Kỳ thị - Trăn trở sau cai nghiện

25/10/2013 09:21
Theo Thu Trang/Sở LĐTB-XH Bắc Giang
(GDVN) - Vấp phải thành kiến, người sau cai nghiện sẽ lại mặc cảm, dễ sử dụng lại ma túy. Gia đình là điểm tựa quan trọng nhất đối với người sau cai nghiện
Hiện có trên 90% học viên sau khi cai nghiện trở về địa phương lại tiếp tục tái nghiện. Hành vi tái nghiện này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng sâu xa hơn cả là họ đã phải đối mặt với một hàng rào tâm lý vô cùng khó khăn.

Chính định kiến của những người xung quanh đã làm tổn thương tinh thần những người sau cai khiến họ không thể vượt lên chính mình.

Em Đỗ Văn L. (Thành phố Bắc Giang) đã tái nghiện sau ba tháng hết thời hạn cai nghiện về cộng đồng. Trở lại Trung tâm, em chia sẻ: “Sau khi về nhà, em rất tích cực tham gia các công việc của gia đình, thế nhưng hàng xóm và những người thân quen lại tỏ thái độ không tôn trọng em. Em đã xin được một chân phụ hồ nhưng khi biết em từng là con nghiện nặng, người chủ dứt khoát không cộng tác với em nữa. Chán nản, em đã nghiện lại”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trung tâm đã làm một điều tra với 150 học viên (từng đi cai nghiện từ hai lần trở lên, đã trải qua một thời gian tái hòa nhập tại địa phương), kết quả cho thấy thái độ xa lánh, lạnh nhạt của những người xung quanh với người sau cai còn chiếm một tỷ lệ rất lớn (trên 60%) vì họ sợ nguy hiểm đến bản thân cùng gia đình mình.

Một số khác lại có thành kiến với quá khứ của những người từng nghiện và không tin rằng những người sau cai có thể tái hòa nhập cộng đồng. Từ đó, tâm lý tự ti, mặc cảm vốn đeo bám suốt quá trình nghiện và cai nghiện lại trỗi dậy khiến người sau cai dễ bực tức, thất vọng, bất cần, muốn sử dụng lại ma túy, thậm chí muốn tự tử. Trong số 150 học viên trên, đã có hơn 50% muốn được sử dụng lại ma túy.

Để giúp người sau cai vượt qua mặc cảm và hòa nhập cộng đồng, mỗi chúng ta hãy làm chiếc phao cứu sinh cho họ bằng những việc làm, hành động cụ thể:

-  Rộng lòng bao dung; đối xử công bằng, chân thành, không nên tạo ra hàng rào tâm lý bằng những định kiến xã hội. Đừng tạo cho người sau cai sự hụt hẫng về mặt tình cảm.

- Không nên dửng dưng, thờ ơ mà cần trò chuyện thân mật, tạo cơ hội cho họ được thể hiện mình, bày tỏ mong muốn được xã hội thừa nhận và muốn được thiết lập các mối quan hệ.

- Các tổ chức xã hội nên giúp đỡ người sau cai có việc làm vì họ cũng có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu công việc như người bình thường.

- Người sau cai cần làm chủ bản thân bằng việc tự kiềm chế trước những thái độ, hành vi không hay của những người xung quanh; cố gắng vươn lên để trở thành người có ích cho xã hội.

- Gia đình là điểm tựa tinh thần quan trọng nhất đối với người sau cai. Gia đình có thể bố trí những công việc phù hợp, thường xuyên, để họ có thể quên đi quá khứ; tự tin, vững vàng trước cuộc sống.

Vì cuộc sống không ma túy, mỗi người hãy sống không chỉ cho bản thân mà còn cho người khác. Cuộc sống có những lúc không như mong muốn nhưng hãy nỗ lực tìm cách thoát khỏi rơi xuống vực.

Theo Thu Trang/Sở LĐTB-XH Bắc Giang