Bắt "cậu Thủy": Câu hỏi trách nhiệm với Ngân hàng chính sách xã hội?

27/11/2013 14:13
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - “Nhà tâm linh” Nguyễn Thanh Thúy (Cậu Thủy) cùng vợ là Mẫn Thị Duyên đã bị bắt và bị khởi tố về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Là đơn vị đứng sau chi trả tiền cho cậu Thủy, dư luận cả nước vẫn đang đặt câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị này trước những sai phạm của "cậu Thủy"...

Bị bắt vì giả làm hài cốt liệt sỹ, trục lợi gần 8 tỉ đồng

Chương trình Trở về từ ký ức do VTV thực hiện thực sự là cú đòn đau đớn “giáng” xuống nhiều nhà ngoại cảm. Trong số đó nổi bật lên nhà “nhà tâm linh” Nguyễn Thanh Thúy (cậu Thủy), "nhà ngoại cảm" Vũ Thị Hòa của Đoàn tâm đức Yên Bái.

“Cậu Thủy” (áo trắng) khi bị bắt - Ảnh: Bình Thanh (Thanh niên)
“Cậu Thủy” (áo trắng) khi bị bắt - Ảnh: Bình Thanh (Thanh niên)

Nhà tâm linh Nguyễn Thanh Thúy được nhắc đến nhiều hơn cả. Người này được cho là đã lợi dụng sự tin tưởng của các gia đình liệt sỹ, cộng thêm sự “yểm trợ” về tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) để kiếm hàng tỉ đồng thông qua việc lừa đảo, giả làm hài cốt liệt sỹ.

Theo đó, mỗi một bộ hài cốt tìm được, Nguyễn Thanh Thúy được NHCSXH chỉ trả 75 triệu đồng. Qua nhiều năm, tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, cậu Thủy cùng vợ là Mẫn Thị Duyên đã tìm được một khối lượng hài cốt khổng lồ, thu về 7,9 tỉ đồng. Những bộ hài cốt đó sau này được chứng minh đều không phải của liệt sỹ mà đều là xương động vật.

Sau nhiều vụ làm giả hài cốt liệt sỹ trót lọt, cuối cùng sự thật cũng bị phơi bày ra ánh sáng. Qua phóng sự dài kỳ của VTV, tố cáo hành vi lừa đảo của cậu Thủy và những người liên quan. Ngày 28-10, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị có sự chứng kiến của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an và Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh, đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Thúy (tức Cậu Thủy, sinh 1-5-1959) và Mẫn Thị Duyên (sinh ngày 28-4-1962) cùng trú ở thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Tiếp đó, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị thực hiện lệnh khám xét nơi ở của Thúy và Duyên. Hai bị can bị cơ quan an ninh điều tra di lý về tỉnh Quảng Trị để thực hiện công tác điều tra.

Từng hành nghề lấy vàng giả,  đổi vàng thật?

Theo Báo Người đưa Tin, trước đây, Nguyễn Thanh Thúy đã từng công tác trong ngành công an, nhưng do vi phạm kỷ luật nên đã bị tước quân tịch, đuổi khỏi ngành. Trước khi về chung sống với Mẫn Thị Duyên từ năm 1995 ở thôn Trác Bút, Thúy đã từng có vợ con. Bản thân Duyên cũng đã có con riêng. Hai người tuy chung sống với nhau nhiều năm nhưng không có con chung. Trong quá trình chung sống, hai đối tượng cùng hành nghề thầy cúng và tìm mộ thất lạc. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu tiên bước chân vào "nghề", hai đối tượng đã có nhiều thủ đoạn lừa đảo như lấy vàng giả đổi vàng thật của khách hàng đến đây cúng bái.

Vì có những hành vi lừa đảo trắng trợn, năm 1996, Thúy và Duyên bị công an tỉnh Bắc Ninh bắt vì tội lừa đảo, chiếm dụng tài sản và tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép. Với các tội danh này, Thúy bị kết án 10 năm tù giam, Duyên 12 năm tù giam. Năm 2005, sau khi ra tù, Thúy tiếp tục hành nghề tìm mồ mả và bắt đầu nhận tìm mộ liệt sỹ. Thúy thường tự nhận mình là "nhà tâm linh" với biệt danh tự xưng là "cậu Thủy".

Không biết Thúy và Duyên đã bày trò lừa đảo tìm mộ ở những đâu chứ người dân xóm Trác Bút không mấy người tin là hai người này có khả năng đó. Với họ, vợ chồng nhà Thúy - Duyên chỉ là những người bày trò cúng bái, mê tín dị đoan. Bởi thực tế, trong những năm 90, hoạt động mê tín, lừa đảo của vợ chồng Duyên - Thúy đã bị phát giác và vì hành vi này mà cả hai đã phải ngồi "bóc lịch" trong nhiều năm.

Cậu Thủy bị bắt, Ngân hàng Chính sách xã hội có liên quan gì?

Vụ cậu Thủy nổi như cồn không chỉ bởi hành vi táng tận lương tâm, giả làm hài cốt liệt sỹ để thu lợi. Dư luận còn đặc biệt chú ý khi đứng sau những vụ lừa đảo đó là “hậu thuẫn” từ Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam. Số tiền để chi trả cho những lần tìm hài cốt của của Thủy đều được ngân hàng này đứng ra thanh toán.

Ông Nguyễn Hoàng Phương (phải) - Phó chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội, lý giải về việc hợp tác với "nhà ngoại cảm" Nguyễn Thanh Thúy để tìm hài cốt được cho là hài cốt liệt sĩ (Ảnh: Thanh Niên)
Ông Nguyễn Hoàng Phương (phải) - Phó chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội, lý giải về việc hợp tác với "nhà ngoại cảm" Nguyễn Thanh Thúy để tìm hài cốt được cho là hài cốt liệt sĩ 
(Ảnh: Thanh Niên)

Về nguyên nhân vì sao Ngân hàng lại nhờ cậu Thủy tìm hài cốt. Trả lời trên Báo Thanh Niên, Lãnh đạo Công đoàn NHCSXH cho biết, trước đây, thông qua một số người giới thiệu, bà Phan Thị Thuộc - lúc đó là quyền Chủ tịch Công đoàn NHCSXH - đến gặp ông Nguyễn Thanh Thúy đặt vấn đề phối hợp tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ.

Sau đó, hai bên đã ký thỏa thuận thống nhất, Công đoàn NHCSXH sẽ trả 75 triệu đồng/mỗi bộ hài cốt liệt sĩ (HCLS) mà ông Thúy tìm được.

Theo ông Phương - Phó chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội, số tiền thuê ông Thúy được bàn bạc và thống nhất trong Ban chấp hành Công đoàn của NHCSXH, được cơ quan đồng ý. Ông Phương cho hay, trong chương trình của Công đoàn NHCSXH, ông Thúy đã tìm được hơn 100 bộ HCLS.

Khi bỏ tiền, rất nhiều tiền, thuê người khác làm việc thì đương nhiên phải nắm được hiệu quả. Nhưng không hiểu vì sao, Công đoàn NHCSXH đã dễ dàng bỏ một số tiền rất lớn nhưng không biết được kết quả như thế nào!

Công đoàn NHCSXH thuê ông Thúy tìm HCLS, thì phải biết được chính xác những bộ hài cốt tìm được thực sự là HCLS thì mới trả tiền. Đằng này, họ chưa biết đó có phải là HCLS hay không vẫn trả đủ tiền, lên tới khoảng 8 tỉ đồng.

Sự dễ dãi thái quá này khiến mọi người không thể không đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa “nhà tâm linh" Nguyễn Thanh Thúy và Công đoàn NHCSXH. 

Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội thực chất là 1 quỹ của Nhà nước lập ra để hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo, sinh viên học sinh. Ngân hàng này không kinh doanh, không vì lợi nhuận. Sau 10 năm thành lập, tổng vốn là 127.498 tỉ đồng, tổng dư nợ 118.385 tỉ đồng, cho vay trên 21,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.

NHCSXH đã có sự chuẩn bị một cách bài bản với các công văn liên tục để tổ chức quy tập HCLS số lượng lớn trong thời gian rất ngắn. 

Ngày 10.1.2013, Công đoàn NHCSXH ra quyết định số 15 thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình: “Tìm kiếm, quy tập HCLS”.

Sự việc được vỡ lở khi VTV cùng các cơ quan chức năng, các sở, đặc biệt là BCHQS, đội quy tập các tỉnh đã phán ánh trực tiếp đến người đại diện của NHCSXH về những những dấu hiệu sự dàn dựng, làm giả HCLS. Thế nhưng cuối cùng mọi việc vẫn diễn ra êm đẹp!

Việc tìm kiếm, quy tập HCLS được quy định rất rõ ràng. Năm 2011, Bộ Quốc phòng cũng như Bộ LĐ-TB-XH đều có các công văn, chỉ thị tới các cơ quan đơn vị toàn ngành và toàn quân, không cho phép sử dụng ngoại cảm như một biện pháp tìm kiếm và xác định danh tính liệt sĩ.

Nghị định 31/2013 của Chính phủ cũng phân định rõ vai trò tìm kiếm quy tập HCLS thuộc về Quân đội. Các đoàn thể, cơ quan, cá nhân có thể tham gia cung cấp thông tin, nhưng không có vai trò quy tập.

Quyết định số 1237 của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ việc xác định danh tính liệt sĩ khuyết thông tin do Bộ LĐ-TB-XH quản lý và việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ do Quân đội thực hiện. Việc NHCSXH tự tổ chức khai quật rầm rộ bằng lực lượng của mình là việc làm trái phép.

Cậu Thủy cùng vợ là Mẫn Thị Duyên đã bị bắt và bị khởi tố về hành vi lừa đảo, giả làm hài cốt liệt sỹ để chiếm đoạt tài sản. Là đơn vị đứng sau “hậu thuẫn” cho hành vi lừa đảo này nhưng sau hơn 1 tháng kể từ ngày cậu Thủy bị bắt, dư luận cả nước vẫn đang đặt câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị này trước những sai phạm của "cậu Thủy"./.

VIẾT CƯỜNG