Các nước Đông Nam Á có thể mua tàu sân bay hạng nhẹ của Hàn Quốc?

19/11/2013 08:53
Việt Dũng
(GDVN) - Hiện nay, Hàn Quốc thúc xuất khẩu tàu chiến và tàu ngầm cho Đông Nam Á, trong đó có tàu sân bay lớp Dokdo, cán cân sức mạnh Biển Đông sẽ thay đổi lớn.

Tàu đổ bộ cỡ lớn lớp Dokdo do Hàn Quốc chế tạo
Tàu đổ bộ cỡ lớn lớp Dokdo do Hàn Quốc chế tạo

Cuộc chạy đua tàu sân bay của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có thêm một thành viên mới. Theo tờ "Tin tức Quốc phòng" Mỹ, vừa qua, Ủy ban quốc phòng Quốc hội Hàn Quốc tổ chức phiên điều trần, tiến hành đánh giá chính sách đối với việc đẩy nhanh trang bị tàu sân bay.

Nguồn tin từ Hải quân Hàn Quốc tiết lộ, 20 năm tới, Hải quân Hàn Quốc muốn chế tạo các trang bị hải quân tiên tiến như 2 tàu sân bay hạng nhẹ, mua 3 tàu khu trục Aegis, 6 tàu ngầm Project 214, tập trung xây dựng hạm đội phản ứng nhanh, trung tâm là tàu sân bay.

Kế hoạch này một khi được thực hiện không chỉ sẽ tăng cường mạnh mẽ năng lực ứng phó hiệu quả với tranh chấp biển ở xung quanh cho Hải quân Hàn Quốc, mà sẽ còn thúc đẩy Hải quân Hàn Quốc vươn ra biển xa, vai trò ảnh hưởng chiến lược của họ sẽ vượt xa khu vực xung quanh bán đảo Triều Tiên.

Sẽ không còn kín tiếng trong chế tạo tàu sân bay

Mọi người đều biết, tàu sân bay là trung tâm của lực lượng tác chiến hải quân hiện đại, được coi là tiêu chí quan trọng của hải quân mạnh. Là quốc gia biển quan trọng ở Đông Bắc Á, Hàn Quốc sớm đã coi phát triển tàu sân bay là chiến lược đã định, chỉ có điều xuất phát từ sự tính toán chiến lược, luôn áp dụng con đường gián tiếp tương đối kín tiếng.

Tàu sân bay hạng nhẹ Dokdo, Hải quân Hàn Quốc
Tàu sân bay hạng nhẹ Dokdo, Hải quân Hàn Quốc

Trên thực tế, trước đây, Hàn Quốc không thiếu nghiên cứu, thiết kế phát triển tàu sân bay và sớm có kế hoạch liên quan. Ngay từ thập niên 90 của thế kỷ trước, Hải quân Hàn Quốc đã bắt đầu đưa ra chủ trương phát triển "hải quân tầm xa", coi chế tạo tàu sân bay hạng nhẹ là nội dung quan trọng để nâng cao năng lực tác chiến hải quân. Năm 1995, Công ty công nghiệp nặng Daewoo Hàn Quốc đã bỏ vốn lớn mua tàu sân bay nghỉ hưu Minsk và Novorossiysk lớp Kiev của Nga, tìm kiếm ý tưởng kỹ thuật chế tạo tàu sân bay, qua đó tham khảo tự nghiên cứu chế tạo tàu sân bay.

Tháng 10 năm 1996, tại Triển lãm hàng không Seoul lần thứ nhất, Tập đoàn công nghiệp nặng Hyundai (Hyundai Heavy Industries) đã đưa ra phương án tàu sân bay mang tên HDV-15000. 2 năm sau, Công nghiệp nặng Samsung Hàn Quốc cũng đưa ra phương án tàu sân bay của họ.

Tháng 7 năm 2005, chiếc tàu đổ bộ cỡ lớn đầu tiên Dokdo của Hàn Quốc chế tạo xong và hạ thủy. Về tính năng, tàu Dokdo được bên ngoài công nhận là tàu sân bay hạng nhẹ, nhưng Hải quân Hàn Quốc vẫn giữ kín tiếng, trên trang mạng chính thức của họ gọi tàu Dokdo là tàu đổ bộ trực thăng.

Tất cả những điều này cho thấy, các bước chế tạo tàu sân bay của Hàn Quốc tuy chậm, nhưng chưa bao giờ dừng lại. Lần này phá vỡ "thông lệ", chủ đề tàu sân bay được bàn luận sôi nổi ở Quốc hội, chủ yếu là để ứng phó với tranh chấp biển có thể xảy ra trong tương lai.

Tàu tấn công đổ bộ Dokdo, Hải quân Hàn Quốc
Tàu tấn công đổ bộ Dokdo, Hải quân Hàn Quốc

Do nguyên nhân lịch sử, Hàn quốc và các nước xung quanh tồn tại tranh chấp quyền lợi biển không thể tránh khỏi. Đặc biệt là tranh chấp chủ quyền đảo Dokdo/Takeshima với Nhật Bản, nên Hàn Quốc từng cân nhắc chế tạo tàu sân bay, tăng cường năng lực tác chiến cho hải quân.

Tháng 3 năm 1998, tàu đổ bộ xe tăng Osumi chính thức biên chế cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, thực hiện nhiệm vụ phòng thủ ngoài đảo. Điều này đã kích thích rất lớn Hàn Quốc.

Năm thứ hai, trong "Chương trình quốc phòng trung hạn năm 2000-2004", Hàn Quốc lần đầu tiên đưa ra kế hoạch chế tạo tàu sân bay hạng nhẹ, đã trực tiếp sản xuất tàu đổ bộ cỡ lớn Dokdo đầu tiên đặt tên theo hòn đảo tranh chấp với Nhật Bản.

Theo bài báo, tàu đổ bộ Osumi đã thúc đẩy ra đời tàu Dokdo, tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản vừa hạ thủy sẽ thúc đẩy kế hoạch chế tạo tàu sân bay của Hàn Quốc tăng tốc. Ngày 6 tháng 8 năm 2013, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã tổ chức lễ đặt tên và hạ thủy tàu khu trục trực thăng mới nhất của họ (tàu Izumo).

Động thái này đã gây cảnh giác cao cho Hàn Quốc. Thành viên Ủy ban quốc phòng Quốc hội Hàn Quốc là Chung Hi Châu nói thẳng tại phiên điều trần rằng: "Để ứng phó với tranh chấp biển tiềm tàng với các nước láng giềng, chúng ta cần nhanh chóng sở hữu tàu sân bay".

Tàu tấn công đổ bộ Osumi, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Tàu tấn công đổ bộ Osumi, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Căn cứ vào chủ trương phát triển tàu sân bay do Hải quân Hàn Quốc công bố, để nhanh chóng sở hữu tàu sân bay, Hải quân Hàn Quốc cho rằng, nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là, lắp đường băng kiểu "nhảy cầu" cho tàu đổ bộ lớp Dokdo thứ hai để máy bay hải quân cất/hạ cánh. Có chuyên gia cho rằng, đây sẽ là tàu sân bay đầu tiên “danh chính ngôn thuận” của Hải quân Hàn Quốc.

Thúc đẩy tự nghiên cứu phát triển

Ngoài nhu cầu chiến lược lớn, lần này Quốc hội Hàn Quốc sôi nổi thảo luận chủ trương phát triển tàu sân bay cũng thể hiện thực lực tự nghiên cứu phát triển của Hàn Quốc trên phương diện chế tạo tàu sân bay. Có thể dự đoán, tàu sân bay của Hải quân Hàn Quốc tương lai sẽ có đặc trưng chính là "do Hàn Quốc chế tạo", kế hoạch phát triển tàu sân bay của họ có thể thực hiện trước năm 2036.

Nhìn vào phương thức sở hữu tàu sân bay của các nước trên thế giới, chủ yếu có 3 loại. Một là hoàn toàn tự chủ nghiên cứu chế tạo. Sử dụng doanh nghiệp và công nghệ của nước mình tự chủ thiết kế, tự chủ chế tạo. Thông thường chỉ có nước lớn hải quân có thực lực công nghiệp quốc phòng tương đối mạnh như Mỹ, Nga mới có thực lực  này.

Nhật Bản vừa hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo 22DDH ngày 6 tháng 8 năm 2013
Nhật Bản vừa hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo 22DDH ngày 6 tháng 8 năm 2013

Hai là ủy thác cho nước khác chế tạo tàu sân bay. Tàu sân bay hạng nhẹ HTMS Chakri Naruebet R-911 Thái Lan chính là do Tây Ban Nha chế tạo. Ba là mua tàu sân bay nước khác tiến hành cải tạo. Tàu sân bay HMS Hermes của Hải quân Hoàng gia Anh sau khi bán cho Ấn Độ, được cải tạo và đổi tên lửa INS Viraat.

Tư liệu cho thấy, kế hoạch phát triển tàu sân bay của Hải quân Hàn Quốc là một chiến lược "Ba bước đi". Bước thứ nhất, trước hết trang bị đường băng "nhảy cầu" cho tàu đổ bộ lớp Dokdo thứ hai sắp đưa vào hoạt động để máy bay cất cánh cự ly ngắn, hạ cánh thẳng đứng. Để đường băng có thể chịu được nhiệt lượng rất lớn sinh ra trong quá trình cất cánh, Hải quân Hàn Quốc có kế hoạch phun một loại vật liệu đặc biệt trên bề mặt.

Bước thứ hai, trước năm 2019, chế tạo một tàu tấn công đổ bộ tương tự như tàu Jose Carlos của Hải quân Tây Ban Nha. Bước thứ ba, trước năm 2036, chế tạo 2 tàu sân bay hạng nhẹ lớp 30.000 tấn. Tàu này tương tự như tàu sân bay Cavour của Italy, có thể vận chuyển khoảng 30 máy bay.

Căn cứ vào chủ trương phát triển tàu sân bay của Hải quân Hàn Quốc, chiến lược "Ba bước đi" áp dụng một con đường phát triển sử dụng công nghệ tự chủ, từng bước phát triển tiến lên.

Tàu tấn công đổ bộ Dokdo của Hải quân Hàn Quốc phóng tên lửa
Tàu tấn công đổ bộ Dokdo của Hải quân Hàn Quốc phóng tên lửa

Tài liệu cho thấy, Hàn Quốc là quốc gia thứ 6 trên thế giới có thể chế tạo tàu sân bay. Điều này chủ yếu là vì họ rất coi trọng đến năng lực phát triển tự chủ công nghiệp khoa học công nghệ quốc phòng. Về lịch sử, Hàn Quốc từng là nước nhập khẩu quan trọng về công nghệ vũ khí trang bị. Là đồng minh lâu dài của Mỹ, phần lớn vũ khí trang bị của Hàn Quốc có nguồn gốc từ Mỹ.

Nhưng, điều khác với các nước khác là, cùng với nhập khẩu công nghệ, Hàn Quốc đặc biệt đề xướng "tự lực cánh sinh xây dựng năng lực quốc phòng", điều này chắc chắn đã giúp Hàn Quốc có thực lực tiến hành tự chủ phát triển vũ khí trang bị.

Hiện nay, Hàn Quốc đã xây dựng được năng lực đóng tàu chiến cỡ lớn hàng đầu thế giới. Trong những tàu chiến chủ lực hiện có của Hải quân Hàn Quốc, ngoài tàu chiến đầu tiên chế tạo ở nước ngoài, trang bị tiếp theo đều chế tạo ở trong nước. Các doanh nghiệp cỡ lớn như Tập đoàn công nghiệp nặng Hanjin, Tập đoàn công nghiệp nặng Hyundai, nhà máy đóng tàu Daewoo, Tập đoàn công nghiệp nặng Samsung đều có năng lực chế tạo tàu lớp chục nghìn tấn, thực lực công nghệ hùng hậu của họ đã đem lại sự hỗ trợ mạnh mẽ cho Hải quân Hàn Quốc phát triển tàu chiến cỡ lớn.

Tàu ngầm thông thường Project U214 của Hải quân Hàn Quốc
Tàu ngầm thông thường Project U214 của Hải quân Hàn Quốc

Tàu đổ bộ Dokdo do Công ty đóng tàu và công nghiệp nặng Hàn Quốc nghiên cứu chế tạo. Đường băng của nó dài 199,4 m, hơn cả tàu sân bay HTMS Chakri Naruebet R-911 của Thái Lan, tàu sân bay Garibaldi của Italy và tàu sân bay Principe de Asturias của Tây Ban Nha, đủ để bảo đảm cho máy bay hải quân cất/hạ cánh.

Đương nhiên kiến tạo chế tạo tàu sân bay là một công trình hệ thống khổng lồ. Mặc dù Hàn Quốc có công nghiệp đóng tàu hùng hậu, nhưng hoàn toàn không phải tất cả mọi trang bị đều có thể tự chủ chế tạo. Trong vũ khí trang bị phải có của tàu sân bay, ngoài các hệ thống vũ khí như ngư lôi, tên lửa tấn công đối đất, một số thiết bị quan trọng như hệ thống động lực, pháo, tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không, radar, thiết bị định vị thủy âm, hệ thống điều khiển hỏa lực, hệ thống tác chiến điện tử..., Hàn Quốc vẫn phải dựa vào nhập khẩu. Vì vậy, Hải quân Hàn Quốc nếu muốn thực hiện tự chế tạo hoàn toàn tàu sân bay, còn phải đi một con đường rất dài.

Ảnh hưởng chiến lược ra bên ngoài Đông Bắc Á

Không còn nghi ngờ gì nữa, là vũ khí hạng nặng của quốc gia, tàu sân bay sẽ đem lại năng lực tác chiến tổng hợp kết hợp xa với gần cho Hải quân Hàn Quốc.

Biên đội tàu khu t rục tên lửa lớp KDX-2 và KDX-3 của Hải quân Hàn Quốc.
Biên đội tàu khu t rục tên lửa lớp KDX-2 và KDX-3 của Hải quân Hàn Quốc.

Tân chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Thôi Doãn Hi cho biết, chủ trương phát triển tàu sân bay một khi được thực hiện, ở duyên hải của Hàn Quốc, "chúng tôi sẽ có năng lực ứng phó với CHDCND Triều Tiên, đồng thời cũng sẽ có sức mạnh nhất định đối phó với mối đe dọa tiềm tàng đến từ nước láng giềng". Ở biển xa, vai trò ảnh hưởng của nó sẽ cùng với hạm đội cơ động chiến lược mở rộng đến Đông Nam Á thậm chí các vùng biển xa hơn trên thế giới.

Căn cứ vào phương án xây dựng hạm đội cơ động chiến lược do Hải quân Hàn Quốc công bố, biên đội tàu sân bay hải quân Hàn Quốc trong tương lai sẽ biên chế tàu khu trục Aegis phiên bản Hàn Quốc mới nhất lớp 7.000 tấn (KDX-3), tàu khu trục lớp 4.800 tấn (KDX-2), tàu ngầm hạng nặng.

Do năng lực tác chiến siêu mạnh, hạm đội này không chỉ tác chiến ở biển gần và duyên hải, mà còn phụ trách bảo vệ an toàn tuyến đường vận chuyển từ phía nam đảo Jeju đến eo biển Malacca, đồng thời còn có thể thực hiện nhiều loại nhiệm vụ quân sự biển xa như chống khủng bố trên biển, tấn công cướp biển, ứng phó xung đột trên biển.

Ngoài các hành động cụ thể, tàu sân bay do Hàn Quốc tự chế tạo còn có thể gây ảnh hưởng tới thị trường vũ khí quốc tế, tiến tới gây ảnh hưởng đến tình hình khu vực, đặc biệt là tình hình quân sự ở khu vực xung quanh Trung Quốc.

Tàu ngầm Project 209, Hải quân Hàn Quốc
Tàu ngầm Project 209, Hải quân Hàn Quốc

So với các nước khác, sức hấp dẫn nhất của vũ khí trang bị Hàn Quốc là chi phí chế tạo rẻ, vì vậy đã thu hút sự quan tâm của các nước Đông Nam Á. Căn cứ vào tin tức của tờ "Tin tức Quốc phòng" Mỹ, hiện nay, Đông Nam Á đã trở thành khu vực xuất khẩu quan trọng của tàu chiến và tàu ngầm Hàn Quốc.

Năm 2011, Công ty công trình biển đóng tàu Daewoo đã bán tàu ngầm Project 209 cho Indonesia với giá là 1,1 tỷ USD. Các nước Đông Nam Á khác, gồm có Malaysia và Philippines đều rất quan tâm đến tàu chiến do Hàn Quốc chế tạo.

Trên thực tế, Hàn Quốc đã coi tàu đổ bộ lớp Dokdo là hàng giao dịch vũ khí quan trọng, chuẩn bị chế tạo nhiều tàu lớp Dokdo hơn để mở rộng thị trường bên ngoài. Ngày 12 tháng 3 năm 2007, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Najib Razak thăm Hàn Quốc tuyên bố, Malaysia đã đặt mua một chiếc tàu đổ bộ lớp Dokdo của Hàn Quốc.

Vì vậy, trong tương lai không loại trừ khả năng các nước Đông Nam Á mua tàu sân bay của Hàn Quốc. Khi đó, điều này sẽ làm thay đổi rất lớn cán cân sức mạnh trên biển của các nước láng giềng trên Biển Đông.

Hầu như đồng bộ với việc Hải quân chế tạo tàu sân bay, Quân đội Hàn Quốc đã gia tăng tốc độ xây dựng căn cứ quân sự đảo Jeju. Căn cứ vào kế hoạch, căn cứ quân sự đảo Jeju sẽ xây dựng xong vào năm 2014. Đến lúc đó, căn cứ này sẽ trở thành cảng chính của "hạm đội cơ động chiến lược" của Hải quân Hàn Quốc, có thể đồng thời triển khai 2 tàu sân bay cỡ lớn và khoảng 20 tàu chiến.

Tàu khu trục KDX2, Hải quân Hàn Quốc diễn tập phóng tên lửa phòng không (ảnh tư liệu).
Tàu khu trục KDX2, Hải quân Hàn Quốc diễn tập phóng tên lửa phòng không (ảnh tư liệu).

Người phát ngôn Văn phòng sự vụ công chúng của Hải quân Hàn Quốc Bùi Thành Vũ cho rằng: "Đảo Jeju hứa hẹn trở thành căn cứ triển khai tuyến đầu của Hải quân Hàn Quốc, điều này sẽ giúp cho hải quân nước ta thực hiện tác chiến cơ động tầm xa, bảo vệ tàu thương mại đi qua eo biển Malacca".


Việt Dũng