Trang bị hàng không Hải quân TQ đổi mới chậm, không thể tấn công Mỹ

15/12/2013 09:38
Đông Bình
(GDVN) - Hiện nay, lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc còn nhiều hạn chế, nhất là chưa thể tác chiến với tàu sân bay, không thể tấn công xa bờ.
Mạng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga ngày 13 tháng 12 đưa tin, mùa hè năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Leon Panetta tuyên bố, đến trước năm 2020, Hải quân Mỹ sẽ tăng cường triển khai các loại, các lớp tàu chiến, bảo đảm 2/3 tàu chiến triển khai ở Thái Bình Dương, nhằm tăng cường hiện diện của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Không khó để suy đoán, kế hoạch tương tự của Lầu Năm Góc nhằm ngăn chặn Trung Quốc, bởi vì Quân đội Trung Quốc đang tích cực phát triển lực lượng vũ trang, trong đó có Hải quân. Trong tương lai không xa, Hải quân Trung Quốc sẽ có khả năng bắt đầu vươn ra biển xa, tuần tra đại dương, trực tiếp thể hiện thực lực của họ. Như vậy, trong tương lai gần, Trung-Mỹ có thể xảy ra Chiến tranh Lạnh mới ở Thái Bình Dương.

Lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc khó mà đe dọa các mục tiêu trên biển ở ngoài chuỗi đảo thứ nhất.
Lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc khó mà đe dọa các mục tiêu trên biển ở ngoài chuỗi đảo thứ nhất.

Khi đưa ra kế hoạch tương lai, Bộ tư lệnh Hải quân Trung Quốc rõ ràng đã cân nhắc đến nhân tố tăng cường cụm chiến đấu ở Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, Trung Quốc không chỉ đối mặt với sự hiện diện của tàu chiến quân Mỹ ở Thái Bình Dương, mà còn phải chuẩn bị ứng phó với các cuộc xung đột vũ trang tiềm tàng. Đối với vấn đề này, Trung Quốc phải đưa ra chiến lược phát triển tiếp theo của Hải quân nước này, cân nhắc đầy đủ cơ sở chống lại Hải quân Mỹ, nhất là cụm tấn công tàu sân bay.

Những năm gần đây, Bộ Quốc phòng Trung Quốc rất coi trọng Hải quân, trong đó có phát triển lực lượng hàng không Hải quân. Tin tức tình báo hiện nay cho biết, máy bay và trực thăng của Hải quân Trung Quốc chủ yếu dùng để giải quyết một loạt nhiệm vụ đột kích và hỗ trợ mà tàu chiến khó có thể hoặc không thể hoàn thành.

Trong tương lai không xa, lực lượng hàng không Hải quân có thể trở thành một trong những bộ phận quan trọng nhất của lực lượng vũ trang Trung Quốc, có thể chống lại các đối thủ tiềm tàng, đại diện là cụm tấn công tàu sân bay Mỹ. Nhưng, cũng có lý do cho rằng, sự thay đổi tương tự chỉ có tương lai xa mới có thể thực hiện.

Hiện nay, lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc không có nhiều khác biệt lắm với Không quân về biên chế số lượng và chất lượng, điểm khác biệt nổi bật nhất là ở chỗ, Hải quân trang bị thủy phi cơ đa năng SH-5 của Công ty máy bay Cáp Nhĩ Tân và các máy bay trực thăng cảnh báo sớm Ka-31, Z-8, các loại trang bị kỹ thuật hàng không khác thì tương tự Không quân.

Theo các thông tin tình báo hiện có, lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc khó mà chống lại có hiệu quả tàu ngầm của “địch”, tuy trong biên chế có trên 50 máy bay trực thăng săn ngầm các loại, vừa có loại do Trung Quốc tự sản xuất, vừa có loại nhập khẩu của Nga.

Nhưng, những máy bay trực thăng này chỉ có thể tuần tra, tìm kiếm tàu ngầm địch ở cách căn cứ trên mặt đất và tàu chiến vài chục km, do đó đã hạn chế rất lớn thực lực chiến đấu của máy bay trực thăng săn ngầm. Hơn nữa, số lượng trang bị không nhiều, khó kiểm soát Thái Bình Dương và phần lớn vùng biển duyên hải Trung Quốc.

Lực lượng máy bay trang bị cho tàu chiến cũng là trọng điểm phát triển của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc
Lực lượng máy bay trang bị cho tàu chiến cũng là trọng điểm phát triển của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc

Trong biên chế của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc còn có máy bay ném bom tầm xa H-6D của Công ty máy bay Tây An với số lượng nhất định. Những máy bay này có thể mang theo tên lửa chống hạm C-301 hoặc C-101, sát thương mục tiêu ngoài 2.000 km.

Khi cần thiết, máy bay ném bom H-6D còn có thể thông qua tiếp dầu trên không để mở rộng bán kính tác chiến. Nhưng, máy bay ném bom tầm xa loại này có số lượng trang bị ít, hơn nữa không thể được máy bay tiêm kích hộ tống trong toàn bộ hành trình, vì vậy sức chiến đấu thực tế vẫn bị hạn chế.

Rõ ràng, lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc tạm thời còn chưa thể thực hiện tất cả mọi nhiệm vụ tấn công hải quân “địch”, trên thực tế chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi vài trăm km ở biển gần. Ở vùng biển cách bờ khá xa, chỉ có một số tàu chiến tầm xa có thể thực hiện các hành động chiến đấu. Chỉ khi nào trang bị số lượng nhất định tàu sân bay trong tương lai, khu vực tác chiến của “máy bay tiêm kích tàu sân bay” của Trung Quốc mới có thể tiếp tục mở rộng.

Những năm gần đây, những thông tin có liên quan đến nghiên cứu chế tạo trang bị kỹ thuật quân sự mới của Trung Quốc cho thấy, phương hướng ưu tiên quan trọng phát triển của Hải quân là ở tàu chiến, trong tương lai cũng sẽ tiếp tục tích cực chế tạo tàu chiến mới, các bước đổi mới trang bị của lực lượng hàng không Hải quân tương đối chậm chạp.

Dòng máy bay JH-7 Phi Báo là xương sống tấn công của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc.
Dòng máy bay JH-7 Phi Báo là xương sống tấn công của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc.

Nhiệm vụ phòng thủ đối không của biên đội tàu chiến Trung Quốc trong tương lai có thể do máy bay tiêm kích trang bị cho tàu sân bay thực hiện, nhưng hiện nay trong biên chế của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc chỉ có một tàu sân bay, trong thời gian tới mới bắt đầu chế tạo tàu sân bay mới, vì vậy, trong tương lai gần, lực lượng hàng không Trung Quốc khó mà bảo vệ tàu chiến trên các vùng biển cách xa căn cứ trên bờ. Còn việc bảo vệ các cơ sở mặt đất có thể do phân đội Không quân phụ trách.

Trong tình hình này không thể không nói, về số lượng, máy bay tiêm kích ném bom là nền tảng của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc. Các loại máy bay hiện có gồm J-10 của Công ty máy bay Thành Đô, J-11, J-8 của Công ty Máy bay Thẩm Dương, JH-7 của Công ty máy bay Tây An và Su-30MK2 do Nga chế tạo; mấy chục máy bay tiêm kích ném bom có thể đánh chặn các mục tiêu đường không, tấn công tàu đối thủ cách căn cứ hải quân vài trăm km.

Máy bay tiêm kích ném bom Trung Quốc có thể mang theo vài loại tên lửa chống hạm, sử dụng loại vũ khí này có thể tăng cường rõ rệt bán kính hoạt động tiêu diệt, sát thương mục tiêu “địch” khi máy bay cất cánh từ căn cứ trên bờ. Chẳng hạn, tên lửa C-802 có thể sát thương mục tiêu trong phạm vi 120 km, tầm bắn của tên lửa chống hạm C-805 có thể đạt 500 km, từ đó làm cho bán kính tác chiến của máy bay tiêm kích ném bom JH-7 vượt 1.000-1.500 km.

Rõ ràng, Bộ tư lệnh Hải quân Trung Quốc chưa coi máy bay và trực thăng là thủ đoạn hoàn toàn phù hợp yêu cầu trên phương diện chống lại hải quân đối phương, cho dù một số tàu chiến có thể mang theo và sử dụng máy bay trực thăng săn ngầm.

Nhưng, có lý do để suy đoán, tình hình này trong tương lai không xa sẽ thay đổi, Trung Quốc sẽ đổi mới trang bị vũ khí lực lượng hàng không Hải quân. Đồng thời, đặt phát triển máy bay và trực thăng cho tàu sân bay lên vị trí ưu tiên khiến cho dư luận nghi ngờ thể chế Hải quân Trung Quốc có thể sẽ có cải cách triệt để.

Tuy nhiên, cho dù thế nào, tất cả mọi thứ cho thấy, trong tương lai không xa, lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc tạm thời chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho việc tìm kiếm và tiêu diệt tàu chiến đối phương, bảo vệ căn cứ trên bờ hoặc tàu chiến cách bờ không xa.

Lực lượng hàng không Hải quân là bộ phận quan trọng của Hải quân Trung Quốc
Lực lượng hàng không Hải quân là bộ phận quan trọng của Hải quân Trung Quốc
Lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc hiện chỉ có thể đe dọa các mục tiêu ở khu vực biển gần - ven bờ.
Lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc hiện chỉ có thể đe dọa các mục tiêu ở khu vực biển gần - ven bờ.
Đông Bình