Khoản b, Điều 34 Luật Giáo dục đại học quy định: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học”.
Khi Luật được thi hành đương nhiên các trường được tự chủ theo đúng quy định. Để chuẩn bị cho kế hoạch tuyển sinh năm 2014, Bộ GD&ĐT đã có dự thảo, những trường đáp ứng đủ yêu cầu, điều kiện đảm bảo cho phương án tuyển sinh riêng sẽ được Bộ cho phép, bên cạnh đó các trường này cũng phải đăng ký trước phương án tới Bộ trước ngày 10/2/2014.
Đối với những trường chưa đủ điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng, Bộ GD&ĐT vẫn tạo điều kiện cho tuyển sinh theo phương án “ba chung” mà Bộ dự kiến sẽ áp dụng từ nay tới năm 2016.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao đổi với ông Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Sài Gòn. Ảnh Xuân Trung |
Được tự chủ trong tuyển sinh, có quyền quyết định phương án thi tuyển, có quyền ra đề thi, quyền tuyển chọn thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo của mình, nhưng phần lớn các trường đều “ngại” lên phương án tuyển sinh riêng. Những trường này chủ yếu là các trường ĐH, CĐ công lập. Theo lãnh đạo của các trường này thì hình thức “ba chung” vẫn có hiệu quả, đặc biệt là an toàn trong vấn đề làm đề thi, vì nó mang tính quốc gia.
Hiệu phó Trường ĐH Công nghệ TP. HCM Lưu Thanh Tâm cho hay, việc tuyển sinh riêng sẽ đa dạng hơn, sẽ lựa chọn thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo của trường. Nếu không thể thi riêng các trường có thể phối hợp thi chung cùng nhau là điều tốt.
“Việc tuyển sinh không vì thế mà tùy tiện, các trường không thể tùy tiện lấy thí sinh cho đủ chỉ tiêu, các trường cần có trách nhiệm tự thanh tra, kiểm tra, như vậy từng trường mới có trách nhiệm cao trong việc làm này?” vị lãnh đạo này cho hay.
Kỳ tuyển sinh 2014-2015 Trường Đại học Công nghệ TP. HCM sẽ đăng ký thi và xét tuyển theo hình thức “ba chung”. Theo vị lãnh đạo này, việc chưa thể có phương án thi riêng do ba chung có điểm ổn định, yên tâm trong việc đề thi không đồng đều, giảm bớt gánh nặng cho trường khi không phải làm đề.
PGS. TS. Đoàn Quang Vinh, Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, hoàn toàn ủng hộ Dự thao tuyển sinh riêng của Bộ GD&ĐT. Thực tế, ngay từ năm 2011 khi chưa đặt vấn đề bỏ thi “ba chung” cũng đã đặt vấn đề cho các trường trọng điểm thi riêng để đáp ứng yêu cầu mới.
Khi nhận được bản Dự thảo tuyển sinh của Bộ, Đại học Đà Nẵng đã nghiên cứu rất kỹ. Theo PGS. Vinh nếu thi riêng các trường có nêu ra được rõ ngưỡng chất lượng hướng tới hay không. Các trường phải suy nghĩ môn thi, cách thi như thế nào để tuyển được sinh viên có năng lực, đó là điều khó nhất.
“Với Đại học vùng đa ngành, Đại học Đà Nẵng đang nghiên cứu kỹ để xây dựng đề án tốt trong thời gian tới. Kỳ thi sẽ nhẹ nhàng hơn khi có 2 kỳ thi. Chúng tôi đề xuất hai kỳ thi vào tháng 7 như mọi năm và một kỳ thi vào khoảng tháng 1-2 hàng năm” PGS. Vinh kiến nghị thêm.
Lãnh đạo ĐHQG TP. HCM cũng thông tin, năm 2014 tiếp tục tuyển sinh theo hình thức ba chung, sang tới năm 2015 mới thí điểm một số ngành để năm 2016 triển khai toàn bộ các ngành trong ĐHQG.
Lãnh đạo ĐH Quy Nhơn cũng lo ngại rằng nếu thực hiện thi riêng không tốt thì tuyển sinh dễ xảy ra tiêu cực, nhất là khâu đề thi. Giáo viên giỏi được ra đề thi có thể mở các lớp luyện thi gây bất bình cho xã hội. Lãnh đạo ĐH Quy Nhơn đề cao công tác chuẩn bị trước khi tiến hành thi riêng vào năm 2017.
PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc ĐHQG HN cho biết, lộ trình thi riêng của Bộ cần phải được cân nhắc để đảm bảo cho đổi mới có kết quả tốt nhất, và đặt câu hỏi: sau ba năm nữa thi “ba chung” thì sẽ như thế nào?
Thông tin về kế hoạch tuyển sinh 2014 của ĐHQGHN, PGS. Sơn cho biết, để chuẩn bị cho thi riêng thì trong 3 năm qua đã huy động được 70 nhà khoa học, xây dựng bộ đánh giá năng lực khoa học để đo năng lực cần thiết của bậc đại học và sau đại học.
Từ đó, có bộ công cụ để đánh giá người học chính xác. Dự kiến, năm nay sau khi vẫn tham gia thi “ba chung” sẽ dùng bộ công cụ này chọn học sinh vào học chương trinh tiên tiến và chương trình chất lượng cao cho phù hợp. Năm 2014 dự kiến tất cả đơn vị sau đại học sẽ đánh giá tuyển sinh theo năng lực, ít nhất một ngành học của mỗi đơn vị, và sau 2015 sẽ mở rộng ra toàn bộ hệ thống.
Ông Lê Công Cơ, Hiệu trưởng ĐH Duy Tân cho hay, vì tuyển sinh là chủ trương lớn, ảnh hưởng tới tương lai người học nên trường sẽ thống nhất tuyển sinh riêng sau 3 năm nữa, mặc dù hình thức thi riêng là cách đánh giá năng lực của thí sinh, tuyển chọn thí sinh phù hợp vào trường nhưng để làm tốt phải có bước chuẩn bị.
Ông Cơ cho biết, điều quan trọng bây giờ là cần phải có chuẩn tối thiểu kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì đó là kỳ thi có giá trị suốt cuộc đời thí sinh, cũng là điều kiện để các trường dựa vào đó để lựa chọn thí sinh.
Lãnh đạo trường ĐH Duy Tân cũng đề nghị, thi riêng là việc làm khó đối với các trường có điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, nếu sau 2016 bắt buộc tất cả các trường phải thi riêng thì nên có một ngân hàng đề thi do Bộ GD&ĐT quản lý. Nếu trường thi riêng có thí sinh không trúng tuyển vào thì vẫn phải có điều kiện xét tuyển vào các môn đặc thù của trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học.
Đại diện cho các trường thuộc khối Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, qua thời gian tự chủ tuyển sinh riêng đối với 10 trường đặc thù trong ngành đã bộc lộ nhiều ưu điểm. Thứ nhất, nguồn tuyển dồi dào và giúp các trường tuyển được thí sinh giỏi theo đặc thù các ngành nghề đào tạo. Thứ hai, nhờ thi riêng, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào một số trường tăng đột biến so với những năm trước như ĐH Mỹ thuật Việt Nam tăng 75%, ĐH Mỹ thuật TP HCM tăng 67%. Thứ ba, thí sinh cũng có thêm cơ hội dự thi kỳ thi ba chung do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Các trường cho rằng, tiến tới thi riêng cần có thời gian chuẩn bị kỹ hơn, cần học tập các nước trên thế giới. Trước ý kiến này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho hay, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang được thực hiện và đổi mới tuyển sinh là việc dứt khoát phải làm.