Lớp dạy nghề giúp người cai nghiện hòa nhập cộng đồng

27/06/2013 09:17
Theo XUÂN HÙNG/Báo Nhân dân
(GDVN) - Các lớp dạy nghề cho học viên cai nghiện tại Trung tâm Ðiều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Ða (TP Hồ Chí Minh).
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 9.387 người nghiện ma túy đang cai nghiện tại các trung tâm. Cùng với thực hiện quy trình cai nghiện, thành phố đang đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện, giúp họ hòa nhập cộng đồng.
 
Là địa bàn phức tạp về ma túy, số người mắc nghiện khá nhiều, do vậy công tác cai nghiện, quản lý, giúp đỡ người nghiện sau cai, nhất là dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng được chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong thành phố quan tâm. Chỉ tính riêng năm 2012, số người nghiện mới và tái nghiện phải đưa vào các trường, trung tâm là 4.987 người.

Cũng trong năm 2012, thành phố đã ban hành 2.803 quyết định quản lý sau cai cho người hoàn thành giai đoạn cai nghiện tập trung trở về nơi cư trú. Tuy nhiên, do số người nghiện bị xử lý nhiều nên hiện nay số học viên trong các trường, trung tâm vẫn còn khá cao.

Các lớp dạy nghề cho học viên cai nghiện tại Trung tâm Ðiều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Ða (TP Hồ Chí Minh).
Các lớp dạy nghề cho học viên cai nghiện tại Trung tâm Ðiều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Ða (TP Hồ Chí Minh).

Về công tác cai nghiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội dành riêng Trung tâm Bình Triệu được trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị y tế cùng đội ngũ cán bộ chuyên môn cao, bác sĩ tận tâm, nhiều kinh nghiệm, để tiếp nhận, điều trị cắt cơn, phục hồi thể trạng cho người nghiện trước khi phân loại, chuyển đến các trung tâm khác thực hiện các bước tiếp theo.

Trong quy trình cai nghiện ma túy, cắt cơn, giải độc mới chỉ là bước khởi đầu, giáo dục trị liệu mới là giai đoạn quan trọng, quyết định việc cai nghiện thành công hay không. Tại các trung tâm cai nghiện, giáo dục trị liệu được thực hiện qua nhiều biện pháp, với mục đích giúp học viên nhận thức tác hại của ma túy, không chỉ đối với sức khỏe, tổn thương não bộ mà còn làm băng hoại nhân cách.

Bên cạnh đó, công tác tư vấn tâm lý trị liệu cũng được coi trọng. Cán bộ các trung tâm dành thời gian nghiên cứu hoàn cảnh của từng học viên; tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ vướng vào ma túy, trên cơ sở đó vạch ra nội dung, phương pháp tư vấn tâm lý cho từng người cụ thể, tác động để họ nhận ra giá trị cuộc sống, giá trị bản thân mà xác định quyết tâm cai nghiện.

Cùng với giáo dục trị liệu, phương pháp lao động trị liệu luôn được các trung tâm coi trọng, áp dụng trong suốt quy trình. Tại các trung tâm cai nghiện, chỉ tính riêng phần tăng gia sản xuất, mỗi năm học viên làm ra lượng nông sản, thực phẩm trị giá hàng chục tỷ đồng, không chỉ góp phần cải thiện bữa ăn hằng ngày mà qua công việc, học viên hiểu thêm giá trị của sức lao động, củng cố nhân cách, niềm tin cuộc sống.

Ðể tạo điều kiện cho học viên sau cai nghiện có thể tìm việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố phân công Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Phước Bình tiếp nhận những học viên có đủ điều kiện từ các trường, trung tâm khác chuyển đến học nghề. Trong thời gian sáu tháng tại trung tâm này, học viên được học những nghề mình yêu thích, nhu cầu xã hội cao. Cùng với đó, học viên được tập huấn kỹ năng sống, tái hòa nhập cộng đồng, tập huấn phòng chống tái nghiện, phòng chống lây nhiễm HIV...

Quan tâm tạo việc làm cho người sau cai nghiện, tháng 7-2012, UBND thành phố phê duyệt Ðề án Dạy nghề - giải quyết việc làm cho người đang cai nghiện và sau cai nghiện. Với mục tiêu đào tạo nghề cho 65% số người đang cai nghiện và sau cai nghiện ma túy, giải quyết việc làm cho 70% số người sau cai nghiện trở về địa phương.

Từ năm 2012, thành phố tổ chức thí điểm chương trình kêu gọi doanh nghiệp ở các quận 6, 11 và huyện Củ Chi tiếp nhận, truyền nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Bên cạnh đó, mỗi gia đình học viên sau cai nghiện còn được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tổ chức, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị UBND các phường, xã, thị trấn căn cứ thực tế của địa phương tổ chức các tổ, đội, nhóm lao động là người sau cai nghiện được làm các công việc phục vụ cộng đồng, như: Bảo vệ chợ, bến bãi, dịch vụ thu gom rác, hoặc hình thành các tổ sản xuất nông nghiệp ở địa bàn nông thôn... tạo những việc làm phù hợp cho người sau cai nghiện.

Kết quả là từ năm 2012 đến nay, đã có 1.971 trường hợp, bằng 67,89% tổng số người sau cai nghiện đang được quản lý tại các địa phương tìm được việc làm. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ, nhóm "đồng đẳng", "bạn giúp bạn"... cũng tổ chức truyền nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên. Sáu tháng đầu năm 2013, chỉ riêng Câu lạc bộ "Cuộc sống mới" đã giới thiệu được 134 người sau cai nghiện có việc làm ổn định...
 
Theo XUÂN HÙNG/Báo Nhân dân