PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nêu ý kiến khi biết thông về Dự thảo đổi mới cách thi và công nhận tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra xin ý kiến xã hội.
Với 2 phương án thi tốt nghiệp được Bộ GD&ĐT đưa ra, PGS. Trần Xuân Nhĩ cho biết, ở thời điểm trước mắt thì phương án 4 môn thi tốt nghiệp như vậy là tốt. Tuy nhiên, cần khẳng định môn Ngoại ngữ là môn rất quan trọng, cần phải được coi là môn thi bắt buộc, vì thực tế đất nước đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng thì môn Ngoại ngữ càng có vai trò lớn.
PGS. Trần Xuân Nhĩ cho biết, cần xác định ngay môn Ngoại ngữ có trong môn thi bắt buộc tốt nghiệp THPT, vì đây là môn được xem là công cụ để đất nước hội nhập. |
Quan điểm của PGS. Nhĩ cho rằng, nếu được thì nên bắt buộc 3 môn thi tốt nghiệp (Toán, Văn và Ngoại ngữ), Toán để có tư duy, Văn để viết về đất nước, cách hành văn, theo tinh thần không hỏi mà để cho học sinh tự phải nghĩ ra để viết, riêng môn Ngoại ngữ thì ở mức độ nào đó. Nếu Bộ GD&ĐT làm được như vậy, lấy điểm của thí sinh trên quá trình các em học là tốt.
“Thi tốt nghiệp không nhất thiết phải đỗ 80-90%, mà ra đề thi để đánh giá đạt khoảng 60-70% là tốt, những người không đỗ thì cấp cho các em chứng chỉ học xong bậc phổ thông, và nên cho giấy đó một giá trị trong việc đăng ký trung học nghề, nghề ngắn hạn. Như vậy là giải quyết được vấn đề bỏ ba chung” PGS. Trần Xuân Nhĩ cho hay.
Việc Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo và có thể sẽ áp dụng ngay trong năm 2014 này, nhiều người lo ngại phương án này quá đột ngột với học sinh, các em sẽ không có thời gian để chuẩn bị. PGS. Nhĩ cho biết, nếu áp dụng trong năm nay, hoàn toàn không ảnh hưởng tới học sinh, nhưng Bộ nghĩ làm sao phải đánh giá học sinh bằng cách kết hợp với điểm của thí sinh.
“Theo tôi, có thể lấy điểm quá trình học tập của học sinh là 30% và điểm thi tốt nghiệp 70% rồi cộng lại. Tất nhiên các môn khác giáo viên đánh giá vẫn đạt ở mức 30% thì vẫn có giá trị trong kỳ thi. Như vậy 3 năm học ở phổ thông học sinh phải học đều đặn các môn, nếu các em chỉ tập trung vào 4 môn thi tốt nghiệp cũng chỉ được 70%. Cách đánh giá như vậy phù hợp với đổi mới (vừa đánh giá theo quá trình, vừa đánh giá theo cuối kỳ mà ở thế giới cũng làm như vậy)” PGS. Trần Xuân Nhĩ nêu ý kiến.
Trước thông tin có thể sẽ có 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp nếu phương án của Bộ GD&ĐT được áp dụng trong năm nay, PGS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng, điều này là vô lý.
“Tôi nghĩ không có trường hợp nào được miễn thi ở đây, đây là một kỳ thi đánh giá quốc gia thì tất cả mọi người phải tham gia đánh giá. Phải đánh giá quá trình như trước tôi nói, hai là đánh giá quốc gia. Miễn như vậy sẽ xảy ra tiêu cực trong việc chạy điểm, chạy lớp…,đây là kỳ thi quốc gia, đề thi của Bộ. Đương nhiên những học sinh giỏi thì sẽ đỗ, có thể đỗ cao, sau này sử dụng điểm thi đó cho các trường có thể tuyển chọn hay xét tuyển” nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT cương quyết không cho miễn thi tốt nghiệp.
Cũng đưa ra ý kiến về dự thảo đổi mới phương án thi và công nhận tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT, GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Phó ban Khoa giáo Trung ương cho biết, ông đánh giá cao phương án của Bộ. Tuy nhiên, theo Giáo sư, việc thi 6 môn thi như hiện tại tạo áp lực rất nặng nề cho học sinh mà hiệu quả thì cũng chưa như mong muốn. Cái nhìn thấy trước mắt của phương án mới là số lượng môn thi giảm xuống - giảm áp lực cho học sinh.
Nói về tầm quan trọng của môn Ngoại ngữ, GS Hạc phân tích, hiện nay, vấn đề dạy và học ngoại ngữ trên cả nước không đồng đều. Nếu như ở thành phố có đầy đủ điều kiện học tập thì ở những vùng miền núi thậm chí còn thiếu sách để học. Chất lượng giáo viên dạy Ngoại ngữ cũng chưa đạt yêu cầu, phần lớn không tốt nên để Ngoại ngữ thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc là rất khó khăn.
"Về số lượng môn thi bắt buộc, tự chọn như vậy là tốt. Chỉ còn môn Ngoại ngữ, nếu học sinh nào cảm thấy tự tin thì đăng ký dự thi để được cộng điểm, nhưng thời gian tới nhất định phải là môn thi bắt buộc vì yêu cầu nguồn nhân lực cung cấp cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập thế giới", GS Hạc nói.
Còn PGS. Trần Xuân Nhĩ cho biết, vấn đề Ngoại ngữ có thể làm dần dần. Nếu học sinh ở miền núi có thể có trình đột thấp hơn. Bộ cũng có thể ra đề theo từng vùng để phù hợp với điều kiện học ngoại ngữ ở từng vùng. “Chúng ta phải làm mọi cách để phát triển môn được coi là công cụ này, đó là một môn học bắt buộc. Bộ GD&ĐT cũng không nên quá nghi ngờ về kết quả đánh giá ở các vùng miền, vì khi đó giáo viên sẽ phải có trách nhiệm, nếu có sai cũng chỉ vài phần trăm không đáng kể” PGS. Nhĩ cho biết.