Cách đơn giản phòng trị đau cổ gáy, đau lưng

25/12/2013 10:29
Theo Vnexpress
Chứng đau vùng cổ gáy và đau lưng rất dễ xảy ra với những người làm công việc ngồi hoặc đứng lâu như kinh doanh, nhân viên văn phòng, tài xế, phi công, giáo viên, thợ may...

Khi mới bị, triệu chứng thường không nặng, nhưng nếu không biết cách chữa trị kịp thời có thể dẫn tới bệnh lý mãn tính, gây trở ngại rất nhiều cho công việc và cuộc sống.

Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM nêu ra một số trường hợp đau vùng cổ gáy và đau lưng mới mắc, tình trạng nhẹ, có thể tự điều chỉnh bằng luyện tập và dùng một số bài thuốc đơn giản.

Đau cổ, gáy


Chứng đau vùng cổ, gáy làm ảnh hưởng đến sự vận động của cơ thể, không chỉ gây bất lợi cho từng cá nhân mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. Tuy nhiên, nếu thực hiện luyện tập cổ tích cực và tập thể thao thường xuyên thì những nguy cơ mắc bệnh có thể giảm xuống đáng kể, phần lớn người bệnh sẽ hồi phục sau vài tuần điều trị. Chỉ có khoảng 12% phải chịu đựng chứng này trong thời gian lâu hơn và một số người phải bỏ cả công việc vì những ảnh hưởng của bệnh.

Một số động tác phòng và chữa đau cổ, gáy

Nếu bạn phải làm những công việc văn phòng, phải ngồi nhiều giờ trên ghế, để phòng ngừa đau vùng cổ, gáy, nên tranh thủ vài phút để làm các động tác sau:

- Ngồi thẳng lưng trên ghế dựa, toàn thân thư giãn, nếu đứng thì hai chân đứng rộng bằng vai, thả lỏng toàn bộ các cơ ở cổ, hai mắt nhìn thẳng, hít thở tự nhiên. Dùng tay xoa ấm phần cơ sau gáy từ trên xuống dưới.

Cúi gập đầu xuống (thở ra), ngẩng đầu cao, mắt nhìn lên trần nhà (hít sâu vào), cúi xuống ngẩng lên đếm 1 lần. Thực hiện 10-20 lần.

- Dùng tay tiếp tục xoa ấm phần cơ sau gáy từ trên xuống dưới.

Nghiêng đầu qua trái, cố gắng cho lỗ tai bạn chạm đến mỏm vai trái (thở ra), rồi xoay đầu qua phải, tai chạm mỏm vai phải (hít vào). Qua trái - phải đếm 1 lần. Thực hiện 10-20 lần rồi đổi bên: nghiêng qua phải (thở ra), nghiêng qua trái (hít vào). Thực hiện 5-10 lần.

- Xoay đầu qua trái, cố gắng để cằm chạm vai trái (thở ra), rồi xoay đầu qua phải, cằm chạm vai phải (hít vào). Qua trái - phải đếm 1 lần. Thực hiện 5 lần rồi đổi bên: xoay đầu qua phải (thở ra), xoay đầu qua trái (hít vào), thực hiện 5-10 lần.

Ba động tác trên đây có tác dụng làm cho các đốt sống cổ, cơ cổ và vai của bạn hoạt động tốt hơn, phòng chống thoái hoá cột sống cổ, co cứng cơ cổ, tê mỏi hai cánh tay và bàn tay.

Dân văn phòng phải đứng nhiều hoặc ngồi nhiều dễ mắc các bệnh đau vai gáy, đau lưng. Ảnh minh họa: gofitty
Dân văn phòng phải đứng nhiều hoặc ngồi nhiều dễ mắc các bệnh đau vai gáy, đau lưng. Ảnh minh họa: gofitty

Sau khi thực hiện các động tác trên, tốt nhất nên đi lại một chút, hoặc làm các động tác đứng lên ngồi xuống nhẹ nhàng để có thể bổ trợ cho sức khoẻ toàn cơ thể. Khi ngồi vào bàn, cần chú ý chiều cao giữa ghế và bàn làm việc sao cho đầu không phải cúi hay ngẩng khi nhìn vào màn hình máy tính.

Đau lưng


Đau lưng có hai dạng: Đau lưng cấp và đau lưng mãn tính.

Trường hợp đau lưng cấp, mới phát, thể nhẹ, chưa gây biến chứng gì nguy hiểm thường do một số nguyên nhân sau:

- Thời tiết thay đổi đột ngột, nhiễm lạnh vùng lưng.

- Làm việc trong một tư thế cố định lâu dài.

- Vận động hoặc làm việc trong một tư thế mà cột sống bị lệch, như ngồi không đúng cách.

- Khi mang vác vật nặng, hoặc người mập phì có trọng lượng cơ thể lớn, các đĩa đệm làm cột sống phải chịu sự đè nén quá mức cũng gây đau lưng.

- Mang giày cao gót làm cho trọng lực cơ thể dồn về phía trước, đốt sống lưng L4 và L5 dễ bị trượt ra trước, gây đau lưng cấp.

Trong các trường hợp trên, có thể dùng các biện pháp như hạn chế vận động, nằm nghỉ ngơi, kéo giãn cột sống, chườm nóng hoặc chườm lạnh, xoa bóp, bấm huyệt…

- Tư thế nằm nghỉ ngơi:

Tư thế nằm ngửa thả lỏng người thoải mái trên giường cứng có nệm tốt và có độ lún vừa phải, để giữ được đường cong sinh lý cột sống, không nên nằm trên nệm mềm làm lưng lõm xuống, mạch máu và cơ sẽ bị chèn ép.

Dùng một gối tròn nhỏ lót dưới cột sống cổ, đầu không kê gối. Một gối mỏng kê dưới lưng để lưng hơi ưỡn lên. Một gối kê dưới chân để chân co lên thoải mái. Sau 30 phút, nhẹ nhàng xoay nghiêng người để thay đổi tư thế. Khi dậy, xoay người nằm nghiêng để dậy từ từ.

- Xoa bóp:

Xoa bóp, đấm hoặc chặt nhẹ nhàng hai bên cột sống khoảng 30 phút. Bấm vào các điểm đau và day nhẹ theo chiều kim đồng hồ. Có thể dùng rượu gừng để xoa bóp (một lít rượu trắng ngâm với 0,5 kg gừng tươi gọt bỏ vỏ, giã nát nhuyễn, trong 1-2 ngày là dùng được).

- Chườm:

Khi mới bị đau lưng do chấn thương, có thể dùng túi đựng nước đá chườm lên chỗ đau khoảng 30 phút, làm co mạch, giảm đau tức thì. Nếu đau lưng do co cơ, có thể dùng khăn tẩm nước ấm nóng khoảng 40-45 độ C để đắp lên chỗ đau khoảng 30 phút để làm giãn mạch máu, cơ và dây chằng.

- Kéo giãn cột sống:

Đu hai tay trên xà ngang, đung đưa thân mình khoảng 5-10 phút. Nếu có áo nịt và đai lưng, dùng treo cột sống thì rất tốt.

Sử dụng thuốc

Đông y gọi đau lưng là “yêu thống”, căn cứ vào nguyên nhân và triệu chứng mà chia thành 4 thể bệnh, cùng với những bài thuốc đơn giản sau đây:

1. Thể huyết ứ: Đau lưng như bị đánh, bị đâm vào, chỗ đau cố định không di chuyển, cúi vặn càng đau. Nhiều người từng bị té ngã, chấn thương.

- Hạt cam sao vàng, xay nhỏ thành bột mịn. Ngày uống 10 g, chia 2 lần, chiêu thuốc bằng rượu nhẹ.

- Lá ngải cứu tươi xào nóng với giấm, bọc trong túi vải đắp, chườm ấm vào thắt lưng hay chỗ đau.

2. Thể thận hư: Lưng đau và mỏi, thích đấm bóp, xoa, kèm theo lưng ngực không có sức, làm việc nhiều thì nặng lên, đêm đi tiểu nhiều. Thể thận hư chia ra thận dương hư và thận âm hư.

* Nếu dương hư, người lạnh, chân tay lạnh, bụng và lưng lạnh, mặt trắng nhạt.

- Hạt hẹ 12 g, vừng đen 15 g. Nấu với 500 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2-3 lần trong ngày.

- Bổ cốt toái (củ ráng bay) 30 g, cạo bỏ lông, xắt mỏng, đem sấy khô rồi xay thành bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 3 g. Chiêu thuốc bằng rượu hoặc nước nóng.

* Nếu âm hư thì người gầy khô, cổ họng khô khát, tâm phiền khó ngủ, sắc mặt đỏ, lòng bàn tay bàn chân nóng.

- Lá dâu tằm 16 g, đậu đen 20 g, mè đen 20 g, cành dâu 20 g, cỏ xước 20 g. Nấu với 600 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2-3 lần trong ngày.

3. Thể thấp nhiệt: Lưng đau nhức, người bứt rứt, mắt đỏ, miệng đắng họng khô, tiểu tiện ngắn, nước tiểu vàng đỏ, đại tiện táo bón.

- Ðậu đỏ hạt nhỏ 30 g, xơ mướp 12 g, củ hành ta 10 g. Nấu với 600 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2-3 lần trong ngày.

Rễ cây lau hoặc rễ tranh 30 g, vỏ quả bí ngô già 30 g, nhân trần 15 g. Nấu với 600 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2-3 lần trong ngày.

4. Thể hàn thấp:
Lưng đau, lạnh, ngày nhẹ đêm nặng, những ngày trời trở lạnh hoặc mưa dầm thì bệnh nặng thêm, sắc mặt tái nhạt.

- Cẩu tích (rễ cây lông cu-li) 30 g. Nấu với 500 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2-3 lần trong ngày.

- Cây lá lốt (thân, lá) 20 g, gừng khô 6 g. Nấu với 600 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2-3 lần trong ngày.

- Lá ớt hiểm 50 g, rượu trắng vừa đủ. Lá ớt rửa sạch, giã nát, xào nóng rồi cho thêm chút rượu, bọc trong túi vải xoa nhẹ vào chỗ đau khi thuốc còn nóng. Khi thuốc nguội có thể xào lại 1-2 lần.

- Gừng sống 20 g, hành củ 15 g, bột gạo (gạo lứt càng tốt) 30 g. Ðem gừng và hành giã nát rồi cho bột vào. Xào nóng, để nguội vừa phải rồi dùng xoa nhẹ vào chỗ đau.

Theo Vnexpress