Bảo mẫu đánh bé 18 tháng tuổi đến chết: Quy trách nhiệm địa phương?

20/11/2013 09:26
Ngọc Quang (ghi)
(GDVN) - Sau vụ bé Đỗ Nhật Long bị hành hạ tới chết, ĐBQH Nguyễn Thị Khá bức xúc nói: “Vấn đề tôi đặt ra đối với trường hợp này là tại sao những cán bộ của các tổ chức, ban ngành ở địa phương lại không biết được việc này, vì nó không phải là cái kim, mà cái kim giấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra".
Bên lề Quốc hội ngày 19/11, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM và ĐBQH Nguyễn Thị Khá – Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã thẳng thắn đề cập tới trách nhiệm của chính quyền địa phương qua vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ đánh đập dã man dẫn tới cái chết của bé Đỗ Nhất Long, 18 tháng tuổi.

TP.HCM đưa ra giải pháp nhưng thực hiện chưa nghiêm

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ, sự việc đau lòng xảy ra với cháu Long cho thấy nuôi dạy trẻ cho con em công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được hoàn thiện.

“Tình tiết xung quanh vụ việc đã rõ, người vi phạm bị xử lý là đương nhiên nhưng vấn đề đau lòng nhất là một đứa trẻ mất đi không thể nào lấy lại được. Đó là cái để cho những người lãnh đạo, quản lý cần phải quan tâm hơn đến công tác trông giữ trẻ ở khu công nghiệp và cần phải có sự chấn chỉnh kịp thời”, bà Tâm nói.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm - Ảnh: Tuổi trẻ.
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm - Ảnh: Tuổi trẻ.

Từ cái chết của bé Long, một số vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra trên địa bàn TP.HCM cũng được lật lại, bà Tâm đánh giá: “TP.HCM đã đưa ra giải pháp nhưng việc thực hiện chưa nghiêm. Nghĩa là lãnh đạo thành phố cũng thấy trước được tình hình khó khăn như vậy chứ không phải ngay tức thì mà tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất có được những nhà giữ trẻ ngay. Việc này cần phải có lộ trình để thực hiện. Đối với những cơ sở không thực hiện thì phải xem xét hoàn cảnh cụ thể như các trường học mẫu giáo của thành phố hiện cũng quá tải nhiều nên phải xét toàn diện để thấy đúng thực trạng”.

Trước câu hỏi: Thiếu trường, thiếu lớp dẫn đến trẻ em bị bạo hành khi gửi các trường tư, vậy trách nhiệm lãnh đạo thành phố trong vấn đề này thế nào? Bà Tâm cho rằng, trách nhiệm của lãnh đạo để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống là cả một quá trình, đòi hỏi nhiều điều kiện khác nữa. Nhưng đã có nghị quyết thì nó phải đi vào cuộc sống, nếu chưa được thì phải xem xét lại trách nhiệm, mà trách nhiệm ở đây thuộc về các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền chứ không riêng ở cấp nào.

“Đối với các quận, huyện có đông công nhân giờ phải tiến hành rà soát lại các cơ sở nuôi dạy trẻ tại các khu công nghiệp. HĐND thành phố đã rà soát, đã đi giám sát và tất nhiên không thể chấm dứt ngay được tình trạng gửi con em họ cho các gia đình. Bởi đó là nhu cầu chính đáng của nhiều gia đình. Nhưng điều quan trọng vẫn phải là giáo dục đạo đức xã hội và kiểm tra các cơ sở trông giữ trẻ... cần phải kết hợp thực hiện nhiều biện pháp, chứ không phải bây giờ khi xảy ra vụ việc lại bấn loạn lên”, bà Tâm cho hay.

Cũng theo bà Tâm, trước mắt thành phố đã chỉ đạo các cơ sở giữ trẻ của thành phố phải có sự phối hợp và các chủ doanh nghiệp phải ký hợp đồng với các cơ sở giữ trẻ công lập để tăng giờ làm việc của cô giáo, trông giữ con cái cho công nhân. Giải pháp cốt lõi vẫn là phải có những cơ sở giữ trẻ ở các khu công nghiệp với đầy đủ các tiêu chí, điều kiện đảm bảo để người công nhân yên tâm khi gửi con cái họ vào đó. Vì xét cho cùng công nhân đi làm cũng là để tạo ra của cải vật chất, góp phần vào sự phát triển kinh tế cho xã hội.

Ba mẹ cháu Đỗ Nhật Long với nỗi đau tột cùng khi con mình bị hành hạ tới chết.
Ba mẹ cháu Đỗ Nhật Long với nỗi đau tột cùng khi con mình bị hành hạ tới chết.

Sự việc nghiêm trọng, không thể nể nang, né tránh

Đây là quan điểm của ĐBQH Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Bà Khá cho rằng, việc mở các cơ sở trông trẻ nhỏ để giúp cho bố mẹ có điều kiện đi làm là một điều tốt, tuy nhiên việc cấp phép cho các cơ sở trông trẻ này như thế nào lại là việc cần phải bàn, từ việc người trông trẻ có trình độ như thế nào, có được đào tạo bằng cấp không, cơ sở đó có đủ điều kiện cấp phép không thì chính quyền phải xem xét nếu đủ điều kiện mới cấp phép thành lập cơ sở trông trẻ được.

“Tôi thấy, hiện nay công tác quản lý của nhà nước về lĩnh vực này chưa rõ ràng, địa phương là người cấp phép, quản lý theo dõi trực tiếp lĩnh vực này chưa sát sao. Đặc biệt, trong thời gian gần đây tôi thấy nhiều trường hợp như trẻ em bị bạo hành, tử vong, rồi bác sỹ thẩm mỹ viện phi tang xác nạn nhân... Qua đó tôi thấy vai trò quản lý nhà nước của cấp chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa làm hết trách nhiệm của mình nên để xảy ra tình trạng cháu bé 18 tháng tuổi bị tử vong do bảo mẫu đánh đập tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh mới đây. Đó là sự việc đau lòng”, bà Khá khẳng định.

Theo bà Khá, khi sự việc đã xảy ra gây hậu quả rồi thì các cơ quan chức năng mới đi thanh tra, tập trung giải quyết hậu quả thì chỉ là xử lý phần ngọn, nhưng điều quan trọng là chính quyền phải có sự vào cuộc từ ngay khi các hoạt động trốn chui trốn lủi, hoạt động không phép diễn ra để tránh hậu quả đáng tiếc.

ĐBQH Nguyễn Thị Khá. Ảnh: Xuân Hải
ĐBQH Nguyễn Thị Khá. Ảnh: Xuân Hải

Bà Khá thẳng thắn đề cập tới trách nhiệm của chính quyền địa phương: “Vấn đề tôi đặt ra đối với trường hợp này là tại sao những cán bộ của các tổ chức, ban ngành ở địa phương lại không biết được việc này, vì nó không phải là cái kim, mà cái kim giấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra.

Theo tôi, bây giờ cần quy định trách nhiệm đối với lãnh đạo địa phương khi để xảy ra ra những vấn đề như vậy. Bởi khi anh có quyền thì phải gắn trách nhiệm của anh phải chịu khi để xảy ra những sự việc gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn anh quản lý, có như thế thì bắt buộc anh phải kiểm tra giám sát thường xuyên và phân công trách nhiệm đối với từng cán bộ mình quản lý.

Còn lãnh đạo có quyền mà không thấy được trách nhiệm khi để xảy ra những sự việc đau lòng trên địa bàn mình quản lý là không được. Cái này là tôi bất bình. Do không thực hiện hết trách nhiệm của mình nên khi để xảy ra hậu quả mà người dân vẫn luôn là người phải gánh chịu. Phải quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương”.

Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Thị Khá, dù đã nói nhiều tới trách nhiệm của người đứng đầu nhưng vẫn còn chung chung, vẫn theo chế độ tập thể, chính quyền là vai trò thủ trưởng nhưng khi có vấn đề xảy ra lại quy trách nhiệm cho tập thể.

“Tôi cũng không hiểu sao các tổ chức đoàn thể ở tổ dân phố, khu dân cư như hội phụ nữ, thanh niên, mặt trận tổ quốc, người cao tuổi...tại địa bàn nơi cháu bé tử vong lại không phát huy được vai trò của mình, có thể nơi trông cháu bé cũng gần ngay đó thôi.

Theo tôi, khi có sự việc nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn thì mỗi khi họp HĐND, UBND thì cần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người lãnh đạo phụ trách lĩnh vực để xảy ra sự việc như vậy và anh phải từ chức nếu có số tín nhiệm thấp. Chứ cứ để tình trạng như bây giờ thì thế rất khó xử lý. Còn nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì cần phải xử lý theo pháp luật, chứ không có cách nào khác. Nếu không cương quyết xử lý, cách chức mà cứ nể nang, né tránh bằng hình thức kiểm điểm tập thể, thì hậu quả ai chịu trách nhiệm với tập thể đó và hậu quả vẫn diễn ra và người dân lại gánh chịu”, bà Khá nói.
Ngọc Quang (ghi)