Cần cảnh giác trước những phát ngôn và hành động thật của Trung Quốc

24/11/2013 09:07
Đông Bình
(GDVN) - So với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, Trung Quốc có khoảng cách về hiện đại hóa quân đội và năng lực tác chiến hiệp đồng trên biển-trên không.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 18 tháng 11 công bố hình ảnh 3 quân chủng Quân đội Trung Quốc tiến hành diễn tập vượt biển đổ bộ thực binh ban đêm liên hợp.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 18 tháng 11 công bố hình ảnh 3 quân chủng Quân đội Trung Quốc tiến hành diễn tập vượt biển đổ bộ thực binh ban đêm liên hợp.

Tờ "Nam Hoa buổi sáng" Hồng Kông ngày 19 tháng 11 cho biết, Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu tổ chức diễn tập tác chiến đổ bộ ban đêm quy mô lớn ở phía bắc biển Hoàng Hải và biển Bột Hải. Đây là cuộc diễn tập quân sự lần đầu tiên do Quân đội Trung Quốc tổ chức sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 18 đã công bố một số hình ảnh phản ánh cuộc diễn tập tác chiến đổ bộ vượt biển thực binh bắn đạn thật trong đêm liên hợp lục, hải, không quân của Quân đội Trung Quốc.

Theo truyền thông chính quyền Trung Quốc, gần 20 đơn vị tác chiến cấp trung đoàn trở lên của các quân binh chủng lục, hải, không quân, hơn 5.000 binh sĩ Trung Quốc đã tham gia cuộc diễn tập này, tập trung vào diễn tập hành động tác chiến các nội dung như trinh sát cảnh báo sớm liên hợp, vận tải trên biển, thông tin và tấn công hỏa lực, đột kích đổ bộ.

Có nhà phân tích quân sự Bắc Kinh cho rằng, cuộc diễn tập quy mô lớn này rất ít tổ chức. Quân đội Trung Quốc có thể phải kéo dài thời gian diễn tập, bởi vì cuộc diễn tập có rất nhiều khoa mục mới. Trong thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương 3 khóa 18, Đảng Cộng sản Trung Quốc cam kết muốn tăng cường năng lực chỉ huy tác chiến liên hợp của Ủy ban quân sự Trung ương (Quân ủy Trung ương), đồng thời cải thiện hệ thống chỉ huy tác chiến liên hợp chiến trường của Quân đội Trung Quốc.

Diễn tập vượt biển đổ bộ bắn đạn thật ban đêm liên hợp lục, hải, không quân của Trung Quốc (công bố ngày 18 tháng 11 năm 2013)
Diễn tập vượt biển đổ bộ bắn đạn thật ban đêm liên hợp lục, hải, không quân của Trung Quốc (công bố ngày 18 tháng 11 năm 2013)

Cuộc diễn tập lần này của Quân đội Trung Quốc được tiến hành ngay sau khi Nhật Bản tiến hành một cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn.

Theo bài báo, từ ngày 1 đến ngày 18 tháng 11 năm 2013, Nhật Bản huy động khoảng 15% binh lực của Lực lượng Phòng vệ, tổng cộng 34.000 binh sĩ từ Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, Lực lượng Phòng vệ Biển và Lực lượng Phòng vệ Trên không, cộng với 6 tàu chiến hải quân, 350 máy bay, tiến hành diễn tập đổ bộ ở đảo không người ở Okidaito, cách đảo Okinawa 400 km về phía đông nam.

Tờ Sankei Shimbun" Nhật Bản ngày 18 tháng 11 cho rằng, cuộc diễn tập quy mô lớn mang tên "Liên hợp-2013D" là cuộc diễn tập ban đêm có nội dung là đổ bộ vượt biển mà Quân đội Trung Quốc lần đầu tiên công khai tiến hành. Các nhà hoạch định chính sách Quân đội Trung Quốc cho biết, sẽ "sát thực tế chiến đấu tối đa".

Theo nguồn tin từ kênh ngoại giao ở Bắc Kinh, Trung Quốc tiến hành cuộc diễn tập này nhằm ứng phó tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên có thể xảy ra bất ổn bất cứ lúc nào, đồng thời cũng là hành động răn đe đối với Nhật Bản, quốc gia áp dụng thái độ và hành động cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề đảo Senkaku.

Ngày 19 tháng 11, tờ "Nihon Keizai Shimbun" cho rằng, năm 2013, Quân đội Trung Quốc đã thúc đẩy tiến hành một loạt thay đổi, phương châm chính sách quân sự ngày càng chủ động hơn, đối tượng nhằm vào rõ ràng hơn. Có phân tích cho rằng, đối tượng giả tưởng (quân xanh) trong các động thái này của Trung Quốc chính là Nhật Bản.

Quân đội Trung Quốc tổ chức diễn tập bắn đạn thật.
Quân đội Trung Quốc tổ chức diễn tập bắn đạn thật.

Trung Quốc cho rằng, so với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, họ có khoảng cách về hiện đại hóa quân đội và năng lực tác chiến hiệp đồng trên biển-trên không. Vì vậy, đang gia tăng đầu tư cho trang bị và cường độ huấn luyện, gấp rút tăng cường năng lực tác chiến đổ bộ trên biển-trên bộ và tác chiến lập thể trên biển-trên không.

Một bài viết của Viện nghiên cứu Roy, Australia cho rằng: "Tokyo quan tâm chặt chẽ đến các hoạt động diễn tập quân sự của Trung Quốc là điều không có gì lạ". Theo bài viết, tính chất và vị trí của một số cuộc diễn tập quân sự gần đây đều làm cho Nhật Bản lo ngại về năng lực và ý đồ quân sự của Trung Quốc.

Theo bài viết, trong các cuộc đối đầu ngôn từ gần đây giữa Tokyo và Bắc Kinh, cuộc diễn tập của Quân đội Trung Quốc cho thấy, "làm nhạt mâu thuẫn hoàn toàn không phải là cấp ưu tiên cao nhất của Trung Quốc".

Trước các phỏng đoán, giáo sư Trương Triệu Trung, Đại học Quốc phòng Trung Quốc ngày 19 tháng 11 nói với tờ "Thời báo Hoàn Cầu" rằng, cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn này đã có kế hoạch 1 năm trước, bởi vì Trung Quốc phải tiến hành chuẩn bị nơi diễn tập, chuẩn bị khoa mục diễn tập, chuẩn bị lực lượng diễn tập. Đối với khoa mục diễn tập lần này, Quân đội Trung Quốc tiến hành diễn tập đổ bộ ở biển Bột Hải, loại diễn tập này đều đã từng tiến hành ở các vùng biển như Biển Đông, biển Hoa Đông.

Trung Quốc tiến hành diễn tập bắn đạn thật ban đêm liên hợp lục, hải, không quân.
Trung Quốc tiến hành diễn tập bắn đạn thật ban đêm liên hợp lục, hải, không quân.

Ngô Hoài Trung, chuyên viên Phòng Nhật Bản, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, so với cuộc diễn tập quân sự 34.000 quân mà Nhật Bản tiến hành ở khu vực xung đột nhạy cảm Okinawa hiện nay, quy mô cuộc diễn tập do Trung Quốc tiến hành lần này nhỏ hơn nhiều. Nhật Bản có tranh chấp ở đâu thì tiến hành diễn tập ở đó.

Nhưng, trên thực tế, Trung Quốc cũng đã ra sức tiến hành diễn tập quân sự răn đe vũ lực ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, thậm chí đưa các cuộc diễn tập tới tận cực nam "đường lưỡi bò" phi pháp mà họ chủ trương. Ngô Hoài Trung còn đổ lỗi cho rằng, Nhật Bản mượn tranh chấp để tuyên truyền nguy cơ, mượn nguy cơ để tạo sự đột phá về chính trị, muốn đột phá "Hiến pháp Hòa bình".

Học giả này lại tuyên truyền tốt cho Trung Quốc. Ông cho rằng, "Trung Quốc thì khác. Trung Quốc là nước lớn có trách nhiệm, Trung Quốc sẽ không đi tuyên truyền nguy cơ/khủng hoảng, sẽ không thông qua diễn tập để làm trầm trọng hơn khủng hoảng, sẽ không sử dụng diễn tập hoặc khủng hoảng để tiến hành đột phá chính trị. Diễn tập quân sự của Trung Quốc sẽ không đe dọa đối với bên ngoài hoặc đạt mục đích chính trị gì".

Nhưng, khi chúng ta nhìn vào các cuộc diễn tập gần đây của Hải quân Trung Quốc trên các vùng biển cho thấy, mặc dù Trung Quốc tuyên bố không nhằm vào quốc gia hay đối tượng cụ thể nào, nhưng các cuộc diễn tập quân sự trên biển Hoa Đông, trên Biển Đông trong rất nhiều thời điểm nhạy cảm, với nhiều khoa mục đều có tính chất nhằm vào rõ rệt, chẳng cần nói, dư luận đều biết những cuộc diễn tập đó nhằm vào ai, đối phó với những vũ khí trang bị nào của các bên tranh chấp.

Trung Quốc tuyên truyền về cuộc diễn tập quy mô lớn mới nhất
Trung Quốc tuyên truyền về cuộc diễn tập quy mô lớn mới nhất

Điều rất rõ ràng là, trong quan điểm chính thống của Trung Quốc, phàm là chủ quyền lãnh thổ do họ tuyên bố, đòi hỏi thì đều là “lợi ích cốt lõi”, trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố họ có chủ quyền (phi pháp) đối với các hòn đảo trên Biển Đông.

Trong các chủ trương được gọi là có tính chất “hợp tác” của họ (gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác) thì họ cũng nhất quán cho rằng “chủ quyền thuộc về ta”. Dù lời nói, hành động thế nào thì ý đồ đã rõ ràng và cần đề phòng, cảnh giác.


Đông Bình