Thực hiện đúng như Điều 34, Luật Giáo dục đại học thì các trường được tự chủ về công tác tuyển sinh, tức là có quyền lựa chọn phương án tốt nhất để tuyển người học. Tuy nhiên, trong bản dự thảo đó Bộ GD&ĐT đưa ra các điều kiện để được “tự chủ”, như vậy có trái luật không?
Vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Đại học (Bộ GD&ĐT) để làm rõ vấn đề tự chủ của các trường.
PV: Thưa ông, ông có suy nghĩ gì về nội dung dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng mới được Bộ GD &ĐT đưa ra gần đây?
TS. Lê Viết Khuyến: Đây là một quyết định đúng của Bộ GD&ĐT để thực hiện Điều 34 của Luật Giáo dục đại học và Nghị quyết hội nghị Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
|
TS. Lê Viết Khuyến. |
Tuy nhiên, có 2 điểm rất quan trọng mà dự thảo thể hiện chưa chuẩn: Một là, công tác tuyển sinh là một trong nhiều khâu của quy trình đào tạo. Trước khi ra quyết định thành lập trường Nhà nước đã thẩm định và chấp nhận quy trình đào tạo của trường nên đương nhiên các trường phải được quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh. Do đó Bộ không nên đòi hỏi các trường phải trình lại đề án tuyển sinh.
Vả lại Bộ lấy người và thời gian đâu để đi duyệt các đề án đó (trong dự thảo này chỉ quy định có 1 tháng). Hai là, mặc dù các trường đã được tự chủ về tuyển sinh thì Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm tạo thuận lợi để các trường thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh tốt nhất.
Theo ông, nếu các cơ sở giáo dục đại học đã được quyền tự chủ tuyển sinh thì Bộ GD&ĐT có cần đưa ra quy định gì về tuyển sinh hay không?
TS. Lê Viết Khuyến: Vẫn rất cần. Tuy nhiên Bộ chỉ cần nêu ra chuẩn (quốc gia) quy định những ai thì được quyền thụ hưởng học vấn đại học tại các cơ sở giáo dục đại học. Đây là những quy định tối thiểu, thường gắn với đòi hỏi người học phải có văn bằng tốt nghiệp phổ thông (và tương đương) - theo kinh nghiệm của thế giới. Còn điều kiện để thí sinh được vào các trường cụ thể phải dành cho các trường quyết định, tuỳ theo đặc điểm ngành nghề và thương hiệu của mình. Chính điều đó mới thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh thực sự của các cơ sở GDĐH.
Ông có nói tới sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT cho các trường trong công tác tuyển sinh, ngay cả khi các trường đã được tự chủ tuyển sinh. Vậy đó là hỗ trợ gì?
TS. Lê Viết Khuyến: Điều 34 Luật Giáo dục đại học quy định: "Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh" và "phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển".
Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, phần lớn các cơ sở giáo dục đại học không đủ khả năng để tự tổ chức thi tuyển (chủ yếu do không đủ giảng viên cơ hữu để soạn thảo đề thi có chất lượng, còn nếu thuê giảng viên ngoài thì tốn kém và không an toàn) mà chỉ có thể dùng hình thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển và thi tuyển.
Do đó các trường này phải dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Tuy nhiên, trong điều kiện kỳ thi tốt nghiệp phổ thông chưa được cải thiện thì một số trường vẫn có nhu cầu sử dụng các kết quả của kỳ thi tuyển sinh đại học “3 chung” (chung đề, chung đợt, sử dụng chung kết quả).
Vì thế, Bộ GD&ĐT cần xem kỳ thi 3 chung này như là một giải pháp hỗ trợ cho các trường, không nên "ép" các trường nếu muốn lấy kết quả của kỳ thi này thì phải chấp nhận "luật chơi" riêng của Bộ, như dự thảo đã đưa ra. Trên thế giới rất nhiều quốc gia như Nga, Nhật bản, Thái lan, Hoa kỳ,… hiện vẫn đang có những hỗ trợ như vậy.
Theo ông về lâu dài, công tác tuyển sinh cao đẳng, đại học nên diễn ra như thế nào?
TS. Lê Viết Khuyến: Để giảm phiền hà và tốn kém cho người học tôi ủng hộ đề án của Bộ trước đây (thời kỳ đồng chí Nguyễn Thiện Nhân là Bộ trưởng) về nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng làm một và thực hiện trao quyền tự chủ xét tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học.
Bộ nên sớm triển khai công việc này, nhưng để làm được điều đó Bộ phải đổi mới mạnh mẽ hơn về tư duy và đội ngũ chuyên gia tham gia chuẩn bị cho kỳ thi phải được tập huấn kỹ về chuyên môn.
Nếu để các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ hoàn toàn về tuyển sinh thì làm sao có thể kiểm soát được chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học và thực hiện được chính sách phân luồng học sinh phổ thông?
TS. Lê Viết Khuyến: Chất lượng đào tạo không hoàn toàn quyết định ở chất lượng đầu vào mà chủ yếu ở toàn quá trình đào tạo. Việc kiểm soát chất lượng đào tạo phải dựa vào công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công việc này hiện nay hoàn toàn nằm trong tầm tay của Bộ GD&ĐT, vấn đề ở chỗ Bộ có quyết tâm làm hay không.
Còn để khuyến khích người học vào học các hệ trung học chuyên nghiệp và trung học nghề thì Nhà nước cần thực hiện sự phân luồng triệt để học sinh sau trung học cơ sở, còn nếu không quyết tâm phân luồng học sinh ở cấp học này mà cứ để phần lớn học sinh chuyển lên trung học phổ thông như hiện nay thì việc sau khi tốt nghiệp phổ thông họ vào đại học và cao đẳng là điều đương nhiên.
Xin cảm ơn ông!/.
Phương Thảo