Giáo sư Brahma Chellney |
The Japan Times ngày 3/12 đăng bài phân tích của Giáo sư Brahma Chellaney từ Trung tâm Chiến lược New Delhi nhận xét, các chiến thuật và thủ đoạn Trung Quốc đang áp dụng nhằm bành trướng lãnh thổ ở Hoa Đông, Biển Đông và biên giới Trung - Ấn không chỉ khiến các đối thủ mất thăng bằng mà còn cắt đứt mối liên hệ bảo đảm an ninh giữa Mỹ với các đồng minh cũng như giá trị của việc xây dựng đối tác chiến lược của Mỹ ở châu Á. Trong thực tế, với thủ đoạn "ngụy trang" các hành vi phạm luật dưới vỏ bọc những hoạt động phòng thủ, Trung Quốc đã quẳng đi gánh nặng bắt đầu một cuộc chiến tranh trong khi tìm cách đặt từng viên gạch nền tảng cho tham vọng bá quyền. Tuyên bố của giới lãnh đạo Bắc Kinh "cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình", thực tế theo Giáo sư Brahma Chellaney chỉ có nghĩa là đạt được một lợi thế đủ mạnh để có được cái họ muốn mà không phải tốn một phát đạn nào. Sau khi gây một loạt những căng thẳng trên Biển Đông nơi Bắc Kinh "yêu sách chủ quyền" đến hơn 80% diện tích, Trung Quốc lại vừa đơn phương tuyên bố thiết lập khu nhận diện phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông, làm gia tăng nguy cơ xung đột vũ trang với Nhật Bản, đe dọa các nguyên tắc tự do hàng hải, hàng không ở Hoa Đông, ngoài ra còn "lén lút gặm nhấm" lãnh thổ Ấn Độ ở biên giới dãy Himalaya. Ít người có thể hiểu được logic thực sự đằng sau việc Trung Quốc gây sự với một số nước láng giềng cùng một lúc. Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi hiện trạng dần dần như một phần nỗ lực kiểm soát (bất hợp pháp) các chiến lược và nguồn lực của khu vực.
"Giấc mơ Trung Quốc" hay "phục hưng Trung Hoa" là khẩu hiệu được ông Tập Cận Bình đưa ra, nhưng dường như nó luôn gắn liền với các hoạt động bành trướng sức mạnh quân sự và tìm cách thay đổi hiện trạng các vùng lãnh thổ láng giềng mà Trung Quốc "yêu sách chủ quyền". |
Lời kêu gọi "phục hưng Trung Hoa" với khẩu hiệu "giấc mơ Trung Quốc" của Tập Cận Bình được gắn liền với tham vọng bá chủ khu vực. Cách tiếp cận của Bắc Kinh đã phản ánh những gì Trương Triệu Trung, một học giả đeo lon Thiếu tướng quân đội Trung Quốc từng đặt tên là "chiến thuật cải bắp". Thủ đoạn này dựa trên sự thúc đẩy một cách ổn định các bước để đánh lừa đối thủ và tạo ra những sự kiện mới ngoài thực địa. Cách tiếp cận đó giới hạn lựa chọn các quốc gia đối thủ bằng cách gây rối họ, khiến họ khó khăn để đưa ra các biện pháp chống trả tương xứng. Đặc điểm nổi bật trong thủ đoạn của Trung Quốc là bất ngờ, "tàng hình", coi thường nguy cơ leo thang quân sự và luôn đưa ra "sáng kiến" cuối cùng (để tìm kiếm một thỏa hiệp chính trị có lợi cho Bắc Kinh). Mô hình chiến thuật của Trung Quốc đã trở nên quá quen thuộc, Brahma Chellaney đánh giá. Nó bao gồm tạo ra một tranh chấp bắt đầu với một tuyên bố về quyền tài phán thông qua xâm nhập định kỳ (các khu vực Bắc Kinh định chiếm đoạt, hoặc biến tình trạng từ không tranh chấp thành có tranh chấp) tiến tới tăng dần tần suất và thời gian xâm nhập, từ đó thiết lập một sự hiện diện quân sự hoặc gây sức ép với đối phương để thỏa thuận các điều khoản Bắc Kinh đưa ra. Người Trung Quốc luôn lý luận theo kiểu, "những gì của chúng tôi là của chúng tôi, những gì là của bạn chúng ta có thể thương lượng", Barhma Chellaney nhận xét. Ví dụ điển hình là vấn đề Senkaku, Bắc Kinh sẽ không đối thoại với Tokyo trừ phi Nhật Bản thừa nhận "có tranh chấp" ở nhóm đảo này.
Trung Quốc tìm cách thay đổi hiện trạng bằng chiến thuật "cải bắp", từ việc xâm nhập lãnh hải và không phận Senkaku do Nhật Bản quản lý tới đơn phương áp đặt ADIZ Hoa Đông. |
Nhưng cái gọi là tranh chấp ở đây lại chỉ vì Trung Quốc đã thành công trong việc thay đổi hiện trạng những năm gần đây bằng cách thường xuyên, liên tục xâm nhập vào vùng lãnh hải và không phận Nhật Bản ở nhóm đảo này. Sau khi liên tục tăng tần suất các cuộc xâm nhập khu vực Senkaku từ sau tháng 9/2012, gần đây Trung Quốc bắt đầu tăng thời gian xâm nhập. Việc tuyên bố áp đặt ADIZ ở Hoa Đông lại là một lớp lá "cải bắp" mới nhất của Trung Quốc, một nỗ lực gây mất ổn định hòng thay đổi hiện trạng an ninh khu vực, trong đó không chỉ Nhật Bản mà Hàn Quốc cũng bị xâm hại. Thủ đoạn của Trung Quốc đã có nhiều thành công mà không gây ra những rủi ro nghiêm trọng, Barham Chellaney nhận xét, đầu tiên là chiếm quyền kiểm soát Scarborough từ Philippines năm ngoái, nhảy vào nằm lỳ (bất hợp pháp) ở bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) đầu năm nay. Trung Quốc không chủ đích kiểm soát (bất hợp pháp) chỉ một vài bãi ngầm, bãi cạn hay một đảo nhỏ ở Biển Đông mà tìm cách thống trị toàn Biển Đông, tuyến hàng hải chiến lược với nguồn tài nguyên dồi dào ở đáy biển. Trong khi tìm cách mở rộng từng bước sự hiện diện quân sự (bất hợp pháp) trong gần như toàn bộ Biển Đông, mục tiêu của Bắc Kinh ở Hoa Đông là phá vỡ chuỗi đảo thứ nhất. Và để thực hiện âm mưu này, Trung Quốc sẽ rất thận trọng không để bất kỳ hành động kịch tính nào trở nên mất kiểm soát.
- "Tập Cận Bình đã họp Quân ủy TƯ quyết áp ADIZ ở Hoa Đông, Biển Đông"
- "Hoa Đông chỉ là kế nghi binh, Biển Đông mới thực sự phiền phức"
- "Hoa Đông sớm muộn sẽ lặp lại vụ máy bay đâm nhau như ở Biển Đông"
- Cảnh sát Bangkok rút lui, người biểu tình chiếm Phủ Thủ tướng
- Đại sứ Trung Quốc: Lập thêm ADIZ (ở Biển Đông) là quyền của Bắc Kinh?!
- TQ bắt đầu dùng chiêu khảo cổ, xác tàu yêu sách "chủ quyền" Biển Đông
- "Chẳng có chiến đấu cơ Trung Quốc nào rượt theo máy bay Nhật Bản"
- Putin ký lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên
- Thủ tướng Syria thăm Iran, tuyên bố phe Assad đã thắng quân nổi dậy
- Các nước ASEAN chưa lên tiếng về ADIZ Trung Quốc đơn phương áp đặt
Hồng Thủy (Nguồn: Japan Times)