Vụ 600 bánh heroin lọt qua cửa khẩu: Máy soi chiếu không bị hỏng

08/12/2013 10:56
Hồng Minh (Tổng hợp)
(GDVN) - Đề cập đến việc có thông tin cho rằng do máy soi chiếu bị hỏng nên để lọt lô hàng (600 bánh heroin lọt qua cửa khẩu), Bộ Giao thông Vận tải khẳng định máy soi tia X hoạt động tốt, đảm bảo chức năng và chất lượng soi; đảm bảo nguyên tắc 100% hàng hóa phải qua máy soi.
Thừa nhận nhân viên mắc lỗi để lọt 600 bánh heroin

TTXVN dẫn nguồn tin: Liên quan đến việc lọt 600 bánh heroin lên máy bay tại Tân Sơn Nhất sang Đài Loan vào ngày 17.11 vừa qua, Cục Hàng không đã có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và thừa nhận nhân viên an ninh đã thực hiện việc soi chiếu qua máy soi nhưng mắc lỗi đánh giá chủ quan, công tác huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên an ninh hàng không về phòng chống ma túy chưa được thực hiện…

Từng kiện hàng đều được đưa vào máy soi hiện đại để kiểm tra chặt chẽ nhưng kiện hàng có giấu gần 230 kg heroin bên trong đã dễ dàng lọt qua. Ảnh: Thanh Niên
Từng kiện hàng đều được đưa vào máy soi hiện đại để kiểm tra chặt chẽ nhưng kiện hàng có giấu gần 230 kg heroin bên trong đã dễ dàng lọt qua. Ảnh: Thanh Niên

Chiều tối 7.12, Bộ Giao thông Vận tải đã phát đi thông cáo báo chí thông tin tới độc giả để làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ngành hàng không đối với vụ việc trên.

Trong thông báo này cũng nêu rõ, về quy trình gửi hàng tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS), theo Bộ Giao thông Vận tải, Công ty TCS đã phối hợp với Hãng hàng không China Airlines (CI) Đài Loan thực hiện đầy đủ quy trình gửi hàng, xác định và kiểm tra quy cách đóng gói hàng nguy hiểm (hàng hóa chứa chất có thể gây mất an toàn cho chuyến bay; loa thùng là hàng có từ tính và theo phân loại của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế - IATA), lập đầy đủ tài liệu và chấp nhận vận chuyển theo quy định. Do đó, kiện hàng đã được thông quan hải quan để chuyển làm thủ tục soi chiếu an ninh hàng không.

Đề cập đến việc có thông tin cho rằng do máy soi chiếu bị hỏng nên để lọt lô hàng, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định máy soi tia X hoạt động tốt, đảm bảo chức năng và chất lượng soi; đảm bảo nguyên tắc 100% hàng hóa phải qua máy soi.

Về công tác bảo đảm an ninh hàng không, thông cáo của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, kíp soi chiếu an ninh hàng không có đầy đủ thành phần, quy trình đã được thực hiện đúng. Qua soi chiếu hàng hóa đã xác định không có chất nổ, chất nguy hiểm và loại trừ được các yếu tố uy hiếp an ninh hàng không.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cũng thừa nhận, nhân viên này đã không thực hiện việc kiểm tra trực quan mặc dù đã thấy sự bất thường là có đồ vật khác chèn chặt trong loa thùng, không nhận biết được là vật gì và không thông báo cho kíp trưởng.

“Nhân viên soi chiếu đã mắc lỗi đánh giá chủ quan, yếu về nghiệp vụ an ninh hàng không khi cho rằng đấy là những vật thông thường như giấy báo, cát tông được chèn để giữ các cấu kiện trong loa nên không tiến hành kiểm tra trực quan,” thông cáo báo chí của Bộ Giao thông Vận tải kết luận.

Quy trình nghiêm ngặt?


Trước đó, tờ Thanh Niên đưa tin về một lô hàng từ Việt Nam gửi bằng đường hàng không đi đến một nước khác phải qua một quy trình kiểm tra an ninh rất nghiêm ngặt. Hàng hóa phải qua các thiết bị máy móc hiện đại và mắt thường của đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, nhiều kinh nghiệm của TCS và các đơn vị khác.

Để gửi hàng, bước đầu tiên khách phải liên hệ với một đại lý hoặc công ty dịch vụ gửi hàng. Bằng các mối quan hệ sẵn có, các đơn vị này sẽ liên hệ với TCS đặt chỗ và chờ xác nhận.

Sau khi tiếp nhận hàng hóa, TCS tiến hành kiểm tra tờ khai cũng như hàng hóa rồi cân đo trọng lượng, khối lượng cũng như quy cách đóng gói kiện hàng có đảm bảo an toàn, tiếp theo là thu phí.

Từ đây, người gửi hàng cầm các giấy tờ liên quan đến trình báo cho bộ phận hải quan cửa khẩu để tiếp tục đối chứng, kiểm tra thêm một lần nữa rồi lô hàng tiếp tục được cho qua máy soi.

Công đoạn tiếp theo, một bộ phận kiểm tra an ninh độc lập khác sẽ soi chiếu và dán tem niêm phong lô hàng rồi mới cho phép chuyển lên máy bay.

Quy trình vận chuyển đối với loại hàng hóa bình thường là như vậy, còn với các loại hàng hóa thuộc diện nguy hiểm, hàng nhạy cảm thì công tác kiểm tra an ninh còn gắt gao bội phần.

Theo tài liệu Thanh Niên Online có được, ngày 16.11.2013, TCS nhận được hợp đồng vận chuyển hàng hóa của Công ty TNHH thương mại dịch vụ giao nhận Lê Hòa (trụ sở tại đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1, TP.HCM). Hợp đồng thể hiện, Công ty Lê Hòa gửi một kiện hàng nặng hơn 500 kg, trong đó có 12 thùng loa, từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sang sân bay quốc tế Đào Viên (Đài Loan).

Lô hàng gửi đi được Công ty Lê Hòa khai báo là hàng có tính chất nguy hiểm (than, pin, chất phóng xạ, chất ăn mòn, chất truyền nhiễm, súng đạn…).

Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà trong ngày làm thủ tục nhận gửi và xuất lô hàng trên sang Đài Loan cho Công ty Lê Hòa, chiếc máy soi chuyên dụng trị giá gần 1,2 triệu USD của kho hàng TCS bỗng dưng "bị hỏng", không hoạt động?

Việc kiểm tra được chuyển sang một máy soi khác và kết quả là máy soi này không phát hiện được chất ma túy. Và thực tế, lô hàng cồng kềnh, bên trong chứa gần 230 kg heroin, đã được chuyển lên chuyến bay số hiệu C15886 của hãng China Airlines, bay sang Đài Loan an toàn.

Để tìm hiểu vụ việc, chúng tôi đã cố gắng liên lạc với ông Vũ Hải Thanh, Giám đốc TCS, nhưng ông Thanh từ chối trả lời các câu hỏi.

Phê bình, rút kinh nghiệm đối với kíp trưởng 

Trước đó, ngày 2/12, tờ Thanh Niên dẫn lời ông Trần Mã Thông, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết lô hàng có chứa 600 bánh heroin thuộc vào “luồng xanh”, tức là chỉ làm thủ tục chứ không phải kiểm tra (kể cả kiểm tra bằng máy hải quan - PV).

Ông Trần Mã Thông - Ảnh: Trung Hiếu/ Thanh Niên
Ông Trần Mã Thông - Ảnh: Trung Hiếu/ Thanh Niên

“Đối với lô hàng này khi thuộc vào luồng xanh, doanh nghiệp tự làm tờ khai, hải quan đối chiếu thông tin rồi cho thông quan ngay chứ không qua bất cứ thủ tục kiểm tra nào. Chưa kể đây lại là lô hàng xuất khẩu”, ông Thông nói.

Ông Thông lý giải thêm, theo quy định hiện nay lô hàng thuộc vào “luồng vàng”, “luồng đỏ” hay “luồng xanh có điều kiện” thì hải quan mới kiểm tra kỹ còn thuộc vào “luồng xanh” thì chỉ phải làm thủ tục chứ không phải kiểm tra kỹ.

Trong vụ này hải quan có dùng chó nghiệp vụ để kiểm tra hay không? Ông Thông trả lời hải quan chỉ sử dụng chó nghiệp trong những vụ trọng điểm, còn đối với vụ này do thuộc vào lô hàng “luồng xanh” nên hải quan không sử dụng chó nghiệp vụ.

Lô hàng này trước khi lên sân bay được dán nhãn hàng nguy hiểm, tại sao không kiểm tra kỹ? Ông Thông giải đáp trong tờ khai đăng ký thủ tục không có mục này nên doanh nghiệp không khai báo. Mà việc dán nhãn hàng nguy hiểm chỉ được thực hiện sau khi đã thông quan và do cơ quan an ninh ở sân bay thực hiện.

Theo thông cáo của Bộ GTVT thì: “Đến thời điểm này, Bộ đã kiểm điểm, tiếp tục đình chỉ năng định soi chiếu an ninh hàng không của nhân viên trực tiếp soi chiếu; phê bình, rút kinh nghiệm đối với kíp trưởng đồng thời hợp tác đầy đủ với cơ quan chức năng trong việc điều tra vụ việc,” dẫn lời thông cáo của Bộ Giao thông Vận tải.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam rút kinh nghiệm; rà soát việc thực hiện quy chế phối hợp về phòng chống ma túy; chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an để triển khai việc huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên an ninh hàng không; nâng cao nhận thức về nhiệm vụ của ngành hàng không trong việc phòng chống vận chuyển ma túy qua đường hàng không và các loại tội phạm an ninh quốc gia khác…


Hồng Minh (Tổng hợp)