Trong một chuyến công tác tới Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh Thái Nguyên Nguyên (Trại cai nghiện tại tổ 8, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên) mới đây, phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam đã có dịp gặp và nghe phản ánh nguyện vọng của anh Phạm Đức Trung (một học viên của trung tâm, 44 tuổi, thường trú ở xóm 12, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên).
Phản ánh với chúng tôi, anh Trung cho biết, vào ngày 26/4 vừa qua, anh bị công an thị trấn Sông Cầu bắt buộc đưa vào trung tâm cai nghiện của tỉnh. Anh Trung thừa nhận rằng, trước đây anh đã lầm lỡ bị nghiện ma tuý. Tuy nhiên, kể từ năm 2007 anh đã cai nghiện thành công và không dùng lại ma tuy nữa.
Hiện gia cảnh anh Trung ở quê đang rất khó khăn, gia đình anh chỉ có một ít diện tích đất trồng chè cằn cỗi, vợ anh (chị Đinh Thị Giang) bị bệnh xuất huyết dạ dày, 3 đứa con anh đang độ tuổi ăn học. Ngoài ra, anh Trung còn có bố mẹ già cần người chăm sóc. Bởi vậy, anh Trung mong muốn các cơ quan chức năng xem xét cho anh được về địa phương tái hoà nhập cộng đồng, nuôi vợ con và chăm sóc bố mẹ già.
Anh Phạm Đức Trung trò chuyện với phóng viên. |
“Tôi biết, tôi từng là một người không ra gì. Nhưng sau khi bỏ ma túy vào năm 2007, tôi đã tu chí làm ăn. Chỉ 2 năm sau đó, tức năm 2009, tôi đã xây được một căn nhà cấp 4 và nuôi được các con tôi ăn học. Trước khi bị đưa vào trung tâm cai nghiện này, tôi cũng sắm được chiếc xe máy để tôi và vợ có phương tiện đi lại. Tất cả những điều đó, dân làng hàng xóm đều biết.
Mấy năm nay, vợ tôi ốm đau, bố mẹ tôi cũng đã già yếu cần người chăm sóc. Vì tôi phải vào trại mà đứa con cả mới học xong lớp 12 không dám thi đại học. Nếu tôi phải ở trong này lâu dài, không biết vợ con tôi sẽ sống ra sao. Nhất là 2 đứa út (lần lượt sinh năm 2000 và 2006 – PV), không khéo chúng lại phải bỏ học mất.
Nếu tôi ở đây, nhà nước sẽ mất chi phí cho tôi. Trong khi đó, từ lâu tôi đã không còn là một người nghiện nữa. Vì vậy, tôi rất mong các cơ quan, ban ngành chức năng xem xét cho tôi được trở về hòa nhập cộng đồng, để tôi nuôi vợ, nuôi con và chăm sóc bố mẹ già.”
Được biết, vào thời điểm bị đưa vào trại cai nghiện, anh Trung đang là người đứng ra nhận một số hạng mục công trình xây dựng trong tỉnh Thái Nguyên. Anh phụ trách mấy chục công nhân khác thi công các công trình này và vẫn chưa lấy được chi phí xây dựng từ chủ đầu tư.
Theo phản ảnh của gia đình anh Phạm Đức Trung ở thị trấn Sông Cầu tất cả mọi người đều khẳng định rằng anh này đã cai nghiện được nhiều năm nay và mong muốn anh được trở về. Đặc biệt là anh Trung đã cai nghiện thành công nhờ quyết tâm của bản thân và sự giúp đỡ của gia đình chứ chưa từng vào bất cứ trung tâm cai nghiện nào.
Cũng theo phản ánh của gia đình anh Trung, trước đây, gia đình đã nhiều lần anh gửi đơn tới công an địa phương xin xóa bỏ tên trong danh sách những người nghiện và cho anh được tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, không rõ tại sao nguyện vọng của gia đình chưa được chấp thuận. Đến tháng 4 vừa qua thì bị đưa vào trung tâm cai nghiện của tỉnh.
Về hoàn cảnh của gia đình anh Trung, bà Bùi Thị Hiền, Trưởng xóm 12, thị trấn Sông Cầu cho biết, việc anh Trung có còn sử dụng ma túy hay không thì bà không nắm được, vì việc này do bên công an phụ trách. Tuy nhiên, theo bà Hiền xác nhận, trước đây gia đình anh Trung thuộc diện hộ nghèo trong xóm. Đến năm 2012 thì gia đình anh đã thoát nghèo.
Hiện vợ chồng anh Trung cũng xây được nhà cửa và sắm sửa được một số đồ dùng thiết yếu như xe máy, tivi… mặc dù giá trị những tài sản này là không lớn. Vợ chồng anh Trung chỉ có một ít đất trồng chè, chủ yếu đi làm thuê bên ngoài để mưu sinh.
Liên quan đến sự việc này, ông Vũ Văn Thuấn – Trưởng Công an thị trấn Sông Cầu cho biết: Việc đưa anh Trung vào diện cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm cai nghiện tỉnh Thái Nguyên đã được Công an huyện Đồng Hỷ chấp thuận từ trước. Tuy nhiên, trong thời gian cai tại Trung tâm Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh Thái Nguyên, nếu anh Trung cai tốt thì gia đình cần làm việc với Trung tâm. Nếu Trung tâm có ý kiến thì phía công an thị trấn Sông Cầu cũng như công an huyện Đồng Hỷ sẽ xem xét đồng cho anh trở về địa phương, xóa tên trong danh sách người nghiện ma túy để anh hòa nhập cộng đồng.
Nhưng điều đáng chú ý là, theo phản ảnh của vợ và mẹ anh Trung thì khi làm việc với Trung tâm Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh Thái Nguyên, các cán bộ quan lý ở đây cho biết, để Trung tâm đồng ý cho anh Trung về thì cần phải có văn bản xác nhận ý kiến của công an địa phương.
Khi về công an địa phương xin ý kiến xác nhận thì gia đình chưa được đồng ý. Thậm chí, chị Đinh Thị Giang còn cho biết, đã nhiều lần chị tìm tới trụ sở Công an thị trấn Sông Cầu tìm gặp Trưởng công an để xin cho chồng chị được về nhưng chưa lần nào gặp được vì lý do Trưởng Công an thị trấn bận việc hoặc đi vắng(?).
Chính vì vậy, hiện vợ anh Trung đang rất mong mỏi chồng mình được “về sớm ngày nào hay ngấy ấy” để nuôi con, nhưng chị lại "không biết kêu ai"! Rất mong các cơ quan chức năng thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ và tỉnh Thái Nguyên xem xét tới hoàn cảnh của anh Phạm Đức Trung.