Theo Quyết định 69/2013/QĐ-TTg của Chính phủ quy định về mức giá bán lẻ điện bình quân cũng như quỹ bình ổn giá điện, việc điều chỉnh giá điện tăng dưới 10% sẽ do EVN tự quyết, điều chỉnh giá điện tăng trên 10% phải lập hồ sơ phương án báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để thẩm định.
Sau khi thẩm định phương án điều chỉnh giá điện, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan sẽ trích lập, sử dụng, quản lý quỹ bình ổn giá điện.
Trong khi đó, quy định điều chỉnh giá điện bán lẻ hiện nay bộc lộ lỗ hổng khi dựa trên báo cáo của EVN, thiếu sự thẩm định kiểm tra nên đã xảy ra trường hợp EVN kê khai cả việc xây dựng bể bơi, nhà ở vào giá thành sản xuất kinh doanh điện. Vì vậy có ý kiến cho rằng, nên điều chỉnh mức giá điện như áp dụng với giá xăng dầu, tức là dựa trên mức giá bình quân thế giới.
Khó điều hành giá điện theo cơ chế thị trường khi EVN vẫn độc quyền |
Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, quản lý mặt hàng theo cơ chế thị trường là quan điểm nhất quán, việc áp dụng giá lên xuống theo giá chung thế giới là cơ sở đảm bảo tính thị trường nhất định. Nhưng việc điều chỉnh giá mặt hàng theo giá thế giới chỉ được áp dụng với mặt hàng phụ thuộc vào nhiên liệu nước ngoài hoặc phục thuộc vào cung cầu từ nước ngoài.
Tuy nhiên, sẽ khó để áp dụng một cơ chế tăng giảm giá dựa vào giá chung của thế giới với mặt hàng điện. Trên thế giới, giá điện phụ thuộc vào từng nước. Ví dụ ở Nhật, 30 năm qua giá điện ổn định vì nước này chạy bằng điện hạt nhân; ở Nga thì quá nhiều thủy điện và xăng dầu nên giá điện ổn định.
“Nếu muốn tăng giá điện theo giá thị trường hoặc giá nguyên liệu nhập từ nước ngoài chỉ khi chúng ta nhập xăng dầu để chạy điện thì giá điện đó phải lên xuống theo giá xăng dầu thế giới. Nhưng phải tránh tình trạng thế giới tăng 1 mình tăng 3-4 lần, đó là vai trò của cơ quan giám sát” - TS Nguyễn Minh Phong nói.
Thực ra ý tưởng điều chỉnh giá điện theo cơ chế lên xuống thị trường nhằm xóa bỏ cơ chế độc quyền của EVN nhằm đưa giá điện giảm xuống song, muốn giá thành sản phẩm hàng hóa giảm chỉ khi cung lớn hơn cầu. Nói các khác, giá điện giảm chỉ khi điện sản xuất ra dư thừa. Nhưng làm sao biết điện dư thừa thì lại là chuyện khác.
Đưa ra quan điểm ngược lại, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Không thể căn cứ vào lượng điện thừa hay thiếu để điều chỉnh giá điện vì bản thân điện không giống hàng hóa khác là khi sử sản xuất ra nhiều có thể cho vào kho cất giữ mà đòi hỏi phải tiêu dùng ngay, vì vậy các nước có động tác khi nào thừa điện cho máy bơm phun nước lên tầm cao khi nào thiếu lại hạ xuống di thủy điện cách để tiết kiệm điện, không sản xuất không tải thì điện sản xuất ra đành bỏ”.
Trong trường hợp lượng điện sản xuất ra lớn ngành điện có thể sử dụng hình thức tích trữ điện bằng ắc-quy, giảm tiền điện để kích thích tiêu dùng điện để lượng điện tạo ra không bị bỏ phí.
Trong khi đó, nói đến cơ chế quản lý giá điện hiện nay, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, không có cơ chế thị trường do chỉ duy nhất EVN thực hiện kinh doanh sản xuất điện. “Cái gọi là cơ chế thị trường của ngành điện là không có mà là cơ chế độc quyền vì không ai cạnh tranh với EVN”, TS Lê Đăng Doanh cho biết.
Theo TS Lê Đăng Doanh, giá điện sắp tới sẽ còn tiếp tục tăng, nhưng muốn minh bạch tăng giá điện cơ quan quản lý phải kiểm soát được độc quyền, kiểm soát được cơ cấu giá. Mà muốn làm được việc này EVN phải công bố công khai những chi phí nào mà ngành điện tính vào giá thành.
Mặt khác việc tăng giá điện là cần thiết nhưng cùng với đó nhà nước nên mở rộng tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư vào ngành điện, từ đó chống độc quyền về giá điện cũng như tránh nguy cơ thiếu điện trong tương lai.