Ngày càng nhiều người vô cảm, tàn nhẫn đang tạo ra một xã hội bất an

07/12/2013 08:20
VIẾT CƯỜNG - NGÔ MINH
(GDVN) - Đại biểu QH Huỳnh Minh Thiện (TP HCM) đã phát biểu tại quốc hội: “Tội phạm giết người ngày càng man rợ, diễn ra trong gia đình, sẵn sàng giết người thân, người trong cộng đồng, từ đó tạo thành một xã hội bất an".

Có lẽ chưa bao giờ đạo đức xã hội xuống cấp như hiện nay. Hằng ngày đọc báo, xem tivi chúng ta đều nghe thấy ở nơi này, chỗ kia có cướp bóc, hiếp dâm rồi thì con giết bố, cháu giết bà, giết người yêu, giết bạn bè đồng nghiệp…

Mới đây Báo Giáo dục Việt Nam đã có một số bài viết đề cập đến một vụ hành hung người dã man trên đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội). Theo đó, một thanh niên dù đã nằm bất động, không còn khả năng kháng cự nhưng vẫn bị nhóm người ăn mặc lịch sự đập gạch vào đầu và đá liên tục xuống mặt, thân thể.

Thêm việc nữa, ngày 4/12 tại Đồng Nai. Khi một xe chở bia gặp nạn đổ ra đường, ngay lập tức có hàng trăm người dân ập đến lấy đi hàng ngàn thùng bia trước sự gào khóc, van xin bất lực của tài xế. Rồi còn nhiều, rất nhiều vụ việc khác tương tự như trên mà chúng tôi chưa điểm ra đây... Tất cả đang réo lên hồi chuông về đạo đức của người dân trước tại họa của người khác.

Người Việt trước kia vẫn được coi là hiền lành, thật thà và đoàn kết, vậy nguyên nhân nào khiến cho ngày càng có nhiều người đã trở nên vô cảm và tàn nhẫn? 

Thảo luận ở tổ ngày 24/10/2013 về kinh tế - xã hội, các ĐBQH đặc biệt lo lắng tình trạng suy thoái đạo đức xã hội. Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an (ĐBQH Hà Nội) cho biết, tác động của suy thoái kinh tế đối với vấn đề an ninh hiện đang phức tạp.

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an: Tác động của suy thoái kinh tế đối với vấn đề an ninh hiện đang phức tạp.
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an: Tác động của suy thoái kinh tế đối với vấn đề an ninh hiện đang phức tạp.

Đại biểu QH Huỳnh Minh Thiện (TP HCM) đã từng phát biểu trước Quốc hội đã nêu rõ: “Tội phạm giết người ngày càng man rợ, diễn ra trong gia đình, sẵn sàng giết người thân, người trong cộng đồng, từ đó tạo thành một xã hội bất an.

Từ đây, ông chỉ rõ mối nguy do suy thoái đạo đức gây ra: “Chúng ta có thể vực dậy kinh tế suy thoái trong 3 năm hoặc 5 năm nhưng vực dậy suy thoái đạo đức xã hội chắc phải mất cả một thế hệ”.

Theo ông, nguyên nhân không chỉ là sự giáo dục, tuyên truyền mà một phần từ kỷ cương, phép nước chưa nghiêm.

Cũng nói về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: “Lòng dân bây giờ bất ổn trên nhiều góc độ. Những cái không công bằng, không minh bạch trong chính sách làm cho người dân không tin tưởng”.

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự băng hoại trên. Nhưng theo tôi, nguyên nhân sâu xa, cốt lõi nhất là giáo dục", nhà thơ Ngô Minh nhận định.


Tôi đã đọc kỹ Đề án: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” của Bộ Giáo dục trình Hội nghị TW 8 mới đây.

Đề án được nhiều người cho là sẽ “rung chuyển thầy-trò-phụ huynh”, nội dung là đổi mới chương trình – sách giáo khoa, việc kiểm tra, đánh giá, thi cử cũng thay đổi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ gọn nhẹ hơn và có thể lấy làm căn cứ để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh.

Tôi rất đồng tình với mục tiêu giáo dục: “Xác định mục tiêu giáo dục con người vừa đáp ứng yêu cầu xã hội vừa phát triển cao nhất tiềm năng của mỗi cá nhân. Phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ thay vì chỉ chú trọng trang bị kiến thức; kết hợp hài hòa dạy người, dạy chữ và dạy nghề…”

Tôi cũng đã đọc kỹ 6 khuyết điểm của nền giáo dục hiện nay. Ngẫm nghĩ, tôi thấy rằng, Đề án cải cách giáo dục này chưa thực sự “căn bản, toàn diện” lắm. “Đổi mới chương trình – sách giáo khoa, việc kiểm tra, đánh giá, thi cử” chỉ là cái ngọn. Cái gốc của nó là triết lý giáo dục.

Đơn cử trong việc giáo dục trẻ em thì không giáo dục trẻ “yêu cha mẹ, ông bà, tiên tổ, bà con, làng quê chòm xóm”, mà chỉ chung chung “Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt lao động tốt…”. Trong khi đó, đạo đức là một nhân tố quan trọng của nhân cách và được xem là khái niệm luân thường đạo lý, lương tâm con người, nó thuộc về vấn đề đánh giá tốt/xấu, đúng/sai, lành/ác, hiền/dữ, v.v. thì các em ít được học, ít được tham quan, hiểu biết để ngấm vào máu thịt, đời sống riêng mình.

Chúng ta in sách về đạo đức và lối sống. Rất tốt. Nhưng học thuộc lòng sách đạo đức liệu có trở thành người có đạo đức? Học vẹt thì nhớ kiểu vẹt, ăn theo nói leo, nhưng dễ làm như…mèo mửa.

Anh Trường bị nhóm thanh niên đánh dã man, nằm gục ngay trên đường (Ảnh cắt từ clip)
Anh Trường bị nhóm thanh niên đánh dã man, nằm gục ngay trên đường (Ảnh cắt từ clip)

Trên cổng trường có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, và giờ học đạo đức hẳn hoi. Trường bắt mặc đồng phục và quản lý bằng mệnh lệnh. Vào lớp, thầy giáo dập thước kẻ và hô “học sinh”, ở dưới đồng thanh “ngoan”, nhưng ra đường lại văng tục chửi thề. Hoặc cô giáo tiếp “Học sinh im”, chúng hô vang “lặng”, sau đó lớp học tiếp tục như cái chợ vỡ. Trước khi vào lớp cũng xếp hàng ngay ngắn, nhưng ra cuộc đời, chẳng đứa nào chịu xếp hàng mua kem.

Đó là kết quả thường thấy của tư duy “tiên học lễ” theo khuôn phép có sẵn mà đứa trẻ phải đi vào nề nếp “thước lim” hay “phạt tường” trong khi môi trường bên ngoài trái ngược với những điều đã học về lễ nghĩa.

Trong “quốc sách” giáo dục, đội ngũ giáo viên là vô cùng quan trọng. Hiện nay chuyện thầy giáo dạy thêm, học thêm để làm giàu tràn lan, ăn “quà phụ huynh” trắng trợn… đã làm cho hình ảnh thầy cô giáo đang xấu dần đi trong con mắt học sinh và người đời.

Có thể nói rằng, hình ảnh của thầy cô giáo ở bậc tiểu học là hình ảnh khó phai mờ trong tâm trí học sinh. Điều này xuất phát từ sự chuẩn mực của thầy cô giáo tiểu học. Hiện tại, sự chuẩn mực của thầy cô giáo tiểu học được thể hiện rõ trong chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học. Mỗi nhà trường cần phải quán triệt đến tận thầy cô giáo để mỗi người giáo viên thật sự là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Quay trở lại chuyện xuống cấp của đạo đức. Biểu hiện của tình trạng vô đạo này là tỷ lệ người phạm tội trong xã hội đang gia tăng nghiêm trọng, tội phạm trẻ hóa nhanh chóng (trước khoảng 16 tuổi nhưng nay thậm chí có đối tượng 13 tuổi đã phạm tội nặng).

Xã hội đang không bình yên hàng ngày, hàng giờ. Mới đây là vụ chủ thẩm mỹ viện Cát Tường ném xác khách hàng xuống sông Hồng cho thấy vấn đề suy thoái, tha hóa đạo đức xã hội đã đến tột cùng, bởi một con người được đào tạo, làm việc trong một môi trường của lòng nhân ái mà lại có hành vi vô nhân tính như thế, thật đáng báo động.

Aristotle, một triết gia vĩ đại của phương Tây cách đây gần 2500 năm để nói về tầm quan trọng của luật pháp:  “Con người, khi hoàn thiện, là loài động vật tiến bộ nhất. Nhưng khi tách rời khỏi luật pháp và công lý lại trở thành loài động vật xấu xa nhất”.

Từ những phân tích trên, chúng tôi đề nghị cải cách giáo dục hiện nay phải là một cuộc cách mạng ý thức hệ thực sự. Trước hết là phải thay đổi triết lý giáo dục từ phiến diện, nhồi sọ đến dạy các em học những điều thiết thực nhất, có ích nhất, như các nước tiến tiến đang làm. Nước ta phải thay đổi tận gốc triết lý giáo dục như nhà văn Nguyên Ngọc đề nghị hay phải cắt mấy “khối u giáo dục” như giáo sư Hoàng Tụy đưa ra.

Giáo dục nhằm tạo ra con người độc lập suy nghĩ chứ không phải cỗ máy học thuộc lòng từ sách giáo khoa tuyên truyền. Khả năng tự học chính là nguồn gốc thành công của phát triển nhân cách. Học làm người biết yếu thương, trách nhiệm, có suy nghĩ độc lập là mục đích tối thượng của giáo dục.

VIẾT CƯỜNG - NGÔ MINH