Xe tăng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (nguồn Tân Hoa xã) |
Tân Hoa xã ngày 27 tháng 12 có bài viết cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ngày 17 tháng 12, Chính phủ Nhật Bản chính thức thông qua Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia đầu tiên, đồng thời lấy chiến lược này làm phương châm chỉ đạo, đã tiến hành sửa đổi Đại cương kế hoạch phòng vệ và Kế hoạch xây dựng Lực lượng Phòng vệ trung hạn.
Ba văn kiện này đã quyết định chính sách bảo đảm an ninh và phương hướng lớn điều chỉnh quân bị của Nhật Bản trong 5-10 năm tới, thậm chí là sự chuyển ngoặt mang tính căn bản về tư tưởng và chính sách bảo đảm an ninh của Nhật Bản, đánh dấu “Quân sự học Abe” chính thức xuất hiện. Tân Hoa xã đã dùng 1 bức ảnh trích dẫn vắn tắt những nội dung cốt lõi của các văn kiện này gồm:
1. “Đại cương Kế hoạch Phòng vệ” mới của Nhật Bản chỉ rõ:
- Lấy “lực lượng phòng vệ cơ động tổng hợp” thay thế “lực lượng phòng vệ động thái”, đồng thời nhấn mạnh khả năng phòng vệ đảo.
- Xây dựng “Quân đoàn cơ động đổ bộ” – lực lượng chuyên trách ứng phó tác chiến đoạt đảo, bảo đảm tác chiến lập thể trên biển, trên mặt đất, trên không.
Trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ nhập khẩu 28 máy bay chiến đấu tàng hình F-35A |
Trên cơ sở đó, lần đầu tiên viết vào tư tưởng có liên quan đến việc coi trọng “khả năng phòng thủ động thái”:
- Sẽ tiến hành triển khai cân bằng Lực lượng Phòng vệ trên toàn quốc.
- Từ tăng cường công tác trinh sát, giám sát, tìm kiếm, tình báo thường xuyên chuyển sang nhấn mạnh “tình huống bất ngờ, lập tức ứng phó”.
2. “Kế hoạch xây dựng Lực lượng Phòng vệ trung hạn” đưa ra:
Để nâng cao khả năng phòng vệ đảo, Nhật Bản sẽ nhập khẩu:
- 52 xe chiến đấu đổ bộ.
- 99 xe tăng cơ động.
Lực lượng tinh nhuệ WAIR của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản tiến hành diễn tập tác chiến bí mật tại Mỹ (nguồn Tân Hoa xã) |
- 17 máy bay vận tải cánh xoay Osprey.
- 3 máy bay do thám không người lái Global Hawk.
- Tăng mua 28 máy bay chiến đấu F-35.
Theo đó, nhấn mạnh tăng cường phòng thủ trên không, trên biển ở vùng biển tây nam của Nhật Bản:
- Cắt giảm số lượng xe tăng đất liền Nhật Bản xuống 200 chiếc.
- Thu hẹp sư đoàn 2 và lữ đoàn 11 của lực lượng xe tăng, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất ở miền bắc.
- Triển khai Lực lượng Phòng vệ Mặt đất ở đảo nhỏ.
3. “Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia” nhấn mạnh:
- Tăng cường phòng bị đối với Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.
- Hoàn thiện thể chế phòng vệ, tăng cường thể chế cảnh giới lãnh thổ và thể chế theo dõi, giám sát biển.
Quân đội Mỹ tiến hành huấn luyện tác chiến đặc biệt cho Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản tại Mỹ (nguồn Tân Hoa xã) |
- Coi trọng ứng phó với các cuộc tấn công mạng và an ninh vũ trụ.
- Sửa đổi “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, sẽ xây dựng văn kiện chính sách mới liên quan đến quản lý xuất khẩu vũ khí.
- Xây dựng bầu không khí yêu nước cho người dân Nhật Bản.
Trên cơ sở đó, đề xuất rõ là Chính phủ Nhật Bản “tăng cường phòng thủ ứng phó với Trung Quốc”:
- Tăng số lượng tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản lên 22 chiếc.
- Lực lượng máy bay chiến đấu của căn cứ Naha, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản sẽ từ 1 sư đoàn tăng lên 2 sư đoàn.
- Triển khai “Lực lượng giám sát bờ biển” ở tỉnh Okinawa và đảo Yonaguni, Nhật Bản.
5 năm tới, Nhật Bản sẽ mua 17 máy bay cánh báo sớm MV-22 Osprey của Mỹ để tăng cường khả năng cơ động, phản ứng nhanh |
Theo Tân Hoa xã, lời mở đầu của Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia Nhật Bản nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ kiên trì đi con đường hòa bình, kiên trì tư tưởng “chỉ phòng thủ”, không làm cường quốc quân sự. Nhưng, các nội dung cụ thể lại “hung hăng đe dọa”, không có “mùi vị hòa bình” nào, có thể gọi là bản phác thảo của “Quân sự học Abe”.
Theo bài báo, mặc dù chiến lược an ninh của ông Abe khoác áo “chủ nghĩa hòa bình tích cực”, nhưng không thể che đậy tham vọng xây dựng cường quốc quân sự của ông. Trong tư tưởng “chủ nghĩa hòa bình tích cực” thì vấn đề không phải là “hòa bình” mà là “tích cực”, tức là “chủ động tấn công”, thậm chí “đánh đòn phủ đầu”.
Tân Hoa xã cho rằng, Chính phủ Shinzo Abe đề xuất phải phát huy tính tích cực, tính năng động ở 3 không gian khu vực gồm trong nước, châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu; ra quân toàn diện và tăng cường hiện diện quân sự và ngoại giao của Nhật Bản. Do đó, tham vọng của “Quân sự học Abe” không hề nhỏ.
Trong 5 năm tới, Nhật Bản có kế hoạch mua 3 máy bay do thám không người lái Global Hawk của Mỹ để tăng cường khả năng giám sát biển. |
Chẳng hạn, ở trong nước, các văn kiện đề xuất phải tăng cường quân bị, tăng cường “khả năng phòng vệ cơ động tổng hợp”, bảo đảm ưu thế trên biển và ưu thế trên không của lực lượng quân sự Nhật Bản. Nhật Bản tuyên bố, đồng minh quân sự Nhật-Mỹ là tài sản chung của bảo vệ trật tự châu Á-Thái Bình Dương, muốn thông qua trật tự hàng hải và an ninh hàng hải để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản can dự sâu hơn, rộng hơn vào cục diện bảo đảm an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trên toàn thế giới, Nhật Bản muốn phát huy vai trò tích cực hơn trong việc bảo vệ và xây dựng trật tự biển toàn cầu, không gian vũ trụ và không gian mạng.
Trên cơ sở đó, kế hoạch phòng vệ trung hạn của Nhật Bản muốn tăng cường toàn diện năng lực quân sự của Nhật Bản cả về chất và lượng.
Theo kế hoạch, trong 5 năm tới, tổng ngân sách phòng vệ của Nhật Bản đạt 24.670 tỷ yên (khoảng 239,5 tỷ USD), xây dựng mới “Quân đoàn cơ động đổ bộ” phụ trách đoạt lại đảo (nếu bị xâm lược), mua máy bay chiến đấu và máy bay do thám không người lái, tăng cường hợp tác tình báo Nhật-Mỹ v.v…
Tokyo còn nhấn mạnh đến tập trung phòng vệ trong tương lai, chẳng hạn, đề xuất thực hiện phối hợp phòng thủ “không có kẽ hở” giữa Nhật-Mỹ, ngầm cho biết Nhật Bản có thể lấy phối hợp phòng thủ với quân Mỹ làm lý do, phá vỡ “vùng cấm” thực hiện quyền tự vệ tập thể.
Văn kiện còn đề xuất viện trợ cho “các nước có liên quan” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương để nâng cao khả năng phòng vệ, mở rộng hợp tác trang bị kỹ thuật phòng vệ với nước khác.
Điều này cuối cùng sẽ làm cho “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” - được Tân Hoa xã coi là một trong những tiêu chí của quốc gia hòa bình của Nhật Bản - chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, đồng thời thúc đẩy cuộc “chạy đua vũ trang khu vực”.
Trong 5 năm tới, Nhật Bản muốn mua 52 xe tấn công đổ bộ |
Trong 5 năm tới, ngân sách phòng vệ Nhật Bản sẽ tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, ngày 24 tháng 12, Chính phủ Nhật Bản triệu tập hội nghị nội các, thông qua dự thảo ngân sách năm tài khóa mới đạt 95.900 tỷ yên (khoảng 918,9 tỷ USD), trong đó, chi tiêu quân sự tăng 2,8% so với năm trước, đạt 4.880 tỷ yên (khoảng 46,8 tỷ USD). Ngân sách này sẽ được trình lên Quốc hội Nhật Bản vào tháng 1 năm 2014.
Tờ “Yomiuri Shimbun” Nhật Bản cho rằng, ngân sách chính phủ mới đã phản ánh “màu sắc Abe” rõ ràng, nhằm thẳng vào “Trung Quốc, nước ngày càng ra sức hoạt động trên biển và có sách lược quân sự ngày càng cứng rắn”.
Theo truyền thông Nhật Bản, đây là hai năm liên tiếp Nhật Bản tăng chi tiêu quân sự, có thể làm cho quan hệ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng (Trung Quốc) căng thẳng hơn.
Theo tờ báo của Đảng Cộng sản Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản tăng mạnh ngân sách phòng vệ là để triển khai cụ thể Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia, Đại cương kế hoạch phòng vệ và Kế hoạch xây dựng Lực lượng Phòng vệ trung hạn mới, mục đích là để trở thành quốc gia có thể tác chiến ở nước ngoài.
Còn theo tờ “Liên hợp buổi sáng” Singapore, ngân sách phòng vệ năm 2014 của Nhật Bản có mức tăng lớn nhất trong 18 năm qua.
Nhật Bản có công nghệ tàu ngầm thông thường tiên tiến, có tin cho là Nhật Bản sẽ chia sẻ công nghệ tàu ngầm với Australia. |
Nhật Bản không những tăng cường mua sắm, trang bị một loạt vũ khí trang bị hiện đại, tiên tiến mới (nêu trên), mà còn thiết lập lực lượng đoạt đảo có khả năng cơ động linh hoạt.
Nhật Bản sẽ trước tiên thay đổi biên chế, lập Quân đoàn đổ bộ cơ động và lữ đoàn cơ động. Theo hãng AP, Nhật Bản dự định triển khai lực lượng giám sát, phản ứng nhanh, xây dựng cơ chế cảnh báo sớm, triển khai tàu ngầm, xe tăng hạng nhẹ và hệ thống phòng thủ tên lửa ở đảo nhỏ.
Theo đài truyền hình NHK Nhật Bản, Nhật Bản mua sắm xe tấn công đổ bộ và máy bay vận tải Osprey là để giúp cho quân đội triển khai hành động nhanh chóng; còn nhập khẩu máy bay do thám không người lái là để tăng cường khả năng theo dõi, giám sát vùng biển tây nam (có tranh chấp với Trung Quốc).
Hiện nay, trước lập trường và hành động cứng rắn, kiên quyết của Nhật Bản, Trung Quốc cũng ra sức tuyên truyền “mối đe dọa” từ Nhật Bản, cho rằng: Nhật Bản đang “tái vũ trang”, đang “quân sự hóa”, đang “quân phiệt hóa”, đang quay trở về thời kỳ Minh Trị, đang tạo ra mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh và ổn định khu vực...
Đồng thời, tích cực tuyên truyền chia rẽ đồng minh Nhật-Mỹ, thúc Mỹ kiểm soát Nhật Bản, cảnh báo cộng đồng quốc tế cần “cảnh giác, đề phòng” Nhật Bản…
Theo nhiêu nguồn tin, Nhật Bản sẽ bán thủy phi cơ US-2 cho Ấn Độ |
Từ lâu, Trung Quốc luôn tuyên truyền họ đi con đường “trỗi dậy hòa bình”, “phát triển hòa bình”, nhất là khi họ ra sức phát triển vũ khí trang bị và đẩy mạnh các hoạt động triển khai, bố trí quân sự trên hướng biển, tăng cường diễn tập, răn đe, tăng cường uy hiếp nước khác trong tranh chấp biển đảo, gây sức ép an ninh, quân sự rất lớn cho các nước xung quanh, trong đó có Nhật Bản.
Gần đây, Nhật Bản nhận thấy, mối đe dọa lớn nhất đến từ Trung Quốc, nhất là những đòi hỏi ngày càng cứng rắn, kiên quyết của Trung Quốc đối với đảo Senkaku.
Theo đó, Nhật Bản chủ trương tăng cường quân bị, và cũng tuyên bố Nhật Bản kiên trì đi “con đường hòa bình”, đồng thời tích cực thúc đẩy “chủ nghĩa hòa bình tích cực”… cho phù hợp với môi trường an ninh mới đang thay đổi.
Nói chung, hai bên Nhật-Trung đều nhận mình đi con đường phát triển hòa bình, nhưng hai bên đều coi nhau là “mối đe dọa”, đều ra sức tăng cường quân bị, cục diện khu vực sẽ có thế cân bằng mới với tính chất phức tạp mới.
Nhìn rõ tình hình, nhận diện đối tác, đối thủ, tận dụng cơ hội, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, phối kết hợp các nguồn lực trong và ngoài nước, áp dụng linh hoạt các phương thức trong đối nội, đối ngoại, chủ động sử dụng thế và lực mới… là vấn đề đặt ra đáng để nghiên cứu, vận dụng hiện nay.
Được biết, Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam và Philippines (ảnh minh họa) |