5 điểm yếu lớn của biên đội tàu sân bay Trung Quốc đang ở Biển Đông

07/12/2013 06:30
Việt Dũng
(GDVN) - Liêu Ninh đi xa xuống Biển Đông huấn luyện, lần đầu tiên tổ chức theo hình thức cụm chiến đấu tàu sân bay. Trong cụm chiến đấu tàu sân bay này có 2 tàu khu trục Project 051C (tàu 115 Thẩm Dương và tàu 116 Thạch Gia Trang) và 2 tàu hộ vệ Project 054A (tàu 538 Yên Đài và tàu 550 Duy Phường).

5 điểm yếu lớn của biên đội tàu sân bay "2 tàu khu trục + 2 tàu hộ vệ"

Tàu hộ vệ Yên Đài Project 054A của Hạm đội Bắc Hải tham gia biên đội tàu Liêu Ninh xuống Biển Đông.
Tàu hộ vệ Yên Đài Project 054A của Hạm đội Bắc Hải tham gia biên đội tàu Liêu Ninh xuống Biển Đông.

4 tàu chiến mặt nước hộ tống này đều là tàu chiến mới, tính tương thích tốt, có khả năng chạy liên tục khá mạnh, có thể hộ tống cho tàu sân bay trong thời gian dài.

2 tàu khu trục có năng lực phòng không khu vực và chống hạm khá mạnh, có thể làm tàu cảnh  báo sớm đối không, khắc phục điểm yếu "không có máy bay cảnh báo sớm, chỉ dựa vào máy  bay trực thăng cảnh báo sớm để dò tìm, tìm kiếm, theo dõi" của tàu sân bay, tăng cường năng lực dò tìm, phòng không cho tàu sân bay. Máy bay trực thăng trên tàu khu trục không chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ phòng không và chống tàu ngầm, mà còn có thể mở rộng và kéo dài phạm vi phòng ngự của tàu chiến.

2 tàu hộ vệ cũng có khả năng phòng không nhất định, hơn nữa năng lực tác chiến tổng hợp chống hạm và chống tàu ngầm đều tương đối mạnh. Tàu khu trục và tàu hộ vệ cùng bảo vệ tàu sân bay, tiến hành tác chiến đối không, đối hải, săn ngầm cho cụm chiến đấu tàu sân bay ở các vùng biển khác nhau.

Căn cứ vào phân công nhiệm vụ phòng không, máy bay chiến đấu J-15 trên tàu Liêu Ninh chủ yếu phụ trách phòng không tầm xa, 2 tàu khu trục chủ yếu phụ trách phòng không tầm trung, 2 tàu hộ vệ trang bị tên lửa HHQ-16 chủ yếu phụ trách phòng không tầm gần. Về tác chiến chống hạm, máy bay chiến đấu trên tàu sân bay là lực lượng tấn công chủ yếu, tên lửa chống hạm YJ-83 trang bị trên các tàu hộ tống cũng có khả năng tấn công khá.

Tàu sân bay Liêu Ninh mang theo 2 tàu khu trục và 2 tàu hộ vệ đến Biển Đông theo tuyên bố của TQ chủ yếu là để tăng cường huấn luyện biên đội. Thông qua huấn luyện có thể thử nghiệm tàu chiến đấu chủ lực của biên đội tàu sân bay, kiểm nghiệm và tôi luyện năng lực hiệp đồng giữa các tàu chiến trong biên đội tàu sân bay, điều này có ý nghĩa cột mốc trong quá trình hình thành sức chiến đấu cho cụm chiến đấu tàu sân bay.

Tác chiến tàu sân bay đều sử dụng hình thức biên đội. Bản thân tàu sân bay không thể đơn thương độc mã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ tác chiến, mà phải có các tàu chiến khác trong biên đội để hộ tống.

Vì thế, tàu Liêu Ninh đã bố trí huấn luyện "nghiên cứu khoa học" nhiều khoa mục như hiệp đồng biên đội, cất/hạ cánh 1 máy bay và nhiều máy bay, săn ngầm và phòng không, đồng thời qua đó làm quen với quy luật, đặc điểm của hoạt động biển xa, nghiên cứu hoạt động hiệp đồng giữa các tàu chiến.

Nhưng, điều đáng lưu ý là, bất kể về số lượng tàu sân bay hay năng lực tác chiến tổng hợp tàu sân bay, Trung Quốc vẫn có chênh lệch rất lớn với Mỹ.

Các chuyên gia phổ biến cho rằng, nhìn trên phạm vi thế giới, thực lực của tàu sân bay của Mỹ mạnh nhất, Nga và Anh đứng kế sau. Hiện nay, thực lực của tàu Liêu Ninh "xấp xỉ" tàu sân bay của Nga, Anh, thuộc "thê đội 2". Nhìn vào biên đội "2 tàu khu trục, 2 tàu hộ vệ" của tàu Liêu Ninh hiện nay, nó vẫn tồn tại không ít điểm yếu.

Thứ nhất, trang bị cốt lõi của tàu Liêu Ninh đã áp dụng công nghệ Nga, tồn tại các vấn đề như thiếu khả năng chạy liên tục, khả năng tác chiến biển xa hạn chế.

Tàu hộ vệ tên lửa Duy Phường Project 054A, Hạm đội Bắc Hải theo biên đội tàu Liêu Ninh xuống Biển Đông.
Tàu hộ vệ tên lửa Duy Phường Project 054A, Hạm đội Bắc Hải theo biên đội tàu Liêu Ninh xuống Biển Đông.

Thứ hai, tàu sân bay của Mỹ hiện đã trang bị máy bay tác chiến không người lái có thể bay 200 - 300 hải lý, tàu Liêu Ninh hiện còn chưa đạt trình độ này.

Thứ ba, về tính năng trang bị trên tàu, máy bay chiến đấu trên tàu Liêu Ninh kém hơn máy bay chiến đấu F/A-18E/F Mỹ về hệ thống điện tử và vũ khí trang bị. J-15 có thể tiến hành cất cánh kiểu nhảy cầu, thường chỉ thích hợp với chiến đấu kiểm soát trên không ở cự ly trung bình và gần, không thể duy trì thời gian hoạt động hiệu quả ở trên không; trong khi đó máy bay chiến đấu của tàu sân bay Mỹ sử dụng máy phóng hơi nước C-13, có thể cất cánh với trọng tải lớn.

Máy bay J-15 thường chỉ mang theo 2 quả tên lửa chống hạm YJ-83, thực hiện nhiệm vụ chống hạm cự ly gần, còn máy bay F-18 có thể mang theo 4 quả tên lửa chống hạm Harpoon.

Thứ tư, tàu sân bay quân Mỹ có năng lực do thám, cảnh báo sớm mạnh, máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye của họ đều hơn hẳn máy bay trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 trang bị cho tàu Liêu Ninh hiện nay, bất kể về độ cao hay khoảng cách do thám.

Thứ năm, tàu sân bay phải hình thành cụm chiến đấu cỡ lớn mới có khả năng tác chiến mạnh. Trong cụm chiến đấu tàu sân bay cỡ lớn cần trang bị các loại tàu chiến, giữa các tàu chiến có thể hiệp đồng chặt chẽ. Biên đội tàu sân bay Trung Quốc hiện nay vẫn chưa làm được điều này.

Máy bay trực thăng cảnh báo sớm K-31 do Nga chế tạo
Máy bay trực thăng cảnh báo sớm K-31 do Nga chế tạo

Điều dư luận quan tâm là, biên đội tàu Liêu Ninh đi xa lần này không có tàu ngầm và tàu tiếp tế đi theo. Bài viết cho đây là điều rất bình thường đối với tàu Liêu Ninh lần đầu tiên tiến hành huấn luyện biên đội.

Bởi vì huấn luyện biên đội tàu sân bay cần tiến hành thử nghiệm và khám phá liên tục, không ngừng, là một quá trình tuần tự tiệm tiến, mà nhiệm vụ này chủ yếu là tiến hành hiệp đồng giữa các tàu chiến mặt nước.

Nhưng, một biên đội tàu sân bay có chức năng tác chiến không tách rời sự hỗ trợ của tàu ngầm và tàu tiếp tế. Cụm chiến đấu tàu sân bay hiện nay đặc biệt nhấn mạnh phải thực hiện nhiều nhiệm vụ tác chiến, tàu Liêu Ninh phải có thực lực này, cũng cần trang bị nhiều tàu chiến có năng lực tác chiến tổng hợp mạnh hơn.

Theo tiêu chuẩn của Mỹ, 1 cụm chiến đấu tàu sân bay ít nhất phải có 1 tàu sân bay, 1 tàu tuần dương, 1 - 2 tàu khu trục, cùng với tàu tiếp tế tổng hợp và tàu ngầm.

Cụm chiến đấu tàu sân bay cỡ lớn khi tác chiến thường trang bị vài chục tàu chiến. Vì vậy, lần này biên đội tàu sân bay Liêu Ninh còn chưa phải là biên đội tàu sân bay có chức năng tác chiến hoàn toàn theo ý nghĩa thực sự, chỉ có thể gọi là có "dáng dấp" biên đội tàu sân bay.

Cụm tấn công tàu sân bay, Hạm đội 7, Hải quân Mỹ đồn trú ở Đông Á
Cụm tấn công tàu sân bay, Hạm đội 7, Hải quân Mỹ đồn trú ở Đông Á


Thử nghiệm và huấn luyện vẫn là trọng tâm của Liêu Ninh trong tương lai?

Từ khi biên chế vào ngày 25 tháng 9 năm 2012 đến nay, các hoạt động thử nghiệm và huấn luyện của tàu Liêu Ninh được thúc đẩy ổn định, trước sau đã tiến hành trên 100 lần huấn luyện và thử nghiệm, đã hoàn thành hãm đà khi máy bay chiến đấu hạ cánh trên tàu, cất cánh kiểu nhảy cầu cự ly ngắn, cất/hạ cánh khi có trọng lượng tối đa, thử nghiệm mang theo đạn, liên tục cất/hạ cánh trong điều kiện khí tượng phức tạp...

Những hoạt động huấn luyện này có tác dụng mang tính nền tảng để hình thành sức chiến đấu của tàu Liêu Ninh, đồng thời làm cho nó đã có năng lực tác chiến nhất định. Sau khi tàu Liêu Ninh biên chế 2 tháng, lập tức đã tiến hành huấn luyện hạ cánh lần đầu tiên cho máy bay chiến đấu J-15.

Tháng 2 năm 2013, sau khi nghỉ ngơi gần 3 tháng, tàu Liêu Ninh đã rời bến cảng của nhà máy đóng tàu Đại Liên, sau khi tiến hành thử nghiệm vũ khí trang bị có liên quan, đã cập một cảng quân sự ở Thanh Đảo, đánh dấu cảng quân sự tàu sân bay đã có khả năng bảo đảm cho neo đậu.

Sau 4 tháng, tàu Liêu Ninh lần đầu tiên rời cảng tàu sân bay mới, ra biển triển khai thử nghiệm và huấn luyện. Đến tháng 9 năm 2013, tàu Liêu Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ ra biển thử nghiệm lần thứ ba trong năm nay. Ngày 29 tháng 11, con tàu này đã cập một quân cảng ở Tam Á (theo nhiều nguồn tin thì đó là cảng Á Long).

Tàu sân bay Liêu Ninh ở căn cứ Tam Á (ảnh do dân mạng đăng tải)
Tàu sân bay Liêu Ninh ở căn cứ Tam Á (ảnh do dân mạng đăng tải)
Trong hơn 1 năm qua, trải qua nhiều lần thử nghiệm, huấn luyện và cọ xát, tàu Liêu Ninh đã tổ chức thành cụm chiến đấu đồng bộ với máy bay chiến đấu, tàu chiến mặt nước, đồng thời đã đạt tiến triển trên các phương diện như năng lực cảnh báo sớm, phối hợp giữa tàu và máy bay, kết hợp giữa con người và vũ khí, năng lực hiệp đồng các hệ thống. Hiện nay đã tổ chức thành biên đội tàu sân bay đầu tiên, có thể tiến hành huấn luyện cự ly xa.

Hoạt động huấn luyện và thử nghiệm 1 năm qua làm cho vũ khí trang bị của tàu Liêu Ninh, các loại tiếp tế hậu cần, bảo đảm trang bị kỹ thuật và tổ chức quản lý đã được kiểm tra thực tế rất nhiều, tố chất tâm lý của thủy thủ cũng đã được thử thách trong nhiều lần thử nghiệm trên biển.

Hoạt động huấn luyện và thử nghiệm toàn diện mang tính tổng hợp này "sẽ gây ảnh hưởng sâu xa tới thúc đẩy xây dựng tư tưởng tác chiến trên biển, đổi mới mô hình tác chiến trên biển cho Quân đội Trung Quốc, có ý nghĩa to lớn đối với việc nâng cao trình độ hiện đại hóa của Hải quân, tăng cường năng lực tác chiến phòng thủ biển, bảo vệ hòa bình và ổn định biển".

Mặc dù đạt được nhiều kết quả huấn luyện, nhưng tàu Liêu Ninh biên chế mới được hơn 1 năm, còn rất nhiều khoa mục huấn luyện chưa được tiến hành. Hiện nay, năng lực chiến đấu của bản thân tàu sân bay Liêu Ninh vẫn chưa đầy đủ, càng khó tiến hành tác chiến biển xa.

Tàu Liêu Ninh muốn thực sự hình thành năng lực tác chiến tổng thể "tổng hợp, lập thể, hợp nhất", thì phải hình thành cụm chiến đấu tàu sân bay được tổ chức theo mô hình lấy tàu sân bay làm trung tâm, hỗ trợ là các tàu hộ tống với các chức năng khác nhau như tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu ngầm, tàu tiếp tế. Muốn thực hiện được mục tiêu này TQ sẽ còn phải đi một con đường dài, ít nhất là vài năm.

Tàu khu trục Project 052C Trung Quốc, tiên tiến hơn tàu Project 051
Tàu khu trục Project 052C Trung Quốc, tiên tiến hơn tàu Project 051

Theo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế, tàu sân bay đưa vào biên chế cho đến khi thực sự hình thành sức chiến đấu, thường cần 5 - 8 năm, nhanh nhất cũng cần khoảng 3 năm. Trong quá trình này, ngoài tiến hành huấn luyện hiệp đồng giữa máy bay chiến đấu và tàu chiến mặt nước, còn phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa biên đội tàu sân bay với hệ thống trên vũ trụ, các hệ thống trinh sát, cảnh báo sớm như vệ tinh, phối hợp chặt chẽ giữa tàu ngầm và các tàu chiến khác trong biên đội, bảo đạm các hệ thống liên kết chặt chẽ về các mặt như thông tin, chỉ huy, kiểm soát, truyền dữ liệu.

Đồng thời, còn phải hoàn thiện rất nhiều như biên chế tác chiến, phương pháp tác chiến, tư tưởng tác chiến, vận dụng chiến thuật, phương thức tiếp tế của cụm chiến đấu tàu sân bay.

Trong tương lai, cùng với các khoa mục ngày càng có chiều sâu, cụm chiến đấu tàu sân bay Liêu Ninh chắc chắn sẽ được Hải quân TQ tổ chức lại, biên chế tàu ngầm, tàu tiếp tế và tiến hành huấn luyện biển xa.

Không chỉ sẽ đi vùng biển xa hơn, Trung Quốc sẽ dùng phương tiện này để nhằm vào các đối tượng tác chiến khác nhau, tìm kiếm nhiều phương thức tổ chức biên đội.

Việt Dũng