban giám khảo. Ban giám khảo thường là những người lớn tuổi, về già kiểu như ông Chu Lai lỡ chẳng may phải lên sân khấu chào mọi người cùng với các thí sinh thì đứng lọt thỏm giữa các nàng cao mét chín, trông y hệt hình tam giác và giống như những thằng trẻ con mắc bệnh già.

Thế nhưng mà, những thằng trẻ con đó bằng đôi mắt trung thực của mình mới có thể phân biệt được vẻ đẹp đích thực và cái vẻ đẹp phù hoa.

- Có phải vì tiếp xúc nhiều với cái đẹp nên dù trước đây nhà văn có chia sẻ rằng, ông là một người rất khó gần với phụ nữ nhưng hình như bây giờ đã trở nên "dễ dãi" hơn thì phải. Thấy cô gái trẻ đề nghị "anh hôn em đi để chụp ảnh..." là thấy mắt nhà văn lim dim hôn luôn không cần suy nghĩ?

Tôi chưa bao giờ khó gần. Đến tuổi này có một cô gái xinh đẹp đến bảo cho em hôn anh một cái thì xúc động, ngổn ngang lắm chứ. Chỉ có điều họ hôn xong lại trở về với gia đình, ôm ấp người tình của họ, chồng của họ. Mình chỉ gọi là trang sức cho cuộc đời này thôi thế nên các cuộc thi hoa hậu là cần thiết để tôn vinh cái đẹp nhất.

- Vậy nhà văn thường làm gì để sau mỗi cuộc thi Hoa hậu kết thúc không bị cái đẹp ám ảnh?

Chuồn ngay thôi, cũng giống như đi xem một vở kịch hay một bộ phim mà bạn bè mời. Nếu nó hay thật sự thì ra ôm hôn thắm thiết còn không thì chuồn ngay vì nếu gặp khen cũng dở mà chê cũng dở.

Lê Phương