Phạt tới 50 triệu đồng khi vi phạm về bảo vệ, chăm sóc trẻ em

30/11/2013 07:42
Phạm Liễu (Nguồn VGP)
(GDVN) - Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em đến 50 triệu đồng.
Phạt nặng hành vi đưa hình ảnh trẻ em vào sản phẩm truyền thông có nội dung khiêu dâm, bạo lực

Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt với vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trong đó, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cha, mẹ, người giám hộ ép buộc trẻ em đi lang thang kiếm sống; lợi dụng trẻ em đi lang thang để trục lợi.

Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật; cha, mẹ, người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Đối với hành vi đưa hình ảnh của trẻ em vào sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông có nội dung khiêu dâm, bạo lực, kinh dị thì sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phạt đến 5 triệu đồng nếu cản trở người cao tuổi thực hiện quyền về hôn nhân

Cụ thể, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi theo quy định của pháp luật; không thực hiện đầy đủ cam kết theo hợp đồng dịch vụ đã ký kết để chăm sóc người cao tuổi theo quy định của pháp luật; lợi dụng việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi để trục lợi.

Đối với một trong các hành vi: Cản trở người cao tuổi sống chung với con, cháu hoặc sống riêng; xâm phạm, cản trở người cao tuổi thực hiện quyền về hôn nhân, quyền về sở hữu tài sản và các quyền hợp pháp khác thì sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với người cao tuổi.

Lợi dụng người khuyết tật để trục lợi bị phạt đến 15 triệu đồng


Theo Nghị định, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật; cản trở quyền kết hôn của người khuyết tật; cản trở quyền nuôi con của người khuyết tật; cản trở người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; cản trở người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật theo quy định của pháp luật.

Đối với một trong các hành vi: Xâm phạm thân thể của người khuyết tật; xâm phạm nhân phẩm, danh dự của người khuyết tật; xâm phạm tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật thì sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Phạt tiền từ 10-15 triệu  đồng đối với một trong các hành vi: Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2013./.

Phạm Liễu (Nguồn VGP)