Án phúc thẩm vụ "siêu lừa" Thái Lương Trí và những yêu cầu kỳ lạ?

26/11/2013 08:36
Công Minh
(GDVN) - Trong vụ án "siêu lừa" Thái Lương Trí, việc Hội đồng xét xử phúc thẩm yêu cầu làm rõ tới 14 nội dung trong đó có những nội dung nằm ngòai bản án sơ thẩm cộng với việc vi phạm trình tự tố tụng trong quá trình đưa vụ án ra xét xử có động cơ gì? Điều đó gây thiệt hại ra sao đến các nguyên đơn?
Như giaoduc.net.vn đã thông tin về vụ án đại gia xứ Nghệ Thái Lương Trí bị truy tố về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đọat tài sản”. Sau 4 lần hoãn, vừa qua, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án. Hội đồng xét xử tuyên hủy án điều tra lại từ đầu vụ án với cả 2 tội danh. 

Tuy nhiên, nhiều yêu cầu của Hội đồng xét xử khiến những người theo dõi vụ án không khỏi khó hiểu về việc Hội đồng đã không căn cứ những chứng cứ bắt giữ tại chỗ của cơ quan điều tra, những tài liệu được thu thập theo trình tự tố tụng và cả lời khai của bị cáo phù hợp với các chứng cứ thu giữ.

Hai bị cáo Thái Lương Trí và Dương Minh Hải tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh : Tiền Phong
Hai bị cáo Thái Lương Trí và Dương Minh Hải tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh : Tiền Phong

Đối với cả 2 tội danh, Hội đồng xét xử yêu cầu làm rõ 7 vấn đề. Chúng tôi xin dừng ở một số yêu cầu khá “khó hiểu” trong tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, này để phân tích. 

Thứ nhất: Quá trình điều tra đã thu được 3 con dấu trong đó có con dấu của Công ty cổ phần Khoáng sản Lào - Việt ( L. V. M) đã sử dụng để đóng vào một số tài liệu gửi các cơ quan có thẩm quyền của Lào và Việt Nam theo các bị cáo khai và các văn bản, tài liệu do các cơ quan có thẩm quyền của Lào xác nhận là dấu thật, chữ ký thật, như vậy là mâu thuẫn với kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Bộ công an Việt Nam xác định là dấu giả. Do đó cần phải tiếp tục điều tra làm rõ con dấu mà các bị cáo đã sử dụng là dấu giả hay dấu thật ?

Đại diện luật sư của Cty CP Tập đòan Thái Dương Hà Nội cho biết: Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, trong 3 con dấu mang tên Cty CP Khoáng sản Lào - Việt thu được tại nhà Thái Lương Trí chỉ có duy nhất một con dấu có cán màu đen và mang ký hiệu L. V. M (con dấu số 1) đã được chấm mực, còn lại 2 con chưa ướt mực còn mới nguyên. Như vậy trong suốt thời gian từ tháng 3/2008 đến khi bị bắt (ngày 27/05/2009) Trí đã sử dụng 1 con dấu duy nhất là con dấu số 01 (có ký hiệu L. V. M). Cũng theo đại diện luật sư của công ty này khẳng định con dấu Trí sử dụng là con dấu giả. Vì ngày 4/3/2008 Trí đã sử dụng con dấu này đăng ký mở tài khoản số 010 01 11 900 1159 của Công ty cổ phần Khoáng sản Lào – Việt tại Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, thủ đô Viêng Chăn, Lào trong khi đó đến ngày 25/03/2008 Cục Công Thương Lào cấp Giấy phép khắc dấu chính thức số 0058, con dấu có ký hiệu L. V. M. Tại Giấy phép này yêu cầu “đề nghị tới Bộ Công an là người khắc dấu, cấp giấy phép sử dụng, quản lý và theo dõi kiểm tra việc sử dụng dấu của công ty đó đúng theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên Trí vẫn làm ngơ mà tiếp tục sử dụng giả này tại Lào: ngày 23/04/2008 ký đóng vào đơn đề nghị Cục mỏ xin cán bộ đi cắm mốc; ngày 24/04/2008 ký đóng vào đơn đề nghị xin xóa bỏ giấy phép đầu tư số 011-04 cấp ngày 18/11/2004 của Công ty Khai khoáng Oong Khăm. Hồ sơ của Cục Công thương – Bộ Công thương Lào cho thấy, ngày 17/06/2008 Cục Quản lý dân cư và Công an bản – Bộ Công an Lào cấp Giấy cấp phép khắc dấu số 1556 và con dấu cho Công ty cổ phần Khoáng sản lào – Việt.  

“Vụ án Thái Lương Trí có tới 8 lần hoãn xét xử và kéo dài tới gần 5 năm mà chưa giải quyết xong như thế là vi phạm pháp luật vì thời gian giam giữ người ta quá dài. Thứ nữa là cần phải xem xét trình độ xét xử của thẩm phán thế nào mà cứ tòa này xử thì tòa kia lại bảo hủy án đi. Cùng một hệ thống tòa án nhưng tòa sơ thẩm xử xong, tòa phúc thẩm lại đảo ngược lại 100% khiến người ta có quyền nghĩ rằng phải chăng chính tòa án tạo ra cái rào cản ấy để nảy sinh những tiêu cực. Đó là còn chưa kể những thiệt hại mà cả người dân và nhà nước phải chịu”.

 ĐBQH  Dương Trung Quốc

Thứ hai, Tòa phúc thẩm nêu hợp đồng liên doanh số 07 ngày 15/6/2006 bản tiếng Việt có chữ ký của ông Oong khăm Sivilay để bổ sung vào bộ hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài là tài liệu giả hay tài liệu thật? Kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Việt Nam xác định là dấu giả, tài liệu giả trong khi các cơ quan có thẩm quyền của Lào xác nhận là tài liệu thật, chữ ký thật, dấu thật ?

Ông Đoàn Văn Huấn khẳng định: Chủ tọa phiên Tòa phúc thẩm cho rằng: Kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Việt Nam xác định là dấu giả, tài liệu giả… là không đúng với nội dung kết luật giám định của Viện khoa học hình sự Việt Nam. Tại trang 4 và trang 5 Bản án HSST ghi: Căn cứ kết luận giám định số 2104/C21 ngày 23/09/2009 của Viện khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an Việt Nam đã xác định hợp đồng số 07 ngày 15/06/2006 (bằng tiếng Việt) được ký giả chữ ký của ông Oong Khăm Sivilay. Như hợp đồng số 07 chỉ có chữ ký ông Oong Khăm Sivilay là giả. Động cơ của Trí ký giả chữ ký ông Oong Khăm Sivilay vào hợp đồng số 07 là để sử dụng vào hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư ra nước ngoài tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. 

Thứ 3, Tòa phúc thẩm cho rằng cần đánh giá các hậu quả thực tế xảy ra từ việc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, động cơ, mục đích của các bị cáo khi làm giả con dấu nếu có là gì?

Đây là yêu cầu khiến nguyên đơn dân sự là ông Đoàn Văn Huấn và bà Chu Thị Thành bức xúc nhất. Điều đó cho thấy Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm không xem xét hồ sơ có trong vụ án gồm lời khai bị cáo Trí và Hải; lời khai bà Mai Dale; Hồ sơ Cơ quan điều tra Bộ Công an; Bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Tối cao, Hồ sơ và bản án HSST của Tòa án ND TP Hà Nội. Thậm chí, không cả xem xét đến chính đơn khởi kiện của nguyên đơn khi yêu cầu xét xử nghiêm hành vi lừa đảo, làm xiếc giấy tờ của bị cáo để chiếm đọat Cty CP Khoáng sản Lào Việt sau khi đã dùng rất nhiều biện pháp kêu gọi các cổ đông đầu tư tiền của vào đây. 

Như vậy, theo nhiều luật sư và các luật gia theo dõi vụ án này nhận định rằng: hành vi lừa đảo của Thái Lương Trí đã hòan thành thì bị ông Huấn và bà Thành phát hiện và làm đơn khởi kiện đến các cơ quan chức năng để làm rõ. Việc Hội đồng xét xử phúc thẩm yêu cầu làm rõ tới 14 nội dung trong đó có những nội dung nằm ngòai bản án sơ thẩm cộng với việc vi phạm trình tự tố tụng trong quá trình đưa vụ án ra xét xử có động cơ gì? Điều đó gây thiệt hại ra sao đến các nguyên đơn?

Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này khi có diễn biến mới./.
Công Minh