Ngày 31 tháng 10 năm 2013, Nhật Bản hạ thủy tàu ngầm Kokuryu SS-506 lớp Soryu. |
Tờ "Giải phóng quân" Trung Quốc ngày 20 tháng 11 có bài viết cho rằng, trong thế giới thực sự có "rồng đen". Chiếc tàu ngầm lớp Soryu mới nhất thứ sáu mang tên Kokuryu của Nhật Bản vừa mới hạ thủy, sẽ chính thức biên chế cho Lực lượng Phòng vệ Biển vào tháng 3 năm 2014.
Bị chi phối bởi Hiến pháp Hòa bình và Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản không thể chế tạo tàu ngầm hạt nhân, nhưng tàu ngầm thông thường hiện có của họ có tính năng ưu việt, số lượng tàu ngầm "dự trữ trong kho" khổng lồ, công nghiệp tàu ngầm của họ cũng phát triển, rất có tiềm lực sản xuất.
Tuy Nhật Bản cố ý giữ kín tiếng đối với việc hạ thủy tàu ngầm Kokuryu, nhưng trong bối cảnh xu thế "hữu khuynh hóa" ở Nhật Bản không ngừng tăng lên, động thái này cũng đã gây ra sự quan tâm rất cao và "lo ngại sâu sắc" của các nước, đặc biệt là các nước láng giềng châu Á (Trung Quốc).
Hiện nay, Nhật Bản sở hữu một lực lượng tàu ngầm thông thường có tính năng tiên tiến. Trong những năm gần đây, từ lớp Harushio, lớp Oyashio đến lớp Soryu, trọng tải tàu ngầm của Nhật Bản ngày càng lớn, độ sâu lặn không ngừng lập kỷ lục mới, khả năng lặn liên tục ổn định và được cải thiện, hiệu quả chạy êm ngày càng tốt.
Tàu ngầm Kokuryu lớp Soryu hạ thủy |
Từ khi tàu ngầm lớp Oyashio thứ năm mang tên Takashio hạ thủy vào ngày 1 tháng 10 năm 2002, Nhật Bản hàng năm hạ thủy một chiếc tàu ngầm mới và năm thứ hai chính thức đi vào hoạt động, đều là tàu ngầm thông thường có tính năng tiên tiến nhất, trọng tải lớn nhất thế giới.
Đặc biệt là tàu ngầm lớp Soryu (bắt đầu đi vào hoạt động năm 2009) đã lắp hệ thống đẩy không lệ thuộc vào không khí (AIP), lượng giãn nước của nó là 4.200 tấn, khả năng lặn liên tục là 3 tuần, tính năng tiếp cận trình độ tàu ngầm hạt nhân, được dư luận cho là "gần bằng tàu ngầm hạt nhân", tạo ra mối đe dọa to lớn cho các mục tiêu trên mặt nước, dưới nước, bờ biển và trong tung thâm (chiều sâu).
Quy mô thực tế của lực lượng tàu ngầm Nhật Bản luôn được tập trung che giấu. "Đại cương kế hoạch phòng vệ" Nhật Bản bản năm 1976 quy định, họ được sở hữu nhiều nhất 16 tàu ngầm. Tháng 10 năm 2010, Bộ Quốc phòng Nhật Bản quyết định tăng số lượng tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ từ 16 lên 22 chiếc, năm 2013 lại mở rộng quy mô này lên 24 chiếc.
Hiện nay, Nhật Bản thực tế sở hữu 16 tàu ngầm tác chiến, 2 tàu ngầm huấn luyện, tổng cộng 18 chiếc, nhưng con số này hoàn toàn không phải là toàn bộ kho tàu ngầm của Nhật Bản. Từ năm 1998 đến năm 2008, Nhật Bản chế tạo tổng cộng 11 tàu ngầm lớp Oyashio, từ năm 2009 đến năm 2014 chế tạo và đưa vào hoạt động 6 tàu ngầm lớp Soryu, đều thực hiện theo kiểu "đưa vào hoạt động 1 chiếc thì cho nghỉ hưu 1 chiếc", trong khi đó tàu ngầm nghỉ hưu hoàn toàn không tháo rời mà đưa vào kho dự tữ.
Ngày 6 tháng 3 năm 2013, Nhật Bản hạ thủy tàu ngầm Zuiryu 505 lớp Soryu |
Hơn nữa, thời gian phục vụ của tàu ngầm nghỉ hưu của Nhật Bản chỉ trên 10 năm, thấp hơn nhiều mức trung bình thế giới 25 - 50 năm, tính năng của chúng hoàn toàn không lạc hậu và có năg lực tác chiến hoàn thiện, có thể lấy ra đưa và sử dụng lại bất cứ lúc nào. Một khi chiến tranh cần đến, quy mô tàu ngầm điều động sử dụng thực tế của Nhật Bản ít nhất gấp đôi quy mô hiện có.
Ngoài ra, hai nhà máy đóng tàu lớn Kawasaki và Mitsubishi đều có dây chuyền sản xuất tàu ngầm độc lập, một khi có nhu cầu, có thể sản xuất rất nhiều tàu ngầm thông thường tiên tiến trong thời gian ngắn. Vì vậy, lực lượng tàu ngầm Nhật Bản giống như Ninja trong truyền thuyết, kín tiếng, bí mật nhưng có năng lực sát thương rất lớn.
Theo bài báo, con đường phát triển tàu ngầm của Nhật Bản đã đây lo ngại mạnh mẽ cho các nước châu Á-Thái Bình Dương (thực ra Trung Quốc là chính). Tàu ngầm có các đặc điểm như tính năng tàng hình tốt, uy lực lớn, hiệu quả tập kích tốt, là vũ khí lợi hại đùng để phát động tập kích quân sự, tiến hành mạo hiểm vũ lực.
Tàu ngầm tấn công thông thường lớp Harushio, Nhật Bản |
Trong quá khứ, Nhật Bản cũng luôn có truyền thống tập kích "chiến tranh không cần tuyên bố", chẳng hạn trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản sử dụng hạm đội tàu sân bay tập kích bất ngờ Trân Châu Cảng. Những năm gần đây, Nhật Bản ngày càng quyết liệt theo đuổi lợi ích biển, không ngừng dùng các cách làm khác nhau để phá bỏ hạn chế của "Hiến pháp Hòa bình", làm mờ lịch sử xâm lược, ra sức mở rộng vũ khí trang bị.
Trong bối cảnh này, các nước châu Á-Thái Bình Dương (Trung Quốc) đương nhiên lo ngại, Nhật Bản phát triển lực lượng tàu ngầm tiên tiến quy mô lớn, có khả năng là xây dựng đội quân tiên phong tập kích trong tương lai, đã làm trầm trọng hơn cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Báo Trung Quốc lo ngại: Điều quan trọng hơn là, về việc chế tạo, sử dụng tàu ngầm và công nghệ năng lượng hạt nhân được tích lũy của Nhật Bản hiện nay, nếu trong tương lai Nhật Bản phá bỏ sự trói buộc của "Ba nguyên tắc không sở hữu vũ khí hạt nhân", sẽ có khả năng nhanh chóng thực hiện sự chuyển đổi tàu ngầm từ "thông thường" sang "hạt nhân", từ đó tạo ra mối đe dọa to lớn mới đối với an ninh châu Á-Thái Bình Dương và hòa bình, ổn định của thế giới.
Tàu ngầm thông thường lớp Oyashio Nhật Bản |