TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến:

"Chỉ có GD đại học có vấn đề, GD phổ thông đã có những bước tiến tốt"

06/12/2013 07:29
Xuân Trung
(GDVN) - TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Tôi chỉ thấy giáo dục đại học có vấn đề, còn giáo dục phổ thông đã có những bước tiến tốt. Tôi vẫn thường nói phải đặt giáo dục trong điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, chúng ta vẫn là nước thu nhập thấp, vừa mới thoát khỏi điều này mà đạt được nền giáo dục như hiện nay cả về quy mô và chất lượng thì đó là điều thành công.
Viết tiếp câu chuyện Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), nhiều nhà chuyên môn cho rằng ở khía cạnh nào đó đây là điều đáng mừng, tuy nhiên nếu bao quát  hết thì vẫn còn những điều đáng lo…

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vào sáng nay (5/12), GS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, ngay khi nhận được thông học sinh Việt Nam vượt trội trên bảng xếp hạng năng lực, phản ứng đầu tiên cá nhân ông là vui mừng.

GS. Đinh Quang Báo: "Tôi không nghĩ là học sinh ở nước mình lại được xếp hạng cao như thế"

Khi chúng ta tham gia đánh giá của PISA thì CHLB Đức là nước sáng tạo ra PISA nhưng cuối cùng không lại một số nước khác, thua mấy nước Bắc Âu, và người ta tìm nguyên nhân vì sao?

Cũng theo đó, phải chăng chúng ta không phân luồng sớm, học liền một mạch từ mẫu giáo tới lớp 9, nên tri thức đại cương bậc cơ sở trọn vẹn hơn. Nếu chúng ta phân luồng sớm thì có lẽ kết quả đã khác.

Nếu đánh giá của PISA Việt Nam đứng tốp đầu tôi cho là đáng mừng, vì PISA được rất nhiều nước đánh giá là chuẩn, chuẩn ở mọi khía cạnh năng lực của học sinh khi học sinh ở bậc học giáo dục cơ bản. 

GS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
GS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.


PV: Nhưng kết quả này chỉ phản ánh năng lực ở Toán học, Khoa học và Đọc hiểu, học sinh chúng ta vẫn thua về các kĩ năng mềm thưa GS?

GS. Đinh Quang Báo: Bản chất của đánh giá PISA là từ đào tạo tích hợp, học trò học khoa học cơ bản phải biết vận dụng giải quyết các vấn đề của nhận thức và đời sống. Nên khi học toán không phải là giải bài tập toán theo nghĩa vận dụng định lí để cuối cùng là toán, đây là giải bài toán để thấy được vấn đề mà trong nhận thức gặp phải. PISA giải toán không chỉ để nắm vững một định lí, mà giải toán là dùng định lí ấy để giải quyết vấn đề mà học sinh gặp phải trong đời sống.

Nếu như vậy là điều đáng mừng, vì trong chương trình phổ thông sắp tới sẽ hình thành năng lực, năng lực là khả năng vận dụng những kiến thức khác nhau để giải quyết các vấn đề của đời sống hoặc thực tiễn.

Cũng có ý kiến khác là do Việt Nam có nhiều tỉ lệ học sinh vượt khó, ý kiến này cũng là một nguyên nhân. Tôi vui vì điều đó, phản ứng đầu tiên là tôi không nghĩ tới điều đó. 

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến: Chỉ có giáo dục đại học có vấn đề, giáo dục phổ thông đã có những bước tiến tốt


TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Tôi chỉ thấy giáo dục đại học có vấn đề, còn giáo dục phổ thông đã có những bước tiến tốt. Tôi vẫn thường nói phải đặt giáo dục trong điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, chúng ta vẫn là nước thu nhập thấp, vừa mới thoát khỏi điều này mà đạt được nền giáo dục như hiện nay cả về quy mô và chất lượng thì đó là điều thành công. Kết quả của PISA làm tôi không ngạc nhiên, con cháu chúng ta hiện nay giỏi hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều. 

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến trao đổi với phóng viên. Ảnh Xuân Trung
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến trao đổi với phóng viên. Ảnh Xuân Trung

Nhiều người lấy những vị rất đặc biệt để đối chiếu với học sinh hiện nay là không nên, tôi không ngạc nhiên về kết quả này. 

Đúng là giáo dục của chúng ta là có vấn đề, nhưng cái chính đằng sau đó là giáo dục đại học, chúng ta ép học sinh học quá nhiều ở giáo dục phổ thông và buông lỏng quản lí giáo dục đại học. Học sinh bỏ quá nhiều công sức cho giáo dục phổ thông lên tới đại học là kém, coi như đuối sức. Giáo dục ví như một chặng đường dài, nếu bỏ sức quá nhiều cho chặng đường đầu tiên thì không có sức tới chặng thứ hai, chúng ta đang ở vào tình thế đó, học sinh không nỗ lực và kết quả đào tạo giáo dục đại học của chúng ta có vấn đề, thể hiện năng lực sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về kinh tế. 

Theo ông, giáo dục phổ thông của chúng ta có khác gì so với các nước trong cách tiếp cận vấn đề?

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến: Học sinh của chúng ta có ưu điểm chăm học hơn các nước khác, học sinh phổ thông của ta sang các nước bắt kịp nhanh với môi trường và bật được lên ngay, kể cả những học sinh không đỗ đại học ở Việt Nam. Học sinh Việt Nam nói gì thì nói được một đội ngũ giáo viên truyền thụ có chất lượng, còn cái yếu của học sinh là kĩ năng sống có vấn đề, tôi nghĩ sẽ được khắc phục trong lần đổi mới tới.

Nói như ông không bất ngờ về điều này, vậy cần gì chúng ta phải tham gia một kỳ đánh giá như thế, vừa tốn tiền, vừa tốn sức?

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến: Không bất ngờ là không bất ngờ với tôi, còn đối với nhiều người là bất ngờ. Sở dĩ bất ngờ vì đánh giá giáo dục Việt Nam từ trước là theo cảm  tính, không dựa vào thước đo nào cả. Nhiều khi bị một số người nói giáo dục xấu xa và chúng ta lại chịu tác động này ảnh hưởng tới tâm lí, và trở thành một dư luận là giáo dục Việt Nam kém. Điều đó dẫn tới bất ngờ với mọi người và tâm lí những người trong ngành giáo dục trở nên hoang mang, cho nên chúng tôi đề nghị: Đưa giáo dục Việt Nam vào phép đo quốc tế, để thấy được giáo dục của chúng ta đang ở chỗ nào, PISA rất quan trọng trong việc chấn chỉnh lại tư duy của xã hội là giáo dục Việt Nam không đến nỗi như ta vẫn thường nghĩ.

Kết quả này là bước đầu để cho chúng ta tiếp tục phấn đấu được tốt hơn, tiếp tục tham gia đánh giá quốc tế để tác động vào niềm tin của dư luận.

Theo kết quả đánh giá thì học sinh phổ thông Việt Nam ở một số năng lực hơn hẳn so với học sinh các nước phát triển, theo ông công cuộc đổi mới toàn diện, chữ “Toàn diện” ở đây có cần thiết không?

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến: Chữ toàn diện vẫn rất cần, bởi lẽ chất lượng của một nền giáo dục không phụ thuộc vào một yếu tố nào, ví như năm 2000 chúng ta chỉ quan niệm đổi mới chất lượng giáo dục phổ thông, thì đó là đổi mới theo phiến diện, còn muốn nâng cao chất lượng thì phải  giải quyết toàn diện hệ thống từ chương trình, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí, cơ chế tài chính…

Theo ông, vấn đề nào hiện nay cần ưu tiên hàng đầu trong việc đổi mới?

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến: Hai vấn đề quan trọng nhất cần ưu tiên là đội ngũ giáo viên và quản lí giáo dục, nhưng điều đó không có nghĩa  giáo dục đại học không quan tâm. Vừa qua chúng ta ban hành Luật Giáo dục đại học đó là sự quan tâm để làm hàng lang pháp lí tốt cho giáo dục đại học phát triển.

Dư luận đang hiểu Đổi mới giáo dục là đổi mới giáo dục phổ thông là chủ yếu, thậm chí trong Đề án đổi mới của Bộ GD&ĐT cũng  hạn chế nói về giáo dục đại học?

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến: Không có chuyện đó, phải chuyển hệ thống giáo dục thành hệ thống giáo dục mở, bao gồm cả phổ thông, đại học…, làm sao cho người học ít rào cản hơn, đó là quan niệm mới.

Nhưng dường như các hoạt động của Bộ GD&ĐT vẫn tập trung quá mạnh vào đổi mới giáo dục sau 2015, tôi nghĩ sắp tới cũng phải triển khai đào tạo giáo viên như thế nào, tập trung đổi mới quản lí, tự chủ đại học…, chắc chắn phải làm.

Xin cảm ơn ông!
Xuân Trung