Hành trình ra trước vành móng ngựa của nguyên chủ tịch Vifon

18/11/2013 14:24
Liễu Phạm (Tổng hợp)
(GDVN) - Tòa án Nhân dân TP.HCM đã lên lịch xét xử vụ sai phạm tại Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Công ty Vifon), theo đó phiên tòa đã được ấn định vào ngày 21/11/2013 và dự kiến sẽ kéo dài trong 1 tuần đến 26/11.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao đã truy tố 5 bị cáo bao gồm: Nguyễn Bi (SN 1949, ngụ tại P.10, Q.Phú Nhuận), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vifon bị truy tố về hai tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Nguyễn Thanh Huyền (SN 1955, ngụ tại P.12, Q.10), nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Vifon bị truy tố về hai tội "tham ô tài sản" và "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đàm Tú Liên (SN 1961, ngụ tại P.8, Q.Phú Nhuận), nguyên Kế toán trưởng Công ty Vifon. Dương Thị Mẫn (SN 1947, ngụ tại P.11, Q.Bình Thạnh), nguyên Kế toán thanh toán Công ty Vifon và Ca Thị Thu Hồng (SN 1957, ngụ tại P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú), nguyên Thủ quỹ Công ty Vifon cùng bị truy tố về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Được biết, Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) được thành lập năm 1993, là doanh nghiệp Nhà nước, hạch toán độc lập do ông Nguyễn Bi làm Tổng Giám đốc, chủ tài khoản. Bà Nguyễn Thanh Huyền làm kế toán trưởng. Năm 2004, Vifon chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần (51% vốn Nhà nước), ông Nguyễn Bi tiếp tục được giữ chức Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ. Bà Nguyễn Thanh Huyền làm Phó TGĐ phụ trách tài chính và bà Đàm Tú Liên tiếp quản ghế kế toán trưởng.

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, từ năm 2002 đến 2006, một số lãnh đạo và cán bộ của Vifon đã có các thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm sai trái, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và các cổ đông của công ty.

Trụ sở của Công ty VIFON ở quận Tân Phú, TP.HCM.
Trụ sở của Công ty VIFON ở quận Tân Phú, TP.HCM.

Trục lợi từ việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp

Thông tin trên tờ Thanh Niên cho biết, khi chuẩn bị phương án cổ phần hóa, ông Nguyễn Bi chỉ đạo Nguyễn Thanh Huyền (lúc này là kế toán trưởng) lấy tiền công ty chuyển thành tiền tiết kiệm để sau này mua cổ phiếu cho Bi. Thực hiện chỉ đạo, ngày 31/12/2002 Huyền lấy hơn 400 triệu đồng từ quỹ khen thưởng của công ty gửi huy động vốn tiết kiệm cho ông Nguyễn Bi bằng cách lập chứng từ khống với nội dung chi tiền thưởng năm 2002.

Đến tháng 12/2003, khi thực hiện cổ phần hóa, ông Bi tiếp tục chỉ đạo Huyền mua cho cá nhân ông 18.000 cổ phần, trị giá 1,8 tỉ đồng. Trong đó, ông Bi chỉ có hơn 3,4 triệu đồng, còn lại gần 1,8 tỉ đồng là tiền của Vifon.

Cáo trạng xác định, bằng cách chỉ đạo nhân viên lập chứng từ khống với nội dung thanh toán huy động vốn và trả cọc để rút của công ty hơn 1,3 tỉ đồng, cộng với số tiền gửi tiết kiệm và tiền lãi nói trên được gần 500 triệu đồng, Huyền đã giúp sức cho Bi lấy được gần 1,8 tỉ đồng của công ty để mua cổ phiếu. Hiện nay, số cổ phiếu này ông Bi đã bán hết.

Ngoài ra, khi Vifon còn 51% vốn Nhà nước, Huyền chỉ đạo lập phiếu chi, thu khống để chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng. Cụ thế, ngày 29/4/2004, Huyền chỉ đạo phòng kế hoạch lập chứng từ chi khống và thu khống tiền chi phí lễ 30/4, chi phí bổ sung 30/4, tiền huy động vốn… Sau đó, Huyền chuyển 500 triệu vào tài khoản của… chồng mình, còn 1 tỷ đồng đem đi trả tiền mua đất tại Củ Chi.

Cơ quan điều tra cũng xác định hành vi lập chứng từ khống chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng (tương đương 80.000 USD) của Nguyễn Thanh Huyền, thời điểm Vifon còn 100% vốn Nhà nước. Theo đó, ngày 27/8/2003, Huyền viết giấy đề nghị thanh toán 80.000 USD, mạo tên Nguyễn Thị Nghiêm - trưởng phòng tổ chức bảo vệ, nội dung chi thưởng liên doanh theo Quyết định của Hội đồng quản trị. Lúc này, Vifon chưa có Hội đồng quản trị vì chưa cổ phần hóa, Vifon cũng không có quyết định chi thưởng. Tại chứng từ này, Huyền ký kế toán trưởng và Nguyễn Bi duyệt chi, không ai ký tên người xin thanh toán. Từ đó, Huyền đã nghiễm nhiên chiếm đoạt số tiền này.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra cũng đã xác định hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tiền tỷ của Nguyễn Bi, Nguyễn Thanh Huyền tại thời điểm Vifon 100% vốn tư nhân.

Bỏ túi tiền quỹ phúc lợi, khen thưởng

Ngày 28/3/2005, Bộ Công nghiệp cho phép Vifon trích 7,9 tỷ đồng vào quỹ khen thưởng, phúc lợi của công ty. Sau khi khấu trừ các khoản chi thưởng, công ty còn hơn 2,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này đã không chi theo quyết định khen thưởng mà Nguyễn Thanh Huyền đã dùng nhiều thủ đoạn để chuyển thành tiền huy động vốn cá nhân rồi chiếm đoạt luôn.

Ông Nguyễn Bi cũng tự quyết định việc chia thưởng trái pháp luật từ nguồn tiền chuyển nhượng vốn liên doanh, gây thiệt hại cho nhà nước 290.000 USD. Cụ thể, ngày 4/6/2004, ông Bi ký giấy viết tay quyết định chia thưởng 290.000 USD (tương đương 4,5 tỷ đồng) cho 7 cán bộ lãnh đạo Vifon.

Trong đó, Bi được 90.000 USD, Nguyễn Thanh Huyền được 65.000 USD, những người còn lại được 12.000 đến 50.000 USD.

Sau đó, Huyền lập ra 3 quyết định khen thưởng cho các công ty đối tác để hợp thức hóa việc chia thưởng và rút 290.000 USD ra khỏi quỹ của Vifon. Đúng ra, số tiền trên phải nhập vào quỹ khen thưởng, phúc lợi của công ty để phân chia cho toàn thể cán bộ, nhân viên, thì Nguyễn Bi lại tự ý đem chia. Ngoài ra, Bi cũng ký quyết định chi thưởng khống gây thiệt hại hơn 3,5 tỉ đồng cho Nhà nước.

Đối với Nguyễn Thanh Huyền, ngoài việc “bỏ túi” 2,2 tỷ đồng từ quỹ phúc lợi, khen thưởng, Huyền còn lập chứng từ thu, chi khống để chiếm đoạt 4,8 tỷ đồng của Công ty TNHH Xay lúa mì Việt Nam hỗ trợ phí chuyển nhượng liên doanh cho Vifon.

Hàng loạt nhân viên hầu tòa


Ngoài hành vi của Nguyễn Bi, bản cáo trạng còn đề cập đến nhiều cá nhân có liên quan. Nổi bật là Kế toán trưởng Nguyễn Thanh Huyền, sau này là Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính, rồi Phó tổng giám đốc thường trực. Huyền với vai trò “tổ chức thực hiện” đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ, chỉ đạo hạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn, lập chứng từ khống để chiếm đoạt hơn 9,8 tỉ đồng vốn nhà nước và hơn 1,3 tỉ đồng vốn tư nhân bỏ túi riêng. Huyền còn là đồng phạm giúp sức cho hành vi sai phạm của Nguyễn Bi như đã nêu trên. Vì vậy, Huyền bị truy tố về các tội “tham ô tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Bên cạnh đó, các cá nhân như: Đàm Tú Liên (nguyên kế toán trưởng, trực tiếp theo dõi tài khoản huy động vốn), Dương Thị Mẫn (kế toán thanh toán), Ka Thị Thu Hồng (thủ quỹ) đều là thuộc cấp dưới quyền quản lý trực tiếp của Huyền. Biết việc chỉ đạo làm giả chứng từ thu chi, cân đối, chỉnh sửa tài khoản của Huyền là sai phạm nhưng vẫn thực hiện việc hạch toán sai nguồn vốn, lập và ký các chứng từ kế toán thu chi khống, các chứng từ kế toán không có đủ chữ ký theo quy định, tạo điều kiện cho Nguyễn Bi và Nguyễn Thanh Huyền tham ô nên cũng bị truy tố về tội “cố ý làm trái…”.

Quá trình điều tra còn chứng minh Nguyễn Văn Bên (nguyên là Phó tổng giám đốc công ty, sau này là Tổng giám đốc) đã có hành vi ký các chứng từ chi hơn 400 triệu đồng mua cổ phần cho Nguyễn Bi, giả thu tiền huy động vốn, ký các phiếu thu khống… được chia thưởng trái nguyên tắc 50.000 USD. Tuy nhiên, Bên là người làm đơn tố giác, tích cực cung cấp tài liệu cho cơ quan điều tra, giúp thu hồi tài sản nhà nước nên không bị xử lý về hình sự.

Được biết, đây cũng là vụ “đại án” tham nhũng thứ 2 được đem ra xét xử theo “lịch trình” xét xử 10 vụ “đại án” tham nhũng.

Hồi trung tuần tháng 9/2013, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã tiết lộ với báo chí, trong năm nay, một số án lớn về tham nhũng sẽ được đưa ra xét xử. Phấn đấu đến tháng 6/2014 sẽ làm xong 10 “đại án” tham nhũng vừa được Ban Nội chính “điểm mặt”.

Cũng theo Ban Nội chính Trung ương, 8 vụ “đại án” tham nhũng còn lại cũng sẽ nhanh chóng xét xử là:

1/ Vụ án tham nhũng tại Vinalines.

2/ Vụ án kinh tế tại Công ty dệt kim Phương Đông và một chi nhánh Agribank ở TP.HCM.

3/ Vụ án kinh tế tại sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank.
Nam.

5/ Vụ án tham nhũng tại Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh Đắk Nông.

6/ Vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn tại Ngân hàng TMCP Công thương VN.

7/ Vụ án kinh tế tại Ngân hàng ACB liên quan đến “bầu” Kiên.

8/ Vụ cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm xảy ra tại chi nhánh Nam Hà Nội của Agribank; vụ tham nhũng tại Tập đoàn Vinashin.


Liễu Phạm (Tổng hợp)