Vụ án oan Bắc Giang: “Không làm quyết liệt thì lại hòa cả làng”

21/11/2013 08:11
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - “Tôi cũng xin lưu ý, các cơ quan chức năng phải làm quyết liệt, nếu không sẽ dẫn tới tình trạng “hòa cả làng” và dân phải chịu hết, những người liên quan chắc chắn sẽ cãi bay cãi biến và chỉ “xin rút kinh nghiệm” – ông Vũ Đức Khiển Nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã cho biết như vậy.

Liên quan đến việc ông Nguyễn Thanh Chấn tố cáo những điều tra viên đã đánh đập, ép cung ông. Được biết, chiều 7-11-2013, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang Phạm Văn Minh đã yêu cầu các cán bộ điều tra trực tiếp điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn phải làm bản tường trình báo cáo lại toàn bộ quá trình điều tra vụ án này. Ngoài ra lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang cũng sẽ kiên quyết xử lý những ai đã gây nên vụ án oan sai.

Tuy nhiên, câu trả lời từ các điều tra viên sau đó là không hề có chuyện đánh đập, ép cung ông Chấn. Tờ Người đưa tin dẫn thông tin cho rằng: Đại tá Phạm Văn Minh, Giám đốc công an tỉnh bắc Giang nói với báo chí, tuờng trình của các điều tra viên "không có vấn đề gì". 

Trước đó, trao đổi với báo chí, Đại tá Nguyễn văn Chức- Chánh Văn phòng CA tỉnh - cho biết việc xem xét trách nhiệm các điều tra viên phải chờ chỉ đạo của cấp trên. Nếu vi phạm về hoạt động tư pháp thì thẩm quyền xử lý thuộc về Viện KSND Tối cao, đối với vấn đề quản lý nhà nước, xử lý cán bộ, thuộc thẩm quyền của Bộ CA.


Tờ Người đưa tin cũng đặt ra câu hỏi trách nhiệm: Trước thông tin tại thời điểm ông Chấn bị khởi tố với tội danh "giết người", Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang là ông Phạm Văn Minh (lúc đó là phó giám đốc Công an tỉnh), vì vậy ông Minh phải bị xem xét trách nhiệm trong việc này?

Một vụ trọng án xảy ra, Thủ trưởng cơ quan điều tra là người chỉ đạo việc điều tra, và quyết định các biện pháp nghiệp vụ điều tra thủ phạm. Việc ký kết quả điều tra có thể do Phó Thủ trưởng cơ quan Điều tra được ủy quyền của Thủ trưởng Cơ quan Điều tra thực hiện…

Ông Chấn đã nhờ văn phòng luật sư vào cuộc, ông mong muốn cơ quan điều tra sẽ khởi tố các điều tra viên đã ép cung, để họ phải chịu tội trước pháp luật
Ông Chấn đã nhờ văn phòng luật sư vào cuộc, ông mong muốn cơ quan điều tra sẽ khởi tố các điều tra viên đã ép cung, để họ phải chịu tội trước pháp luật

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam về công tác điều tra vụ án, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến – Ủy viên Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật, Đoàn Luật sư Hà Nội, Trưởng VP Luật sư Đức Thịnh cho rằng, một vụ án khi đưa ra xét xử thì bắt buộc phải trải qua khâu đầu tiên là công tác điều tra. Những tài liệu chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập được hầu như có tác dụng quyết định đến việc truy tố, xét xử của Viện Kiểm sát và Tòa án. Bởi thế mà người ta đã có câu “án tại hồ sơ” 

Trong vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn thì rõ ràng cái sai đầu tiên là thuộc về công tác điều tra. Chưa bàn đến chuyện các điều tra viên đã dùng nhục hình bức cung, mớm cung, dụ cung với bị can mà ngay trong khâu thu thập chứng cứ, đánh giá tài liệu, giám định dấu vết… cũng đã có quá nhiều sai sót.

Luật sư Tiến cũng cho rằng, người Thủ trưởng cơ quan điều tra như ông Minh phải liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về vụ việc oan sai này vì là người trực tiếp chỉ đạo điều tra.  

“Ông Minh không thể phủ nhận trách nhiệm của mình đối với vụ án oan này được. Còn có sai phạm hay không? Sai phạm đến đâu? Sẽ bị xử lý như thế nào theo qui định của pháp luật thì phải chờ vào kết luận điều tra của VKSTC”, Luật sư Tiến nói.

Cũng nói về việc có hay không chuyện ép cung trong quá trình điều tra vụ ông Chấn, trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam trước đó, ông Vũ Đức Khiển - Nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, rất nhiều trường hợp khi ra tòa, bị cáo nói rằng bị ép cung cho nên buộc phải nhận tội để chờ ra tòa khai lại, nhưng tòa lại nói “không thành khẩn, chối tội, ngoan cố”.

Vậy là đằng nào họ cũng không thoát. Bi hài là ở chỗ ấy! Thực tế, khi bị tạm giam thì chỉ có công an với bị can, làm gì thì không ai biết, theo luật thì sẽ có luật sư được gặp bị can, nhưng thực tế thì luật sư cũng không được vào, vì thế nếu bị can không nhận thì rất dễ bị ép cung, ông Khiển nói

Theo ông Khiển, chúng ta cũng đã đi xem kinh nghiệm của các nước mãi rồi, nhưng chỉ xem thôi chứ không học. Cứ nhìn sang nước gần nhất là Thái Lan, nơi tạm giam bị can là phòng kính, đi lại nhìn thấy hết, không có gì là bí mật, không tù mù như ở ta là chỉ có mấy anh công an với bị can.

“Chuyện này trước đây chúng tôi đã nói nhiều rồi, đó là trình độ năng lực của cán bộ điều tra rất thấp (cần phải xem lại quy trình đào tạo), chưa nói tới vấn đề đạo đức, trách nhiệm.

Cả một hệ thống các cơ quan công quyền nhưng không tìm ra thủ phạm giết người, mà cuối cùng chính sự kiên trì của gia đình ông Chấn đã tìm ra, điều đấy thật đáng xấu hổ”, ông Khiển nêu quan điểm.

Ông Chấn có bị ép cung hay không thì sẽ được điều tra làm rõ, và chính Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng đã nói rất rõ về quan điểm là nếu Tòa án kết luận phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội oan, thì phải kịp thời minh oan, khôi phục đầy đủ quyền lợi hợp pháp, bồi thường nhà nước cho người bị kết tội oan; điều tra, xử lý nghiêm người phạm tội; đồng thời phải điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến oan, sai, xác định trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn theo quy định của pháp luật

“Tuy nhiên, tôi cũng xin lưu ý, các cơ quan chức năng phải làm quyết liệt, nếu không sẽ dẫn tới tình trạng “hòa cả làng” và dân phải chịu hết. Qua báo chí cho biết, điều tra viên vụ án bắt anh Chấn đã chết vì tai nạn giao thông, còn những người liên quan chắc chắn sẽ cãi bay cãi biến và chỉ “xin rút kinh nghiệm”. Người ta sẽ đổ lỗi loanh quanh, rằng “cấp dưới chịu trách nhiệm trực tiếp, còn ký chỉ là trình tự”, còn cấp dưới thì lại nói “trình lên là quy định, nhưng anh có quyền ký hoặc không ký”.

Nhưng cần phải lưu ý, tại bản kết luận điều tra chuyển sang VKSND tỉnh Bắc Giang đã có chữ ký của Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, mà nếu không có chữ ký ấy thì không thể kết thúc điều tra để chuyển sang các bước tiếp theo. Vì vậy, tôi cho rằng, phải xử lý trách nhiệm với người đã ký vào bản kết luận điều tra với ông Nguyễn Thanh Chấn”, ông Khiển nói.

Trong bảng danh sách 6 điều tra viên, ông Đào Văn Biên – hiện là Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội công an tỉnh Bắc Giang có lẽ được nhiều người nhắc đến. Ông Biên là một trong những người mà ông Chấn cho rằng đã tham gia vào việc bức cung ông. Ngoài vụ ông Chấn, trong quá trình điều tra vụ án Hàn Đức Long, Long cũng đã nhiều lần trình bày bị cán bộ điều tra Đào Văn Biên đánh đập, nhục hình. 

Chắc hẳn ông Chấn, gia đình ông và cả xã hội đang mong đợi vào một kết luận điều tra công minh và chính xác của VKSNDTC để xác định đúng người, đúng tội.

VIẾT CƯỜNG