Tờ VnExpress dẫn nguồn tin, các luật sư Trần Đình Triển, Ngô Ngọc Thủy, Trần Đại Thắng cho hay đã nhận được thông tin ông Dương Chí Dũng kháng cáo. Ông Dũng tự làm đơn, chưa tiếp xúc với luật sư và người nhà nên họ chưa biết nội dung chống án. Ba luật sư cho biết, gia đình ông Dũng vẫn muốn mời họ tham gia bào chữa trong phiên phúc thẩm.
Trước đó, trong phiên sơ thẩm mở giữa tháng 12, cựu chủ tịch Vinalines thừa nhận đã thiếu quan tâm sát sao để xảy ra thất thoát hơn 366 tỷ đồng của nhà nước trong thương vụ mua ụ nổi 83M theo cáo buộc của VKS. Riêng cáo buộc tham ô tài sản 10 tỷ đồng, ông Dũng nói trước tòa: "Đến chết cũng không nhận".
Trần Hải Sơn tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh:VnExpress |
Cùng với ông Dũng, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines Trần Hải Sơn cũng xin giảm nhẹ hình phạt và cựu đăng kiểm viên Lê Văn Dương gửi đơn lên cấp phúc thẩm vì cho rằng quy kết của TAND Hà Nội là không thỏa đáng.
Trong lá đơn đề ngày 17/12, một hôm sau khi lĩnh 22 năm tù về tội Tham ô, Cố ý làm trái, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines Trần Hải Sơn viết: "Trong quá trình xét xử đã nhận thức được hành vi là đúng người, đúng tội. Bị cáo mong muốn được sửa chữa những sai lầm và khắc phục hậu quả".
Ông Sơn đề nghị TAND Tối cao xem xét cá thể hóa trách nhiệm hình sự của bị cáo trong các tội danh Tham ô tài sản và Cố ý làm trái để được giảm nhẹ hình phạt. Ông này cho rằng, bố mình từng là sĩ quan tham gia chiến trường Lào, được tặng thưởng nhiều huân huy chương; bản thân bị cáo có nhiều đóng góp cho ngành hàng hải Việt Nam,được tặng thưởng nhiều bằng khen, danh hiệu thi đua.
Ngoài ra, ông Sơn cũng đề nghị được giảm mức trách nhiệm bồi thường dân sự, số tiền hơn 39 tỷ đồng.
Theo đó dẫn lời trên tờ Tiền Phong cũng trong đơn chống án của mình, bị cáo Lê Văn Dương (SN 1970, Đăng kiểm viên – Cục Đăng kiểm Việt Nam, bị HĐXX tuyên 7 năm tù về hành vi Cố ý làm trái) cho rằng bản án sơ thẩm kết tội mình là chưa thỏa đáng, chưa đủ căn cứ.
Theo bị cáo Dương, quá trình công tác, ông này được Cục Đăng kiểm Việt Nam cử đi khảo sát tình trạng kỹ thuật ụ nổi 83M tại Cộng hòa liên bang Nga cho Vinalines. Khi đó, trong danh mục tài liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa có hướng dẫn để thực hiện công việc này. Và cũng không có quy định nào bắt buộc phải giám định ụ nổi theo hướng dấn của Cục Đăng kiểm.
“Do vậy, tôi đã vận dụng kiến thức đã học, kinh nghiệm thực tế và tham khảo các tài liệu của Cục Đăng kiểm… Sau khi hoàn thành công việc giám định hiện trường, tôi về Việt Nam lập biên bản kiểm tra kỹ thuật ký ngày 8/8/2008. Biên bản này đã được lãnh đạo Chi cục Đăng kiểm số 6 soát xét, ký phê duyệt, Phòng Tàu biển và lãnh đạo Cục xem xét, chấp nhận để làm căn cứ lập chứng thư giám định do Cục trưởng Nguyễn Văn Ban ký. Điều này khẳng định tôi đã không làm sai hướng dẫn…” – ông Dương lập luận, và cho rằng mình đã không làm sai hướng dẫn của ngành.
Cũng trong đơn kháng án, ông Dương cho biết thêm, biên bản giám định do ông này ký và lập vào ngày 8/8/2008 đã phản ánh đúng tình trạng kỹ thuật ụ nổi 83M tại thời điểm kiêm tra.
Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Dương khẳng định: “Tôi bị tuyên phạt phải bồi thường hơn 15 tỷ đồng là không có cơ sở. Các bị cáo khác ở hải quan bị phạt tù nhiều hơn tôi mà trách nhiệm dân sự lại thấp hơn tôi. Vì vậy, tôi kính mong TAND Tối cao xem xét”./.