Những người "hôi bia" ở Đồng Nai có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

10/12/2013 13:31
viết cường
(GDVN) - Đang là tâm điểm phẫn nộ của dư luận. Ngay cả báo chí nước ngoài cũng đã phản ánh không mấy tốt đẹp về sự việc “hôi bia” xảy ra ở Đồng Nai. Nhưng đến thời điểm này, ngoài việc cơ quan công an có vẻ phản ứng hơi "chậm chạp" ra thì chưa thấy một đại của diện chính quyền TP. Biên Hòa hay tỉnh Đồng Nai lên tiếng về vụ việc.

Những ngày qua, dư luận rất bất bình về sự việc xảy ra tại Đồng Nai. Theo đó, khi thấy một chiếc xe chở bia gặp nạn, bị đổ ra đường, hàng trăm người dân đã lao đến “ăn cướp” những lon bia rơi mang đi trước sự bất lực, van xin của người tài xế.

Thậm chí còn có người dọa hành hung lái xe khi người này ngăn cản việc làm của họ.

Một cảnh tượng đáng xấu hổ cho những người đang lom khom lấy từng lon bia rơi
Một cảnh tượng đáng xấu hổ cho những người đang lom khom lấy từng lon bia rơi

Người dân Việt Nam từ xa xưa vốn có truyền thống tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn. Hành động này đi ngược lại với bản tính tốt đẹp của dân tộc, réo lên hồi chuông về sự xuống cấp đạo đức của nhiều người dân trước tai họa của người khác.

Ngày 9/12, Thượng tá Trần Tiến Đạt, Chánh văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết đã chỉ đạo Công an TP.Biên Hòa vào cuộc điều tra vụ người dân tham gia hôi của xảy ra tại vòng xoay Tam Hiệp (thuộc khu phố 1, phường Bình Đa, TP.Biên Hòa).

Trước sự chỉ đạo của công an tỉnh, cơ quan điều tra TP.Biên Hòa đã vào cuộc xác minh vụ, làm việc với phía bị hại, công ty bảo hiểm để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại, lời khai nhân chứng để củng cố hồ sơ. Từ đó, cơ quan công an sẽ đưa ra xử lý trước pháp luật.

Bước đầu công an xác định được một số người có tham gia vụ “hôi của” và thu hồi lại được một số bia. Với những chứng cứ thu thập được, cơ quan công an có thể sẽ xem xét khởi tố vụ án về hành vi chiếm đoạt tài sản. Đối với những người có liên quan, nếu tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì sẽ xử lý hình sự, nếu dưới 2 triệu đồng sẽ xử lý hành chính.

Liên quan đến việc xử lí những người hôi của, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh (Hà Nội) cho rằng, việc làm đó chưa đến mức bị truy cứu TNHS theo điều 137 BLHS về tội: “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo điều 141 BLHS.

Tuy nhiên, Luật sư Tiến cũng nói rõ, hành vi chiếm đoạt trái phép này của người tham gia "hôi bia" là vi phạm hành chính theo điểm b, khoản 1, điều 18 - Nghị định 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Theo đó, mức phạt đối với hành vi này là từ 1 triệu đến 2 triệu đồng (Nghị định này có hiệu lực đến ngày 28/12/2013). 

Nói về tranh cãi có nên ban hành luật riêng về việc "hôi của” hay không? Luật sư Tiến cho rằng, điều đó chưa cần thiết. Lí giải quan điểm, ông nói: “Vì pháp luật hiện hành cũng đã quy định rõ, những hành vi chưa phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 137, 141 của BLHS thì đã bị Luật xử lý vi phạm hành chính xử lý rồi. Do đó, không cần phải ban hành một luật riêng”.

Theo Luật sư Tiến, để xử lý hành vi này thực sự là điều khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền bởi những người “hôi của” sau khi chiếm được tài sản của nạn nhân thường bỏ đi ngay. Ngoài ra khi đó có quá nhiều người cùng thực hiện, rất khó cho nạn nhân hay cơ quan công an trong việc xác minh, xử lý.

Vụ việc đã xảy ra được gần 1 tuần nay và đang là đề tài được đông đảo nhân dân quan tâm, bàn luận. Ngay cả một số báo chí nước ngoài cũng đã có những bài viết về vụ "hôi bia" ở Đồng Nai. tờ Tuổi trẻ đã bình luận rằng, đó là hành động vô cùng xấu xí của người Việt Nam.

Đến thời điểm này, ngoài cơ quan công an ra thì chưa thấy một đại của diện chính quyền TP.Biên Hòa hay tỉnh Đồng Nai lên tiếng về vụ việc. 

Nhân đây, cộng đồng mạng cũng đã đưa ra hai hình ảnh đối lập về cách sống của người dân Đồng Nai và Đà Nẵng.

Theo đó, người dân Đà Nẵng được nể phục vì những hành động đẹp, thể hiện trong một vụ tai nạn xe làm đổ bia xảy ra vào tháng 11 tại thành phố này.

Một số chuyên gia cho rằng, người dân có văn minh hay không phụ thuộc nhiều vào người lãnh đạo ở chính nơi đó và bởi những chính sách họ đưa ra.

Nhiều báo dẫn lại những chính sách đã thực hiện của Đà Nẵng như “chương trình 5 không, 3 có”.

5 không - đó là không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của.

3 có - Có nhà ở; Có việc làm và Có lối sống văn minh đô thị

Lần nữa, ông Nguyễn Bá Thanh lại được nhiều người nghĩ tới bởi những chính sách thiết thực ông đã từng đưa ra cho thành phố này./.

viết cường