Trên đây là đề nghị của TS. Tâm lý học Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội, khi chứng kiến sự viên đáng tiếc tại Nhà trẻ tư thục Phương Anh, đóng trên địa bàn phường Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức (TP. HCM) vừa xảy ra ít hôm.
“Tôi xem những clip hành hạ trẻ con thấy dã man quá, không tưởng tượng được, tôi không nghĩ những sự việc như thế này vẫn tiếp tục xảy ra với các cháu”. TS Tùng Lâm chi sẻ.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, những sự việc bạo hành đối với trẻ em như trường hợp ở Nhà trẻ Phương Anh thì cần phải xem xét lại nơi đào tạo ra những cô bảo mẫu như thế. Có một thực tế hiện nay, người học sư phạm xong chỉ đủ năm, đủ tháng, nộp tiền đầy đủ là ra được cấp bằng, chúng ta không kiểm tra đánh giá năng lực, đủ phẩm chất, đủ năng lực để có hành nghề hay không?
Bạo hành trẻ em: Cần sự giám sát của cả xã hội. |
“Ai không có chứng chỉ hành nghề, ai làm sai phải giải quyết triệt để, không có xin lỗi, không cần phạt hành chính. Một người thầy tốt trước hết phải yêu thương yêu học trò, nếu các thầy cô có lòng yêu thương trò như con mình thì chắc là không hành động như vậy. Clip vừa qua cho thấy bảo mẫu hoàn toàn dùng bạo lực để nuôi dưỡng trẻ”, nhà Tâm lý kiến nghị.
Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho biết, nếu nhìn nhận ở góc độ tâm lý để đánh giá những bảo mẫu này sẽ thấy, những người đó chưa yêu thương, chưa tôn trọng trẻ. Có cách giáo dục áp đặt với phương pháp đồng loạt, bắt các trẻ đều phải làm theo sự mong muốn của mình, trong khi mỗi trẻ đều có điều kiện, hoàn cảnh và tính tình khác nhau.
“Trong dạy người ở mầm non rất quan trọng, phải dạy từng cháu, tùy sức khỏe, tùy tính tình để đưa ra các chăm sóc, giáo dục. Ngay cả chế độ ăn ở mầm non không thể ăn đồng loạt được, có đứa quen ăn cháo, ăn cơm…phải nắm sở thích của từng cháu thông qua cha mẹ, phải từng ly từng tý. Nhưng chúng ta thường bỏ qua hết những điều này” TS. Lâm chia sẻ.
“Công tác quản lý xã hội cần chặt chẽ và nhà nước phải dứt khoát quy định tất cả những người mở trường nuôi dạy trẻ phải trình giấy phép trước khi làm. Cần giám sát của cả cộng đồng ở đây”.
Với kinh nghiệm giáo dục của mình, TS. Tùng Lâm nói, đối với trẻ con phải “nưng như nưng trứng, hứng như hứng hoa”, với trẻ em phải đưa an toàn lên hàng đầu. Nhưng một trong năm nhu cầu về mặt tâm lý của trẻ là được mặc ấm, được ăn đầy đủ, được vui chơi trong điều kiện của trẻ, sau đó mới là an toàn: thể chất, tinh thần, sau đó được giao tiếp, được chăm sóc, được hỏi han.
Mở rộng vấn đề sau những sự việc bạo hành trẻ em trong trường mầm non tư thục, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho hay, chất lượng giáo viên của chúng ta đang có vấn đề, thấp ở cấp dưới. “Tôi đang kiến nghị càng bậc học dưới thì đội ngũ nhà giáo trình độ, năng lực, phẩm chất càng phải cao.
Vì trước đây chúng ta thả nổi, khoán giáo dục mầm non cho tư nhân hoàn toàn, bây giờ mới có phổ cập 5 tuổi, thực chất từ nhà trẻ mầm non (từ 3 tuổi) thì sự chăm sóc của nhà nước phải nâng cao. Hiện nay có một nghịch lý càng bố mẹ trẻ, lương càng thấp thì càng ít có điều kiện chăm sóc con cái, nhà nước chúng ta lại không hỗ trợ gì. Phải chăng chúng ta đã làm ngược?” TS. Lâm nêu câu hỏi.
Để chú trọng vào đội ngũ, chất lượng bậc học được tốt hơn, TS. Tùng Lâm đề nghị bậc đại học hãy để xã hội hóa nhiều hơn, nhà nước đầu tư nâng cao chất lượng các cấp học thấp. Nhất là cơ sở đào tạo sơ cấp, trung cấp phải hết sức bài bản, chúng ta đủ nhân lực làm điều này và chúng ta phải đầu tư có chọn lọc đội ngũ.
Sự việc Nhà trẻ Phương Anh vừa qua cho thấy, không phải chủ nhà trẻ này không có bằng cấp, không có trình độ, không có hiểu biết về nuôi dạy trẻ, nhưng đã đối xử với trẻ con đi ngược với những gì mình được học, đi ngược với đạo đức nhà giáo, con người. Phải chăng do đồng tiền đặt ra gánh nặng?
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, vấn đề này trách nhiệm của cả cộng đồng là rất lớn, từ bố mẹ các bé cũng phải tham gia giám sát. Ở việc này không còn là việc riêng của ngành giáo dục. Làm nghề giáo không được vụ lợi, mà hãy cần mẫn, sáng tạo và công việc chăm sóc con người phải hết sức tâm lý.
Ông Đặng Trần Tính – Phó chủ tịch Hội khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng nêu quan điểm, ở Việt Nam trông nom trẻ rất ẩu, sự việc vừa qua cho thấy tính chất rất dã man, nếu đào tạo cô giáo có quy chuẩn thì không xảy ra những điều đáng tiếc như thế.
Ông Tính lấy ví dụ cháu ông 18 tháng tuổi được đi nhà trẻ ở nước Pháp, nhà trẻ ở Pháp có một nguyên tắc hết sức yêu thương trẻ nhưng cũng phải nguyên tắc để cho trẻ đi dần vào tự chủ động.
“Trẻ con ở Pháp được khoảng 10 tháng tuổi đi nhà trẻ cho ăn, cô giáo phải cho ăn từng trẻ một, quy định chỉ ăn 10-15 phút, cô giáo chỉ cần xúc thức ăn vào thìa cho trẻ để trẻ cho vào mồm, cháu nhà tôi đi nhà trẻ chỉ 2 tháng là tự ăn được” ông Tính chia sẻ.
Một nguyên tắc nữa ở Pháp, khi trẻ con mới đi nhà trẻ thỉ bố mẹ hay người thân phải đi theo, và thời gian đầu bố mẹ phải ở đó tới lúc đón trẻ về. Bố mẹ ở đó để cung cấp những thói quen của trẻ cho cố giáo, ngược lại bố mẹ cũng sẽ quan sát cách dạy từ các cô. Trẻ sẽ có thời gian tăng dần làm quen với các bạn, với trường, buổi đầu chỉ 1-2 tiếng/ngày.
Ông Tính cũng kết luận, năng lực nhà giáo của chúng ta chưa tốt, đó là điểm chung của các ngành đào tạo chúng ra, chúng ta gần như không quan tâm đầu ra mà chỉ thít chặt đầu vào, đó là đi ngược quy luật chung.
Sự việc mới đây tại Nhà trẻ Phương Anh ở Q. Thủ Đức, TP. HCM lại khiến nhiều phụ huynh, xã hội lo lắng về chất lượng của các nhà trẻ tư thục, tự phát. Ngành giáo dục và chính quyền các cấp cần ráo riết hơn nữa trong việc thanh, kiểm tra, xử lý nặng, dứt khoát với các cơ sở nuôi dạy trẻ chưa đạt yêu cầu.