Trung Quốc phát triển tàu sân bay để tấn công lập thể nước tranh chấp

04/01/2014 09:35
Đông Bình
(GDVN) - Tàu sân bay Liêu Ninh đã bước vào giai đoạn huấn luyện biển xa, hỗ trợ cho phát triển tàu sân bay nội địa, tương lai sẽ đồng thời tấn công ba chiều đối phương.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh vừa huấn luyện trên Biển Đông.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh vừa huấn luyện trên Biển Đông.

Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc bước vào giai đoạn huấn luyện biển xa

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 2 tháng 1 đưa tin, tàu sân bay Liêu Ninh lần đầu tiên đi xa tới Biển Đông huấn luyện đã kết thúc. Buổi sáng ngày 1 tháng 1, tàu Liêu Ninh quay trở về quân cảng ở Thanh Đảo.

Trong lần đi xa 37 ngày này, biên đội tàu Liêu Ninh và các tàu hộ tống hoàn thành trên 100 khoa mục thử nghiệm và huấn luyện, hành tung của nó càng thu hút sự chú ý của dư luận.

Theo bài báo, từ khi tàu sân bay Liêu Ninh ngày 26 tháng 11 năm 2013 xuất phát từ Thanh Đảo lần đầu tiên đến Biển Đông thử nghiệm huấn luyện đến nay, ban chỉ huy nhiệm vụ thử nghiệm tổ chức chu đáo, chỉ huy khoa học, giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, liên tục tác chiến, nội dung thử nghiệm huấn luyện thúc đẩy thuận lợi theo kế hoạch.

Trong quá trình thử nghiệm và huấn luyện, đã hoàn thành nhiều nội dung như ứng lực kết cấu thân tàu (sức bền), đo đạc tải trọng máy bay tàu sân bay, đo đạc tốc độ trong điều kiện nước sâu, khả năng nhận biết, năng lực chỉ huy của hệ thống tác chiến tàu sân bay trong điều kiện chiến đấu thực tế, khả năng chỉ thị mục tiêu, khả năng thông tin tổng hợp, dẫn đường, bảo đảm khí tượng, khả năng quản lý vùng trời; các chỉ tiêu kỹ chiến thuật như hệ thống tác chiến, hệ thống động lực... tiếp tục thử nghiệm.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh trên Biển Đông
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh trên Biển Đông

Trong thời gian đó, đã lần đầu tiên tổ chức thử nghiệm nghiên cứu tổng hợp hệ thống tác chiến, đã lần đầu tiên tổ chức biên đội với hạt nhân là tàu Liêu Ninh để huấn luyện, đã đạt được mục đích dự kiến.

Lực lượng có liên quan của Hải quân Trung Quốc đã điều động nhiều loại máy bay, tàu nổi và tàu ngầm, đã phối hợp hiệu quả thử nghiệm, đồng thời đã thúc đẩy huấn luyện chiến đấu thực tế cho bộ đội.

Tờ “Quan sát” tiếng Trung ngày 3 tháng 1 cũng có bài viết dẫn lời chỉ huy tàu sân bay Liêu Ninh Trương Tranh cho biết: “Huấn luyện lần này của chúng tôi ở Biển Đông đã thử nghiệm, huấn luyện tổng hợp.

Nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào bảo vệ an toàn tàu sân bay và thử khả năng chiến đấu”. Theo Trương Tranh, tiến triển huấn luyện lần này thuận lợi. Lần này huấn luyện còn có sự tham gia của máy bay chiến đấu, tàu chiến và tàu ngầm.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lưu Giang Bình ngày 1 tháng 1 cho rằng, nhìn vào tàu chiến, máy bay tham gia huấn luyện và các khoa mục huấn luyện, trong lần huấn luyện này, tàu Liêu Ninh không chỉ đã tiến hành kiểm tra đối với tổ chức thành biên đội và hoạt động của cụm chiến đấu tàu sân bay, mà còn có thể cùng với các tàu hộ tống đã tiến hành diễn tập tấn công-phòng thủ mô phỏng đối với các mục tiêu mặt nước, trên không, dưới nước.

Ngày 23 tháng 12 năm 2013, tàu sân bay Liêu Ninh huấn luyện chạy theo biên đội trên Biển Đông.
Ngày 23 tháng 12 năm 2013, tàu sân bay Liêu Ninh huấn luyện chạy theo biên đội trên Biển Đông.

Theo Lưu Giang Bình, là biên đội cụm chiến đấu tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, công tác thử nghiệm phải tiến hành theo tiêu chuẩn quân dụng quốc gia và từng nội dung chương trình thử nghiệm, như vậy mới có thể phát hiện vấn đề trong huấn luyện, sau đó được sửa chữa trong đợt huấn luyện sau, quá trình này có quy luật khoa học tự thân, không thể vội vàng. Được biết, công tác thử nghiệm và huấn luyện tiếp theo của tàu sân bay Liêu Ninh sẽ xác định dựa vào tình hình tiến triển.

Thiếu tướng Trịnh Minh, nguyên phụ trách cơ quan trang bị kỹ thuật Hải quân Trung Quốc nói với tờ "Thời báo Hoàn Cầu" rằng, huấn luyện tàu Liêu Ninh phải trải qua 3 giai đoạn: Một là hiệp đồng giữa máy bay và tàu sân bay; hai là hiệp đồng cụm chiến đấu tàu sân bay gồm tàu sân bay và các tàu chiến hộ tống; ba là hiệp đồng giữa cụm chiến đấu tàu sân bay và mạng thông tin đa chiều toàn quân.

Nhìn vào tình hình huấn luyện lần này, tàu Liêu Ninh hiện nay còn đang ở thời điểm đầu của giai đoạn thứ hai. Trịnh Minh cho rằng, trong tương lai, khi tàu Liêu Ninh bước vào giai đoạn thứ ba, sẽ triển khai đến vùng biển xa hơn để thử nghiệm.

Tàu Liêu Ninh lần này đi xa cũng đã gây chú ý cho dư luận. Ngày 26 tháng 11 năm 2013, tàu Liêu Ninh lên đường xuống Biển Đông với sự tháp tùng của 2 tàu khu trục Type 051C gồm tàu Thạch Gia Trang và tàu Thẩm Dương, cộng với 2 tàu hộ vệ Yên Đài và Duy Phường, dáng dấp biên đội - cụm chiến đấu tàu sân bay Trung Quốc bước đầu xuất hiện.

Ngày 23 tháng 12 năm 2013, tàu sân bay Liêu Ninh huấn luyện chạy theo biên đội trên Biển Đông.
Ngày 23 tháng 12 năm 2013, tàu sân bay Liêu Ninh huấn luyện chạy theo biên đội trên Biển Đông.

Tuyến đường đi của tàu Liêu Ninh cũng gây nhiều phỏng đoán. Nó rốt cuộc lựa chọn eo biển Miyako hay eo biển Đài Loan? Cuối cùng, tàu sân bay Liêu Ninh đã vượt qua eo biển Đài Loan xuống phía nam, được Đài Loan cho là "tàu sân bay Đại lục lần đầu tiên đi qua eo biển Đài Loan". Theo báo Đài Loan, Trung Quốc lựa chọn con đường này là một hành vi thận trọng.

Ngày 29 tháng 11, tàu Liêu Ninh đến cảng quân sự ở Tam Á, Hải Nam, đánh dấu tàu sân bay của Trung Quốc sở hữu căn cứ thứ hai, sau căn cứ Thanh Đảo.

Trong thời gian huấn luyện trên Biển Đông sau đó, tàu tuần dương Cowbens Mỹ đã áp sát biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, một chiếc tàu đổ bộ của Trung Quốc chạy tới ngăn cản, không ngại mạo hiểm, buộc tàu tuần dương Cowbens phải khẩn cấp tránh né.

Có tờ báo Mỹ cho rằng, "cuộc đối đầu Biển Đông giữa tàu chiến Trung-Mỹ" có thể trở thành sự kiện mang tính tiêu chí trong lịch sử quân sự Trung-Mỹ.

Đại tá Trung Quốc: Cần tích hợp công nghệ và sử dụng động cơ cho tàu sân bay nội địa tương lai

Cũng về tàu sân bay, tờ "Thời báo Kinh Hoa" Trung Quốc ngày 2 tháng 1 có bài viết khẳng định tàu sân bay Liêu Ninh đã trải qua huấn luyện, thử nghiệm rất nhiều nội dung, đồng thời dẫn lời chuyên gia tàu sân bay Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, không thể nói thông qua huấn luyện Biển Đông lần này là đã thể hiện sức chiến đấu của tàu Liêu Ninh, thể hiện sức chiến đấu cụ thể phải đợi đến khi tàu Liêu Ninh có thể độc lập hoàn thành nhiệm vụ tác chiến mới có thể biết rõ.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh trên Biển Đông
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh trên Biển Đông

Ông này cho rằng: "Chỉ có thể nói, hiện nay, huấn luyện biên đội tàu sân bay Trung Quốc còn đang ở trong một quá trình từng bước hình thành, cần đến nhiều môi trường hơn, huấn luyện ở vùng biển rộng hơn, không ngừng thử nghiệm tìm tòi, từ đó tiếp tục cải tiến".

Lý Kiệt cho rằng, dưới sự hộ tống của các tàu khu trục và tàu hộ tống, tàu sân bay Liêu Ninh đến Biển Đông huấn luyện, không chỉ đánh dấu khả năng đe dọa (nước khác) tăng lên, mà còn thể hiện sự "phối hợp".

Chỉ có sự phối hợp của bản thân tàu sân bay, sự phối hợp giữa tàu và máy bay, giữa tàu sân bay và các tàu hộ tống ở xung quanh, biên đội mới có thể thực sự hình thành “nhất thể” (một thể thống nhất).

Theo Lý Kiệt, biên đội tàu sân bay cần phải phát hiện vấn đề trong thực tế, thông qua triển khai huấn luyện từ vùng biển phía bắc đến vùng biển phía nam, trong môi trường khác nhau, “trong các sự kiện cụ thể xảy ra với nước khác để phát hiện vấn đề”, mới có thể không ngừng nâng cao, đặt nền tảng vững chắc cho chế tạo tàu sân bay thế hệ tiếp theo.

Dư luận luôn chú ý theo dõi việc chế tạo tàu sân bay nội địa của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng nhiều lần cho biết, Trung Quốc không thể chỉ có 1 chiếc tàu sân bay.

Ngày 23 tháng 12 năm 2013, tàu sân bay Liêu Ninh huấn luyện chạy theo biên đội trên Biển Đông.
Ngày 23 tháng 12 năm 2013, tàu sân bay Liêu Ninh huấn luyện chạy theo biên đội trên Biển Đông.

Do tàu Liêu Ninh được cải tạo từ tàu sân bay cũ, Lý Kiệt cho rằng, Trung Quốc cải tạo tàu sân bay vừa có đổi mới, vừa có sự tiếp nối tư tưởng và thiết kế cũ, trong quá trình sao chép và sữa chữa phục hồi, từng bước nắm được đặc điểm quy luật chế tạo và vận dụng tàu sân bay, tham khảo đầy đủ tư tưởng và công nghệ của nước khác, sau đó chế tạo tàu sân bay tương lai của mình, sẽ tích hợp ưu thế trên các phương diện vào tàu sân bay mới thế hệ tiếp theo.

Nói một cách cụ thể, Lý Kiệt cho rằng, trong tình hình điều kiện cho phép, động cơ hạt nhân phải là phương hướng phát triển ưu tiên của tàu sân bay tương lai Trung Quốc; đồng thời, trọng tải tàu sân bay cũng sẽ phát triển theo hướng "tương đối lớn".

Đỗ Văn Long: Trung Quốc phải tính toán xây dựng khả năng tấn công mục tiêu nước tranh chấp từ trên biển, trên không

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 3 tháng 1 dẫn các nguồn tin cho rằng, truyền thông các nước quan tâm đến thành phần của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, đồng thời đã tiến hành so sánh với biên đội tàu sân bay Mỹ.

Ngày 23 tháng 12 năm 2013, tàu sân bay Liêu Ninh huấn luyện chạy theo biên đội trên Biển Đông.
Ngày 23 tháng 12 năm 2013, tàu sân bay Liêu Ninh huấn luyện chạy theo biên đội trên Biển Đông.

Theo báo chí các nước, biên đội cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ gồm 1 tàu sân bay, 1 tàu hộ vệ tên lửa lớp Perry, 2 tàu tuần dương, 2-3 tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke, 2 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles, 1 tàu tiếp tế.

Biên đội cụm chiến đấu tàu sân bay Trung Quốc, ngoài tàu Liêu Ninh, cũng có 3 tàu khu trục, 3 tàu hộ vệ, 1 tàu đổ bộ cỡ lớn, 2 tàu ngầm hạt nhân tấn công.

Khi so sánh thành phần biên đội tàu sân bay giữa Trung-Mỹ, chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, các thành phần cơ bản của biên đội tàu sân bay giữa hai nước Trung-Mỹ hoàn toàn tương đồng, số lượng không giống nhau lắm.

3 không gian như dưới mặt nước, trên mặt nước, trên không đều có nhóm tác chiến tương đối đầy đủ, bởi vì hiện nay, tàu chiến mặt nước trong đó có tàu khu trục lớp Arleigh Burke Mỹ, chức năng tác chiến tổng hợp của nó khác với tàu khu trục Type 051C, 052C của Trung Quốc.

Chẳng hạn, khả năng bắn thẳng đứng của tàu khu trục lớp Arleigh Burke mạnh hơn tàu khu trục tên lửa Type 052C, khả năng tấn công chống bắn tập trung (bão hòa) hoặc khu vực yểm trợ cũng tương đối lớn.

Trong quá trình hoạt động và chiến đấu, cần phải có thể bảo đảm cho toàn bộ biên đội tránh được bị đối phương tấn công là một điều cốt lõi nhất.

Ngày 23 tháng 12 năm 2013, tàu sân bay Liêu Ninh huấn luyện chạy theo biên đội trên Biển Đông.
Ngày 23 tháng 12 năm 2013, tàu sân bay Liêu Ninh huấn luyện chạy theo biên đội trên Biển Đông.

Ngoài ra, thành phần và nhiệm vụ tác chiến của biên đội tàu sân bay cũng liên quan chặt chẽ với nhau, chẳng hạn phải "đổ bộ đến một vùng biển nào đó", trong biên đội chắc chắn sẽ có tàu tác chiến đổ bộ, nếu "đến duyên hải đối phương tiến hành tấn công hỏa lực" thì phương tiện trang bị tên lửa hành trình có khả năng bắn thẳng đứng sẽ tương đối nhiều.

Hơn nữa, khả năng tấn công đối đất và đối hải của máy bay tàu sân bay rất quan trọng, cho nên, cần phải tiến hành tính toán khả năng đồng thời tấn công mục tiêu của đối phương từ trên biển và trên không.

Đỗ Văn Long cho rằng, tàu hộ vệ lớp Perry của Mỹ hiện nay về cơ bản đã không còn vai trò gì trong biên đội tàu sân bay, thuộc trạng thái nghỉ hưu, trong tương lai có thể sẽ do tàu khu trục đa năng Arleigh Burke đảm nhiệm vai trò hạt nhân hộ tống biên đội tàu sân bay.

Hiện nay, Trung Quốc đã thực hiện hợp nhất giữa tàu khu trục và tàu tên lửa, trong tương lai chức năng tác chiến của một tàu có thể sẽ ngày càng nhiều.

Nhiệm vụ tác chiến của mỗi nước có khác nhau, vì vậy biên đội tàu sân bay cũng có sự khác biệt ở một số phương diện, chỉ cần thành phần biên đội đầy đủ, khả năng tác chiến là một kết quả có tính toán.

Về ý đồ của Trung Quốc trong phát triển hải quân, trong đó có tàu sân bay, tờ “Quan sát” Trung Quốc dẫn các nguồn tin cho rằng, Trung Quốc không muốn xảy ra xung đột với Mỹ, nhưng rất muốn dùng sức mạnh hải quân ngày càng tăng để đuổi quân Mỹ rời xa, giảm sức ép đối với lãnh thổ của họ.

Ngày 23 tháng 12 năm 2013, tàu sân bay Liêu Ninh huấn luyện chạy theo biên đội trên Biển Đông.
Ngày 23 tháng 12 năm 2013, tàu sân bay Liêu Ninh huấn luyện chạy theo biên đội trên Biển Đông.

Theo bài báo, tàu sân bay Liêu Ninh do có khả năng hạn chế, nên Trung Quốc xác định nó là tàu để thử nghiệm và huấn luyện, điều này cũng được các chuyên gia thừa nhận. Nhưng, điều này đã khẳng định tham vọng to lớn của Hải quân Trung Quốc.

Cùng với thương mại liên tục tăng trưởng, Trung Quốc muốn có được quyền lực lớn hơn trong khu vực. Đối với Hải quân Trung Quốc, tàu sân bay là một biểu tượng nước lớn.

Trung Quốc nhận mình là một lực lượng quốc tế vĩ đại bước vào giai đoạn nước lớn này. Những động thái của Trung Quốc gây rất nhiều lo ngại cho các nước láng giềng.

Đông Bình