GS. Ngô Bảo Châu nhắn nhủ các bạn trẻ Việt Nam.
Xung quanh chủ đề “Tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học” được bàn luận trong thời gian qua, GS. Ngô Bảo Châu đã rất thẳng thắn chia sẻ những điều mới khi bắt đầu bước chân làm nghiên cứu khoa học. Đó là những điều căn bản để làm nên một nhà khoa học tương lai.
Chất lượng nghiên cứu khoa học sẽ quyết định
PV: Thưa GS. Ngô Bảo Châu, quy trình để xác định một vấn đề nghiên cứu nhưng còn sự nhạy cảm trong nghiên cứu, có thể hàng năm có thêm 5-7 hội nghị tốt để tham khảo nhưng cũng không đủ thời gian. Vậy, làm thế nào để lướt qua có thể thấy vấn đề thực sự có giá trị?
GS. Ngô Bảo Châu: Câu hỏi này rất thú vị, tôi nghĩ vai trò hội nghị hội thảo là rất quan trọng, đây không phải là kỷ yếu mà là dịp ngồi nghe các nhà khoa học trình bày những ý tưởng, quan niệm. Khi nghe giảng ở Hội thảo các bạn nên lắng nghe các điểm nhấn, những điểm “phẩy tay” nói là không quan trọng, nhưng cái chủ quan đó không dám viết mà “ngôn ngữ cơ thể” lúc đó là rất quan trọng. Các bạn có thể gặp diễn giả trao đổi trực tiếp qua đối thoại, không qua môi trường thứ ba là viết lách.
Sinh viên muốn đi theo con đường nghiên cứu, ngoài bắt đầu nghiên cứu như thế nào thì việc khởi đầu sẽ ra sao, với điều kiện ở Việt Nam có thuận lợi, khó khăn gì thưa Giáo sư?
GS. Ngô Bảo Châu: Tôi nghĩ nguyên tắc khoa học ở đâu cũng giống nhau. Tính chuyên nghiệp khoa học thì theo cùng một quy trình, có khác là nước có truyền thống lâu đời và sâu sắc ở chỗ không cần ai hướng dẫn vì đó là lẽ tự nhiên. Ở ta chưa có như thế. Đối với Việt Nam, việc nghiên cứu khoa học chưa được tự nhiên, thực sự chúng ta cần phải thực hiện quy trình này.
Nhà khoa học được cả thế giới ngưỡng mộ, GS. Ngô Bảo Châu. Ảnh Xuân Trung |
Nghiên cứu khoa học có phải là một nghề hay không, đó là quan niệm bình thường trong nghiên cứu là say mê. Lịch sử phát triển nghiên cứu khoa học là một nghề rất mới Châu Âu. Ở thế kỷ thứ 19, tại Đức và Anh thì trường đại học, chuyên nghiên cứu đã được chuyên nghiệp hóa. Nghiên cứu gắn liền vị trí công tác trong trường đại học.
Hiện nay tôi thấy điều đó được công nhận rộng rãi ở nhiều nước Tây Âu, Mỹ, tuy nhiên vẫn chưa hoàn toàn. Để được thể chế hóa thì nên được bảo vệ và bảo đảm. Đại học phải có được vị trí làm việc, mặc nhiên lao động, tìm tòi sáng tạo sẽ được chuyên nghiệp hóa và là một nghề với những ràng buộc, những quy định.
Ở Việt Nam, nhất là với khối Khoa học xã hội nhân văn thường xác định nhiệm vụ giảng dạy là quan trọng nhất, nếu hoàn thành nhiệm vụ thì giảng viên có đam mê, có khả năng mới nghĩ tới làm nghiên cứu khoa học. Ở nước ngoài nhiệm vụ nào có trước hay song song cả hai?
GS. Ngô Bảo Châu: Tôi nghĩ cả 2 đều quan trọng, có khác là cách thể hiện khác nhau mà thôi. Chẳng hạn nghiên cứu khoa học, nhất là với toán thường làm độc lập, có thể dành ra một ngày nghiên cứu nhưng bỏ dạy là không được.
Mặt khác, có nhiều đánh giá để tăng học hàm từ phía nhà trường, vị trí nhà trường sẽ có so sánh bằng công trình nghiên cứu được đánh giá cao. Ở đó chất lượng khoa học luôn được coi là số một. Tất nhiên do tính chất nhà trường như ĐH Chiacago thì các Giáo sư có giờ dạy ít vì thực tế ít sinh viên chưa tốt nghiệp. Ở đó có 4.000 – 5.000 sinh viên là nghiên cứu sinh.
Giáo sư có thể cho biết xung đột trong nghiên cứu khoa học sẽ đem lại hậu quả như thế nào?
GS. Ngô Bảo Châu: Sự chuyên nghiệp là một quá trình đấu tranh. Khi bạn tôi gửi bài tôi sẵn sàng phê bình, thậm chí loại bỏ bài đó. Làm khoa học thì không có nể nang hay bạn bè thân thiết. Sự tôn trọng các quy trình, nghiêm khắc mới làm nên sự phát triển của khoa học.
Thậm chí có những lúc xung đột, đấu tranh trong khoa học. Nhưng để xung đột hàng ngày mà vẫn làm việc với nhau trên tinh thần đoàn kết, xây dựng không sứt mẻ là điều đáng quý.
Nên cẩn trọng khi nghĩ tới làm khoa học cả đời
Giáo sư có thể cho biết, với các bạn sinh viên trẻ hiện nay thì thời gian chuẩn bị để bước vào nghiên cứu có quan trọng? Lượng bài báo đăng tạp chí có quan trọng không? Và các bạn muốn dành cả đời để nghiên cứu khoa học, liệu đó có mơ mộng quá?
GS. Ngô Bảo Châu: Nếu đăng quá nhiều bài nhưng chất lượng không đảm bảo tôi cảm thấy bị dị ứng, đó là quản lí chạy theo chỉ số máy móc, điều đó không có ý nghĩa lắm. Cái lớn nhất là sự cảm nhận, đánh giá của đồng nghiệp, dù không được đăng nhiều, đó mới là cái thực chất. Khi đa số người đánh giá anh là nhà khoa học nghiêm túc, có ý tưởng mới tức là anh nhà khoa học giỏi.
Để có sự đánh giá năng lực nhà khoa học trẻ thì bài báo không có tính quyết định. Đồng nghiệp các bạn đầu tư ít thời gian, có ít bài mà hay còn hơn là tra tấn nhau bằng nhiều bài báo. Tôi nghĩ không cần phải chạy theo số lượng.
Liệu có nên cả đời chạy theo nghiên cứu khoa học, câu trả lời của tôi là các bạn hãy thận trọng, vì làm cả đời đòi hỏi con người có phẩm chất phi phàm, không phải ai cũng làm được. Ngoài mục đích lâu dài các bạn nên có mục đích ngắn hạn cho mình, vì không có kinh phí hay sức lực đê theo đuổi mãi.
Giáo sư đánh giá thế nào về tự chủ môi trường khoa học?
GS. Ngô Bảo Châu: Với tư cách là giám đốc khoa học Viện cao cấp về toán, thì lĩnh vực toán lý thuyết là ngành được xứng đáng ưu tiên, đó là những nơi có người làm giỏi. Nhiều khi xuôi dòng chạy theo dòng chảy mạnh an toàn, hiệu quả của công trình nghiên cứu. Nhưng cũng nhiều khi vẫn phải ngược dòng, có những ngành rõ ràng cần thiết vì để cho khoa học nói chung và nghiên cứu ứng dụng là thiếu.
Môi trường khoa học là sự tự chủ của nhà khoa học. Tự chủ của nhà khoa học không phải từ nói suông, đó không chỉ là tôn trọng mà là đặt nguồn lực như thế nào, cái đó cấp bách như y dược, như thực nghiệm. Một cách làm hay ở Mỹ xin chia sẻ, ở Mỹ tiền kinh phí cho khoa học rất khiêm tốn, họ không cần dự hội nghị nhiều, chỉ là mời khách trình bày theo Seminar (làm việc nhóm).
Hiện nay ở ta, đáng buồn là khoa học thiếu vắng Seminar, đây là hình thức nghiên túc mà ít tốn kém, ở đó không chỉ học cái mới mà còn thôi thúc tạo ra sự say mê. Tôi kiến nghị, các trường đại học nên có hệ thống tự chủ tài chính để duy trì Seminar thường xuyên.
Xin cảm ơn Giáo sư.
Xuân Trung (ghi)