Quốc tế đã "bắt bài" Kim Jong-un, không ai còn sợ Triều Tiên đe dọa

04/01/2014 08:54
Hồng Thủy
(GDVN) - Quốc tế đã quá quen với chiêu này của Bình Nhưỡng, một kiểu mặc cả viện trợ nhân đạo, đồng thời thông qua việc dọa nạt gây chiến, Triều Tiên muốn giữ thể diện.
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.

Đài Tiếng nói nước Nga ngày 2/1 phân tích, Kim Jong-un đã nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên 2 năm nay, trong suốt quãng thời gian đó Bình Nhưỡng dường như vẫn là xứ sở khép kín nhất thế giới. Bắc Triều Tiên hoàn toàn không từ bỏ thủ đoạn chính trị vốn có của mình, bao gồm đe dọa tiến hành chiến tranh để uy hiếp, đe dọa cộng đồng quốc tế.

Tháng 3/2013 Bình Nhưỡng đe dọa tấn công căn cứ quân sự Mỹ ở Guam và Hawaii. Mỹ và Hàn Quốc lập tức tập trận chung, trong đó kẻ địch giả định là Bắc Triều Tiên và tiến hành oanh tạc. 

Ngày 30/3 Triều Tiên lại tuyên bố dìm Seoul trong biển lửa và sau đó Kim Jong-un hạ lệnh tái khởi động lò phản ứng hạt nhân và chuẩn bị thử nghiệm tên lửa đạn đạo, nhưng chẳng ai quan tâm nghiêm túc đến những đe dọa của Bình Nhưỡng.

Chủ nhiệm bộ phận Triều Tiên thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và quan hệ quốc tế đương đại trong Viện Hàn lâm khoa học Nga nhận xét, đầu năm 2013 Triều Tiên tiến hành các đợt tuyên truyền chiến tranh chưa từng có chỉ nhằm dọa nạt cộng đồng quốc tế để thế giới chú ý đến Kim Jong-un, một nhà lãnh đạo mới nổi, nhưng cộng đồng quốc tế nhanh chóng thấy rõ Bình Nhưỡng sẽ không có hành động quân sự nào.

Quốc tế đã quá quen với chiêu này của Bình Nhưỡng, một kiểu mặc cả viện trợ nhân đạo, đồng thời thông qua việc dọa nạt gây chiến, Triều Tiên muốn giữ thể diện còn hơn cả tính mạng của mình.

Một quan chức hoạch định chính sách ngoại giao, quốc phòng của Nga nhận xét, thống trị Bắc Triều Tiên không phải đội viên cảm tử mà là những người hết sức tỉnh táo. Chỉ có điều sự tỉnh táo của họ xuất phát từ việc làm sao để người khác không động vào họ và chiêu trò này sẽ vẫn còn tiếp tục.

Tuy nhiên chiêu làm mình làm mẩy của Triều Tiên đã chọc giận Trung Quốc. Bắc Kinh lo ngại các động thái của Triều Tiên sẽ làm cho Mỹ tăng cường hoạt động quân sự trong khu vực làm thay đổi cục diện Đông Bắc Á.

Vị chuyên gia này nói với The Voice of Russia, với Triều Tiên việc "duy trì quan hệ tốt với thiên triều (Trung Quốc) là vô cùng quan trọng" bởi Bắc Kinh vừa là người cung cấp viện trợ, vừa là đối tượng để Bình Nhưỡng mô phỏng, học theo.

Tất nhiên Triều Tiên cũng có chương trình "cải cách" của mình, 2 năm Kim Jong-un nắm quyền Triều Tiên cũng đã có một số thay đổi, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Giờ đây người dân Triều Tiên đã có thể mua bán, chuyển khoản, có dịch vụ và thậm chí là mở các công ty quy mô nhỏ.

Hồng Thủy