Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bắc Kinh. |
Reuters đưa tin, hôm nay 5/12 khi nói chuyện với khoảng 60 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, Phó Tổng thống Joe Biden tuyên bố: "Thông báo bất ngờ gần đây của Trung Quốc về việc thành lập khu nhận diện phòng không (ADIZ) rõ ràng đang gây lo ngại đáng kể trong khu vực." "Và tôi đã rất thẳng thắn trong bày tỏ quan điểm chắc chắn và mong đợi của Mỹ trong khi hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình", Phó Tổng thống Mỹ cho biết, trong khi cả ông và Tập Cận Bình đều không công khai nhắc tới ADIZ Hoa Đông trong cuộc họp báo sau hội đàm. Joe Biden dường như có ý định tránh phản ứng thái quá để tránh các hành động khiêu khích của Trung Quốc, ít nhất là bây giờ, và nhân cơ hội này để thúc giục Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc nỗ lực lớn hơn nữa để tạo sự tin tưởng lẫn nhau, tờ Asahi Shimbun ngày 5/12 nhận xét. Tình hình an ninh ở Hoa Đông đang rất phức tạp, bình tĩnh suy nghĩ và hành động chu đáo là việc cần thiết để đảm bảo ổn định lâu dài trong khu vực. Trọng tâm hiện nay của vấn đề an ninh khu vực Đông Á là ADIZ Hoa Đông, bao trùm lên cả nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát và đè lên một phần lãnh thổ Hàn Quốc. Seoul dường như đang bị kích động bởi các hành động đơn phương của Trung Quốc và tìm cách mở rộng ADIZ của riêng mình. Sự gia tăng căng thẳng này đều bất lợi và gia tăng rủi ro, nguy hiểm cho các bên liên quan.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chia sẻ mối quan ngại về ADIZ Bắc Kinh đơn phương tuyên bố áp đặt ở Hoa Đông, nhưng không công khai kêu gọi Trung Quốc hủy bỏ toàn bộ. |
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden xuất hiện để tìm cách xoay chuyển tình hình và ngăn chặn vòng xoáy luẩn quẩn. Khi hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe tại Tokyo, 2 ông tái khẳng định mối quan tâm, chia sẻ quan điểm của họ về động thái của Trung Quốc, nhưng họ không đi quá xa như việc công khai kêu gọi Bắc Kinh hủy bỏ toàn bộ ADIZ của mình. Mỹ cũng đã cho phép các hãng hàng không dân sự nộp kế hoạch bay cho Bắc Kinh trước khi qua Hoa Đông. Đó là những sự khác biệt tinh tế trong phản ứng của Washington và Tokyo với bắc Kinh. Asahi Shimbun nhận xét, Nhật Bản sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nếu hành động bình tĩnh cùng với Washington. Tokyo không thể hy vọng chấm dứt tình trạng gây nhiều tranh cãi này chỉ đơn giản bằng cách theo đuổi lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Do đó đề nghị của Biden rằng Nhật Bản và Trung Quốc nên ngồi lại bàn bạc thiết lập một cơ chế quản lý khủng hoảng là điều đáng để 2 bên xem xét, bởi nói đến an ninh hàng không chỉ cần một tính toán sai lầm rất nhỏ cũng có thể gây ra một thảm họa. Việc thiết lập ADIZ đơn thuần mang tính chất phòng thủ, có đàm phán thương lượng với các bên liên quan và tuân thủ luật pháp quốc tế là nhu cầu hết sức bình thường. Nhưng cũng phải khẳng định rằng các biện pháp của Trung Quốc có những yếu tố hạn chế tự do hàng không và vi phạm luật pháp quốc tế. Bắc Kinh không những đơn phương yêu cầu tất cả máy bay nước ngoài trước khi qua ADIZ Hoa Đông phải báo trước kế hoạch bay cho họ, mà còn tuyên bố nếu không tuân thủ, quân đội nước này có thể áp dụng các biện pháp "phòng thủ khẩn cấp". Cộng đồng quốc tế nên tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ để Bắc Kinh xem lại các "quy chế", "biện pháp" mà họ tuyên bố áp đặt trong phạm vi ADIZ Hoa Đông, nhưng đồng thời các bên liên quan cũng cần phải có các bước phòng ngừa, ngăn chặn bất kỳ khả năng mất kiểm soát nào trong khu vực. Ngay cả trước khi Bắc Kinh tuyên bố áp đặt ADIZ Hoa Đông, quan hệ Trung - Nhật đã rất căng thẳng và luôn có những lo ngại xảy ra đụng độ ngẫu nhiên ở Hoa Đông, xung quanh nhóm đảo Senkaku. Không phải dễ dàng để Bắc Kinh và Tokyo có thể ngồi lại với nhau, bắt tay đàm phán các quy tắc đảm bảo an ninh mới nhưng điều này thực sự cần thiết, đòi hỏi Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc nên tập trung nỗ lực giải quyết.
- Hun Sen: Trung - Nhật đối đầu, Campuchia sẽ thiệt thòi nhất
- Tình báo Đài Loan: Đang bàn với Trung Quốc về ADIZ ở Biển Đông
- Tập Cận Bình và Joe Biden đều im lặng về khu nhận diện PK Hoa Đông
- Cảnh sát Bangkok rút lui, người biểu tình chiếm Phủ Thủ tướng
- Đại sứ Trung Quốc: Lập thêm ADIZ (ở Biển Đông) là quyền của Bắc Kinh?!
- "TQ lý sự: Cái gì của tôi là của tôi, cái gì của bạn thì ta đàm phán"
- TQ bắt đầu dùng chiêu khảo cổ, xác tàu yêu sách "chủ quyền" Biển Đông
- Putin ký lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên
- Ảnh: Cận cảnh "song hổ giao tranh" trong tự nhiên
- Toàn văn trả lời phỏng vấn Asahi Shimbun của Phó Tổng thống Mỹ
Hồng Thủy (Nguồn: Asahi)