"Công tác xã hội, chuyện thường với người trẻ như tôi"

09/08/2013 07:48
Bình An
(GDVN) - "Công tác xã hội, chuyện thường với người trẻ như tôi", đó là câu nói của những bạn trẻ mang trong mình "giọt máu tình nguyện". Trong khi đó, nhiều phụ huynh gọi chuyện con mình tham gia công tác xã hội là việc "thiện".
Chính việc tham gia một cách tự nguyện đã giúp bạn trẻ tự khẳng định mình, còn các bậc phụ huynh tin tưởng con mình chí ít cũng "học một sàng khôn" từ những công việc mà trước đây đứa con yêu vốn nhút nhát, chưa từng làm nay đã biết phụ giúp gia đình, làm chủ bản thân...

Học làm việc nhà từ công tác xã hội

Chí Dũng tham gia đội công tác xã hội Thành đoàn TP.HCM từ năm 1998, 7 lần hiến máu nhân đạo, hiện đang sinh hoạt trong nhóm Môi trường. Bà Ngọc Diêu, má Dũng nói: "Từ nhỏ nó nhút nhát, tham gia công tác xã hội 5 năm thấy lớn hẳn ra biết nghĩ đến gia đình, cha mẹ nhiều hơn".

Ở nhà, lúc trước "anh út Dũng" không phải làm việc gì, chỉ lo học, từ khi cầm chổi ra ngoài quét đường phố, dọn dẹp vệ sinh là biết tự mắc cỡ vì chuyện nhà toàn để má lo. Bây giờ, mọi việc được phân công rạch ròi. Dũng, con trai duy nhất nhưng ngoài chuyện quét - lau nhà mỗi bữa, tự rửa chén mỗi khi về nhà trễ ăn cơm muộn, còn làm thợ "sửa", nhà hư gì thì phải biết mà ra tay trợ lực cho ba.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thay vì san sẻ với con làm việc "thiện" như cách các gia đình có mức sống tương đối thoải mái là đóng góp tiền bạc hay vật dụng, bà Diêu có cách riêng của mình. Mấy lần giao thừa, giáng sinh, ngày 1-6 thấy con đi phát quà khuya, bà đề nghị mình cùng làm với con. Dũng nói với các anh lớn: "Nhà em trong khu tập thể nên về khuya ngại lắm, sợ làm phiền mọi người. Nhưng má nói cứ về, má chờ cửa cho".

"Con nó đi thì cho đi nhưng hẹn thì phải về. Tới ngày mà không thấy mặt là sốt ruột", bà Thoa, mẹ của Thanh Phương, sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải nói vậy. Nhà có hai anh em, anh trai Phương làm xa thường xuyên vắng nhà trong khi bà Thoa lại có tiệm tạp hóa gần chợ nên hầu hết việc nhà hai mẹ con đều trông cậy nhau. Bởi vậy, bà Thoa thật lòng nói: "Lúc nó xin đi Mùa hè xanh thật tình tôi không muốn, chuyện nhà mình còn đó chưa làm hết mà đi nơi khác hô hào chi. Nhưng nghĩ lại thấy đi một ngày đàng chắc con mình cũng học một sàng khôn nên đành thu xếp vậy".

Khắc phục nhược điểm

Không có cách nghĩ to lớn rằng việc đưa con tham gia công tác xã hội nhằm xây dựng cho con một lý tưởng hay hoài bão lớn lao gì lắm, với bà Tuyết chỉ mong con có thêm bạn, đừng sống cô lập, khép kín nữa. Bà cho biết: "Gia đình tôi tan vỡ, cháu bị một cú sốc về tình cảm khiến nó tự ti lắm. 21 tuổi, đã lớn nhưng vẫn nhát, không tự tin. Tôi làm việc ở ủy ban quận, biết chuyện có chiến dịch thanh niên nên tỉ tê rủ ren cháu đi sinh hoạt ở quận đoàn. Cháu đồng ý...".

Và bây giờ, bà tạm hài lòng vì ít ra con gái của bà đã dũng cảm thổi một tiếng còi lớn nhắc nhở những người vi phạm luật giao thông. Trong khi trước kia ngay cả chuyện nhìn thấy con gián chạy qua, Dung, con gái bà cũng sợ, suýt khóc.

Ủng hộ từ gia đình

Bà Thoa cho biết, trọn tháng 8 khi Phương đi tình nguyện bà bắc bếp ra trước sân vừa trông nhà, bán hàng, nấu nướng. Ngày thường hai mẹ con mất 1 tiếng dọn hàng, không có Phương bà phải tốn cả 2 tiếng, thức dậy sớm hơn để lo toan mọi chuyện.

Thanh Phương đi Mùa hè xanh về đòi tham gia tiếp đội thanh niên tình nguyện của quận Thủ Đức, bà kiên quyết: chỉ cho đi hai ngày cuối tuần, còn lại phải ở nhà cùng bà lo cho cái xã hội nhỏ này (tức là chuyện nhà) bởi theo bà, phải làm vậy để nó biết thắng lại đúng điểm dừng. Chuyện người ta, chuyện xã hội biết lo là tốt nhưng tốt nhất vẫn là thu xếp giỏi việc nhà đi.

Khi biết con tham gia đội thanh niên áo xanh, đứng chốt ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, ông Kim Văn Thành nói: "Tui vừa ý thức hết dám lấn tuyến hay chạy ẩu nữa vừa tự hào dễ sợ. Mấy ông bạn là tài xế taxi đi ngang qua thấy con bé Diễm đứng là chọc tui hoài: coi chừng có ngày nó bắt ông, xé giấy phạt đó".

Ông Thành cho biết: "Nhà có ba cha con, nó là con gái lớn nên ngoài học còn phải đảm đương chuyện nhà hơi nhiều. Từ khi biết nó có đi công tác, tôi kêu con út học nấu cơm, phụ chị chia việc nhà luôn, vừa tập con tự lực vừa là cách ủng hộ con tham gia mấy hoạt động này". Hoài Diễm, sinh viên Trường Đại học Kinh tế nói: "Hôm trước ba cho mình đôi găng tay, chắc lại thấy đứng nắng quá, ba sợ đen. Em cầm mà muốn khóc luôn".

Tâm Phúc - thành viên trong nhóm Trẻ em đội công tác xã hội Thành đoàn TP.HCM tâm sự: "Mặc dù không than van hay cấm cản chuyện tôi dành thời gian làm việc này nhưng tôi biết má đã hỗ trợ tôi nhiều lắm vì đáng lý ra má có thể bắt buộc tôi dành thời gian làm công tác xã hội, kiếm thêm việc tăng thu nhập để má đỡ cực vì hoàn cảnh gia đình tôi còn khó khăn. Nhưng má vẫn lẳng lặng ủng hộ...".

Ý nghĩa của công tác xã hội thì đã rõ, làm vì người khác nhưng chính là cũng vì mình. Một công việc "vẹn cả đôi đường" sao lại từ chối, như cách nói của Diễm mỗi khi bắt tay vào một công việc mới phục vụ cho xã hội.

Bình An