Có tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ không?

21/11/2013 07:36
Ngọc Quang
(GDVN) - Đây là câu hỏi mà ĐBQH Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đã đặt ra với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Tuy nhiên, rất tiếc là ông Nguyễn Thái Bình lại trả lời... "vòng quanh".
Bộ trưởng "né" câu hỏi "tham nhũng trong tổ chức cán bộ"

ĐB Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) hỏi: Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về vấn đề bằng giả học thật, bằng giả học giả, vấn đề chạy chỉ tiêu biên chế, chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ hiện nay? Giải pháp xử lý các vấn đề trên như thế nào? Đồng chí Bộ trưởng cho biết có tham nhũng trong đội ngũ cán bộ hiện đang làm công tác tổ chức cán bộ không? Nếu có thì ở mức độ nào? Liệu có thuốc nào chữa được không? Chữa như thế nào? Bao giờ bệnh sẽ khỏi?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho hay, trong những năm gần đây, qua các kỳ họp Quốc hội, qua các hội nghị Trung ương, Bộ Nội vụ cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Đặc biệt, trong thời gian sau Đại hội XI có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI cũng có đánh giá thực trạng về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong đó có tham nhũng, có tiêu cực.
"Chúng tôi cho đây là quan điểm tư tưởng là gối đầu của các cơ quan làm công tác tổ chức của Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cho nên những nội dung mà đại biểu có đề ra tôi đọc kỹ các văn kiện nêu trên đã cũng nói tương đối kỹ, tương đối rõ thì chúng ta phải tập trung đề ra các biện pháp, đề ra các giải pháp để phòng, chống tiêu cực, phòng, chống tham nhũng nói chung, đặc biệt trong phòng, chống tiêu cực tham nhũng trong công tác tổ chức, công tác cán bộ, công tác khen thưởng thuộc lĩnh vực của Bộ Nôi vụ. Chúng tôi cũng đọc kỹ Luật cán bộ, công chức, đọc kỹ Luật viên chức rất là nhiều điều của 2 dự án luật này cũng nói đến nội dung phòng, chống tiêu cực, phòng, chống tham nhũng, nhiều nghị định, nhiều thông tư, nhưng mà báo cáo với đại biểu nó nằm rải rác.
Chúng tôi dự kiến là trình ra Chính phủ để xây dựng nghị định về phòng, chống tiêu cực trong lĩnh vực tổ chức, lĩnh vực cán bộ, lĩnh vực thi đua, khen thưởng để có hệ thống lại để các bộ, ngành trung ương, các địa phương tập trung thực hiện. Nhưng qua các cơ quan chức năng có cái tham mưu, có cái hội thảo, có cái kiến kế.
Sau cùng Thủ tướng Chính phủ đề nghị nên trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về phòng, chống tiêu cực trong lĩnh vực tổ chức, trong lĩnh vực cán bộ về việc khen thưởng. Chúng tôi hy vọng nếu chỉ thị này được ban hành, với cơ quan chức năng quản lý nhà nước về tổ chức, về cán bộ, về khen thưởng, chúng tôi sẽ cụ thể hóa để sớm đưa vào cuộc sống", ông Bình nói.
Chưa thỏa mãn với phần trả lời này, ĐB Chu Sơn Hà tiếp tục nêu ý kiến: Chúng tôi chưa thấy các đồng chí đặt vấn đề rõ: Thứ nhất là việc chạy chức, chạy quyền. Thứ hai là có tham nhũng trong đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ, có hay không? Như đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng chạy dự án là có nhưng đến bây giờ chúng tôi chưa phát hiện được, chưa xử lý được, phải dũng cảm như thế. Chúng tôi nghĩ thời gian tới giải pháp khắc phục cho việc này như thế nào?

Tôi cho rằng nguyên nhân đó là nguyên nhân gốc của việc phòng, chống tham nhũng, chọn được cán bộ tốt thì sẽ không có cán bộ tham nhũng, cho nên chúng tôi nghĩ rằng Bộ trưởng quan tâm đến vấn đề này. Đề nghị đồng chí cho thêm giải pháp để khắc phục tình trạng này. Tôi nhắc lại là có hay không có? Giải pháp khắc phục trong thời gian tới như thế nào?

ĐBQH Chu Sơn Hà. Ảnh: Tuổi trẻ.
ĐBQH Chu Sơn Hà. Ảnh: Tuổi trẻ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thái Bình tiếp tục trả lời “vòng vèo”: "Báo cáo với đại biểu Chu Sơn Hà, báo cáo Quốc hội như chúng tôi đã báo cáo phần trên, do đây là lĩnh vực nhạy cảm, tế nhị chúng tôi đọc rất kỹ các văn kiện của Đại hội XI, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 của khóa XI. Tại Điểm 6, Mục d, phần I đánh giá về hạn chế, khuyết điểm trong báo cáo chính trị của Ban chấp hành trung ương khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI có nêu, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, tình trạng chạy chức, chạy quyền chưa được khắc phục. Nhưng chúng tôi đã nêu phần trên, chúng tôi đã nói tương đối, đây là một tài liệu gối đầu nằm để chúng tôi nghiên cứu đề ra các biện pháp, các giải pháp để khắc phục".

30% công chức không làm được việc, lãng phí 17 nghìn tỷ mỗi năm

Các đại diểu Danh Út (đoàn Kiên Giang ), Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) và Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội),

ĐBQH Chu Sơn Hà - TP Hà Nội: "Đồng chí Bộ trưởng có nói phân cấp cho nên số cán bộ thuộc Chính phủ và Ban Bí thư quản lý thì Bộ trưởng nắm được nhưng số cán bộ phân cấp cho các bộ, ngành và địa phương thì không nắm được.

Thưa Quốc hội, khóa XII có một bộ gần 200 cán bộ đến tuổi về hưu không được hưởng chế độ, không biết đến giờ phút này nếu phân cấp rồi bộ phải có trách nhiệm kiểm tra và thống kê, đồng thời đôn đốc để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật để bảo đảm quyền được hưởng chế độ hưu trí đối với cán bộ, công chức. Tôi hy vọng trong thời gian tới đồng chí sẽ tổng hợp được số liệu này bởi vì đồng chí đã quên việc này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ".

Hà Minh Huệ (đoàn Bình Thuận) đã đề cập tới thông tin khác nhau về tỷ lệ công chức không làm được việc trong các cơ quan nhà nước: Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết các địa phương báo cáo thì chỉ có 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu con số mà dư luận đề cập nhiều lần là có tới 30%.
ĐB Chu Sơn Hà nhấn mạnh: “Tôi xin nói với Quốc hội rằng nếu 30% thì là 700.000 cán bộ, công chức và số chi một năm là 17.000 tỷ đồng, nếu giải quyết được vấn đề này chúng ta sẽ tiết kiệm được 17.000 tỷ đồng. Theo đồng chí Bộ trưởng thì tỷ lệ không phải là 30% thì là bao nhiêu? Giải pháp trong thời gian tới để khắc phục việc này? Căn cứ vào đâu để xác định vấn đề biên chế cán bộ, công chức hàng năm mà năm sau bao giờ chúng tôi cũng thấy cao hơn năm trước, cũng như là phát triển chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tăng GDP thì đồng chí cho Quốc hội biết”.
Giải đáp những băn khoăn này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho hay: “Bây giờ nói con số là bao nhiêu thì không có cơ sở, nhưng có giải pháp tương đối toàn diện, tổng hợp như chúng tôi trình bày ở phần trên đến thời điểm nhất định có thể tạo được tiếng nói chung về tỷ lệ này.
Căn cứ xác định biên chế nó mang tính chất khoa học, thực tiễn trên cơ sở xác định vị trí việc làm, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức trong các đơn vị hành chính và bố trí đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập là hợp lý nhưng do chúng ta chưa xác định được vị trí việc làm. Trước hết, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan đơn vị để trên cơ sở đó dự kiến phân công đội ngũ công chức trong từng cơ quan đơn vị hành chính, đội ngũ viên chức để tính toán, bổ sung biên chế hàng năm theo đề nghị của các cơ quan đơn vị, tổ chức thẩm định của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, ban, ngành của các đơn vị trực thuộc, thẩm định của lãnh đạo bộ, ban, ngành trung ương có đề nghị, chúng tôi có thẩm định trên cơ sở đó có nghiên cứu, có xem xét để có đề nghị, có bố trí”.
Ngọc Quang