Tiến sĩ sinh con từ tinh trùng chồng quá cố lo lắng về thủ tục pháp lý

03/01/2014 14:02
Quyết Nguyễn
(GDVN) - Vì là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam sinh con từ tình trùng chồng đã mất nên chị Dung lo lắng khi nghĩ tới việc làm thủ tục khai sinh cho các con.

Sợ “nổi tiếng”!

Mới đây phong viên báo Giáo Dục Việt Nam đã có dịp tới thăm và trò chuyện với chị Hoàng Thị Kim Dung (33 tuổi, hiện đang là Giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Chị Dung là mẹ của cặp song sinh Hồ Sỹ Hoàng Đức và Hồ Sỹ Hoàng Hải thu hút sự chú ý của đông đảo người dân thời gian gần đây.

4 năm trước, bố của cháu Hải và Đức đã qua đời trong một tai nạn giao thông. Trước khi qua đời, bố mẹ các cháu thống nhất là sẽ sinh thêm con dù là gái hay trai. Thêm vào đó, trước khi chồng qua đời, vợ chồng chị Dung cũng đã sinh được một đứa con gái đầu lòng. Chị Dung không muốn đi bước nữa, một phần là vì tình yêu thủy chung với chồng, một phần cũng vì sợ con mình sẽ bị đối xử tệ bạc.

Chính vì thế, chị Dung đã quyết định nhờ các bác sỹ phẫu thuật tử thi và lưu trữ lại tinh trùng người chồng quá cố. Ngày 9/12 vừa qua, hai cháu Hải và Đức được sinh ra theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm từ chính tinh trùng người bố đã qua đời nhiều năm trước.

Chị Hoàng Thị Kim Dung.
Chị Hoàng Thị Kim Dung.

Trò chuyện với chị Dung, chúng tôi bảo rằng câu chuyện của chị đã được nhiều báo đài đưa tin. Hầu hết mọi người dân biết đến câu chuyện này đểu tỏ ra ngưỡng mộ và khâm phục lòng thủy chung của chị. Nghe chúng tôi nói vậy, chị Dung cười và tâm sự rằng:

“Mấy ngay nay vì bận chăm sóc các cháu nên mình cũng không thường xuyên đọc báo được. Nhưng thỉnh thoảng bạn bè gọi điện đến và đùa rằng mẹ con mình đã lên báo và thành ‘người nổi tiếng’ rồi. Nói thực là mình cũng ngại ‘nổi tiếng’ như vậy lắm!”

Theo chị Dung, khi câu chuyện của chị được nhiều người biết đến thì chị cũng lo lắng sẽ có ai đó hiểu sai về chị. Chị rất mong mọi người sẽ hiểu chị cũng là người phụ nữ bình thường như bao người khác.

“Mình sinh thêm con là niềm hạnh phúc của mình. Ban đầu mình nghĩ hạnh phúc đó chỉ bản thân và gia đình mình biết là đủ chứ không hề nghĩ tới việc là trường hợp đầu tiên sinh con theo như vậy (sinh con từ tinh trùng chồng đã mất – PV) và được đông đảo mọi người biết đến như hiện nay.

Mình sợ rằng sẽ có ai đó hiểu không đúng về mình. Bởi mình nghĩ gia đình mình cũng như bao gia đình Việt Nam khác, chuyện mình sinh con cũng bình thường như bao người phụ nữ khác thôi.

Chuyện tình cảm của vợ chồng mình trước đây cũng êm đềm. Ngoài việc mình phải đi du học và thời gian vợ chồng được ở bên nhau quá ít thì tình yêu của vợ chồng mình không có nhiều nét chấm phá đặc biệt như nhiều đôi tình nhân khác. Mình thấy còn có nhiều cặp vợ chồng khác còn phải trải qua nhiều sóng gió, khó khăn hơn vợ chồng mình nhiều lắm,” chị Dung tâm sự.

Lo lắng về thủ tục pháp lý

Những ngay này, căn hộ nhỏ của chị dung tấp nập người ra vào thăm hỏi. Bố mẹ chồng và mẹ đẻ chị Dũng cũng đã từ Nghệ An ra Hà Nội từ nhiều tháng nay để chăm sóc cho con cháu. Nhìn 3 đứa trẻ ngoan ngoãn, khỏe mạnh, ông bà ai nấy đều vui mừng hạnh phúc.

Ông bà nội ngoại đã ra Hà Nội từ nhiều tháng nay để chăm sóc cho con cháu.
Ông bà nội ngoại đã ra Hà Nội từ nhiều tháng nay để chăm sóc cho con cháu.

Trong khi đó, nhắc đến mẹ con chị Dung, hầu như ai trong khu trung cư nơi chị sống đều biết đến. Một người hàng xóm sống ngay cạnh căn hộ của chị Dung cho biết, lúc hai vợ chồng chưa cưới nhau chồng chị dung đã sống ở căn hộ này nhiều năm. Hồi đó ai cũng bảo vợ chồng chị là cặp trời sinh, tiếc rằng, anh chồng đoản mệnh, qua đời khi tuổi đời còn quá trẻ.

“Ngọc giống y như bố cậu ấy bây giờ vậy, người tốt bụng, điềm tính và hiểu biết sâu sắc. Riêng chị Dung thì chẳng ai chê được chị điều gì cả. Chị ấy tốt bụng, hiền lành và hòa đồng với mọi người. Kể từ khi lấy nhau rồi chuyển về đây, đôi vợ chồng này chưa bao giờ gây điều tiếng không tốt với hàng xóm láng giềng cả,” người hàng xóm cho biết.

Sau vài tháng nghỉ sinh nữa, chị Dung lại phải trở về với công việc giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Bách khoa. Công việc bộn bề của một giảng viên đại học, lại phải một mình nuôi 3 con nhỏ chắc chắn sẽ là khó khăn rất lớn. Chị Dung cũng nghĩ tới điều này, như cô tiến sĩ trẻ vẫn tỏ ra lạc quan:

“4 năm trước, khi chồng mất và biết mình quyết định giữ tinh trùng để thụ tinh trong ống nghiệm để sinh thêm con, tất cả bạn bè đồng nghiệp của mình đều ngăn cản. Nhưng cho tới giờ mình vẫn thấy quyết định của mình là đúng. Dù có khó khăn vất vả thì mình cũng sẽ cố gắng hết sức để nuôi các con trưởng thành.

Cháu gái đầu đã 4 tuổi, cũng mừng là từ lúc sinh ra tới giờ cháu rất ngoan ngoãn. Mình lại được bố mẹ và em gái thường xuyên lui tới chăm sóc cho các cháu giúp nên mình chưa thấy có gì quá tải trong cuộc sống. Mình vẫn có thể tiếp tục công việc giảng dạy và nghiên cứu bình thường. Mình cũng hy vọng là hai cháu Đức và Hải cũng ngoan ngoãn như vậy để mẹ đỡ vất vả hơn,” bà mẹ 3 con chia sẻ.

Liên quan đến việc khai sinh cho cặp song sinh Đức và Hải, chị Dung cho biết ông nội các cháu đã gửi hồ sơ, trong đó có cả kết quả xét nghiệm ADN lên chính quyền địa phương và được hẹn ngày 7/1 tới đây sẽ có kết quả. Nói về điều này, chị Dung thoáng chút lo lắng vì chị là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam sinh con theo cách đặc biệt như vậy. Chị hy vọng việc khai sinh cho các con sẽ không vì vậy mà gặp khó khăn gì về mặt pháp luật./.

Quyết Nguyễn