Một năm đầy biến động đối với nền kinh tế Việt Nam đã đi qua, cũng là lúc chúng ta phải nhìn nhận và đưa ra cho mình những kế hoạch kinh doanh cho năm mới 2014. TS. Alan Phan đã có buổi trò chuyện khá thú vị với báo chí về vấn đề này, đồng thời cũng “vẽ” ra nhiều cơ hội đầu tư năm 2014.
- Đã từng thành công trong việc làm ăn tại nhiều nước, nhưng ở Việt Nam dường như ông chưa lặp lại được điều này? Vì sao thưa ông?
TS Alan Phan: Trong đầu tư kinh doanh, đâu phải chỗ nào hay lúc nào cũng thành công được. Bởi vì, theo tôi, trong làm ăn thì thắng khoảng 70% đã được coi là thành công rồi. Trong mấy chục năm đầu tư, tôi đã thành công nhiều ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam thì có thể coi đó là một sự thất bại, một bài học đắt giá trong việc quản lý đầu tư vốn.
Khoảng 5 năm trước, tôi có đầu tư ở Việt Nam khoảng 1,5 triệu USD thành lập công ty kinh doanh cung cấp dữ liệu cho thị trường chứng khoán và tài chính. Mô hình này tôi đã khá thành công ở Trung Quốc trong thời gian dài cỡ 7 - 8 năm, nhưng ở Việt Nam câu chuyện kinh doanh lại gặp phải nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan.
Về khách quan, thị trường chứng khoán Việt Nam trước đây cũng khá tốt, tuy nhiên gần đây bị đổi chiều, cộng thêm có nhiều sự biến động về thị trường cả trong và ngoài nước nên gặp phải nhiều khó khăn. Nhưng có một điều quan trọng hơn khiến không chỉ tôi mà nhiều nhà đầu tư khác cũng đều cảm thấy e ngại khi đầu tư vào thị trường chứng khoán tài chính ở Việt Nam, đó là việc thị trường chứng khoán Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào bộ phận “lái tàu”; nhiều biến động trong việc thao túng, đầu cơ…Đây là điều đặc biệt chỉ có ở thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về chủ quan, do Việt Nam quá xa nơi tôi sống, lại là đầu tư nhỏ nên nói thực thời điểm đó tôi không quá chú tâm, giao hoàn toàn cho một người khác quản lý nên cũng không thể trông nom kỹ càng. Có thể nói đây là một sai lầm lớn của tôi trong việc quản lý doanh nghiệp ở Việt Nam. Thêm nữa, Việt Nam tuy tiềm năng nhưng vẫn là thị trường nhỏ, phức tạp hơn các thị trường khác, nên ở thời điểm tôi đầu tư ở Việt Nam đã có những tính toán sai về chiến thuật dẫn đến thất bại trong kinh doanh tại đây.
TS Alan Phan: 'Đợi 2-3 năm nữa hãy mua vàng' |
- Hiện tại, ông đã "gác kiếm quy ẩn" trong công việc kinh doanh hay chưa?
TS Alan Phan: Sau vụ thất bại tại Việt Nam, về mặt đầu tư kinh doanh tôi đã hoàn toàn rút khỏi Việt Nam, bởi tôi có nhiều cơ hội khác hấp dẫn hơn. Đến hiện nay, tôi cũng đã rút khỏi cả thị trường Trung Quốc để tập trung quay về thị trường Hoa Kỳ.
Ngày trước, Hoa Kỳ là thị trường có nhiều bất lợi về chi phí quản lý hay lợi thế cạnh tranh… nhưng hiện nay, do vẫn tiếp tục khẳng định được là nền kinh tế đầu tàu của thế giới, các cơ hội kinh doanh tại đây vì thế cũng được cho là cởi mở hơn. Thất bại ở Việt Nam tôi coi đó là một bài học để làm kinh nghiệm cho các thị trường khác khi tôi đặt chân đến hay mở rộng đầu tư, đặc biệt là ở những thị trường mới, khá tiềm năng tương đồng như Việt Nam.
- Nếu chọn ra một điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam 2013, lựa chọn của ông là gì?
TS Alan Phan: Theo tôi, kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua có hai điểm sáng đáng chú ý, đó là việc vốn FDI tăng mạnh sau nhiều năm liên tục giảm, xuất khẩu tốt nên mức xuất siêu cao. Thứ hai, Việt Nam đang có cơ hội để gia nhập TPP, và nếu được chấp thuận vào năm 2014 sẽ mở thêm nhiều cánh cửa, đặc biệt là FDI. Khi đó nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Theo thông tin mà tôi được biết, từ thời điểm này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã có những động thái đón đầu cơ hội một khi TPP được ký kết.
Không ít những doanh nghiệp FDI đặc biệt trong lĩnh vực may mặc, giày da…đã và đang có ý định tăng vốn mở rộng sản xuất để đón TPP. Đây vừa là tín hiệu tốt nhưng cũng là điều khiến Việt Nam phải suy nghĩ, đặc biệt là khối doanh nghiệp trong nước nếu không muốn mất ngay cơ hội trên chính sân nhà của mình.
- Dòng tiền đầu tư ở Việt Nam trong năm 2014, từ góc nhìn của ông, sẽ đến thị trường nào?
TS Alan Phan: Ở trong nước hiện nay nhà đầu tư phân thành hai loại: loại siêu giàu, nhiều tiền, nhưng trong bối cảnh bất an như hiện nay, không muốn đầu tư vào lĩnh vực gì cả. Đây là loại nhà đầu tư mà chúng tôi hay nói với nhau là “đem tiền ra vườn sau để chôn”.
Các doanh nghiệp tư nhân khác, do tiền mặt không có nhiều, thậm chí đại đa số còn đang đói vốn sản xuất, hoạt động cầm chừng…nên theo tôi không có nhiều khả năng đầu tư. Tóm lại, từ góc nhìn của tôi, ở trong nước dòng tiền đầu tư gần như là tê liệt, chưa có cơ hội để bứt phá. Tôi quan sát đã 2 năm nay, dòng tiền đầu tư vào Việt Nam vẫn chủ yếu từ nước ngoài thông qua vốn FDI, kiều hối hay các thương vụ M&A.
Còn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, kinh tế càng suy thoái thì lại càng có nhiều cơ hội cho họ đầu tư kinh doanh tại những thị trường mới nổi như Việt Nam. Do ở những thị trường này giá nhân công rẻ, chi phí thấp nên họ càng có cơ hội sở hữu lợi nhuận cao. Mặt khác, trong bối cảnh tranh chấp ngày một nảy lửa ở các quốc gia, khu vực khác. Việt Nam vẫn được đánh giá là một quốc gia khá ổn định về tình hình chính trị trên thế giới nên an toàn hơn.
- Vậy còn về những lĩnh vực sẽ thu hút dòng tiền đầu tư thì sao, thưa ông?
TS Alan Phan: Cái này cũng khó đưa ra được kết luận ở thời điểm này, tôi chỉ có thể đưa ra những phân tích về mặt bản chất cùng với một số dự đoán nhỏ. Về lĩnh vực hút đầu tư, đối với các nhà đầu tư, tùy vào từng lĩnh vực nào kiếm tiền nhanh nhất, mang lại lợi nhuận cao nhất thì họ sẽ tích cực làm. Lâu nay, nhiều người cứ bàn tán mãi về việc các nhà đầu tư nước ngoài mang lại cái này hay cái kia cho quốc gia mà họ đầu tư. Theo nhìn nhận của tôi, đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam, điều mà họ quan tâm là lợi nhuận, có thể nói không bao giờ họ nghĩ sẽ phát triển cái gì cho dân Việt Nam.
Tôi nghĩ, may mặc, dệt, giày dép…là những lĩnh vực dễ nhận được đầu tư hơn đặc biệt là nếu TPP được thông qua. Các ngành công nghiệp khác cần nhiều trí tuệ hơn như công nghệ thông tin thì không thể hoặc khó hơn trong việc thu hút được đầu tư. Có 2 lý do chủ yếu gây nên việc này là: Do càng ngày thì nhân công sẽ không còn quan trọng nữa; Thứ hai là trí tuệ, khả năng anh ngữ của các đội ngũ ở trong nước còn yếu; nhiều năm không tiếp cận được với nền kỹ thuật cao….
- Chứng khoán có phải là kênh hấp dẫn năm 2014? Ông dự báo VN-Index năm tới sẽ tăng bao nhiêu %, và cơ hội ở thị trường chứng khoán có sáng như 2013?
TS Alan Phan: Như tôi đã nói ở trên, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều biến động, tùy thuộc rất nhiều vào bộ phận lái tàu đứng sau thao túng, đầu cơ…Tuy nhiên, qua kết quả phân tích gần đây của nhiều tổ chức, theo tôi một số công ty có hoạt động tốt vẫn sẽ có thể có nhiều cơ hội trong năm 2014. Còn việc thị trường sẽ lên điểm bao nhiêu, ở Việt Nam mọi số liệu đều rất mù mờ, không thống nhất nên khó có thể đưa ra những dự báo chính xác hoặc gần nhất.
- Đồng USD khá ổn định trong năm 2013, liệu 2014 có thể trở thành kênh đầu tư hiệu quả?
TS Alan Phan: Hiện nay, tiền USD đang có sự thu hút các nhà đầu tư trên thế giới bởi nhiều lý do, sau nhiều biến động thì nền kinh tế Mỹ vẫn được cho là nền kinh tế bền vững nhất. Bên cạnh đó, Cơ quan FED cũng đã nới lỏng hơn các quy định tiền gửi về USD nên đồng tiền USD sẽ hấp dẫn hơn về khía cạnh đầu tư.
Thứ hai, nền kinh tế Mỹ tốt, giá vàng lại xuống nên USD là kênh đầu tư có thể sinh lợi được nhưng phải lưu ý một điều: USD không phải là kênh đầu tư đúng nghĩa mà chỉ là kênh để giữ tiền an toàn và có hiệu quả.
- Năm 2014, ông nhìn nhận thị trường bất động sản thế nào? Liệu đã đến lúc mua nhà để kinh doanh được chưa?
TS Alan Phan: Thị trường bất động sản 2014 sẽ không thay đổi nhiều so với 2013, vì cái quan trọng nhất là mối liên kết giữa yếu tố giá so với thu nhập người dân vẫn chưa có sự đột biến. Hiện thu nhập bình quân của người dân Việt Nam vẫn ở mức thấp và chưa có dấu hiệu cho thấy sự đột biến. Trong khi đó, về giá bất động sản, các chủ đầu tư thì kêu đã chạm đáy rồi không thể giảm hơn được nữa.
Bất động sản là một phân khúc rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, nhiều tiền tập trung vào, nhiều nhân tài tập trung vào đó. Chỉ khi nào giá bán bất động sản và thu nhập người dân tiến gần đến nhau thì nó mới có sự khởi động. Còn không thì dù có làm gì hay cố gắng bao nhiêu nữa thì thị trường vẫn sẽ ì ạch và sẽ phải chờ thêm một động thái mới. Cá nhân tôi thì sẽ không đầu tư vào bất động sản ở thời điểm này, kể cả mua nhà ở.
- Thị trường vàng có vẻ đang hấp dẫn vì giá khá thấp, liệu đây có phải là kênh đầu tư hiệu quả năm 2014?
TS Alan Phan: Theo nhìn nhận của tôi, giá thấp sẽ không ảnh hưởng, mà phải nhìn vào cái nhu cầu và xu hướng chung. Hiện nay, thì trường vàng có nhiều biến động, thậm chí nhiều quốc gia đã có những chính sách giới hạn về nhu cầu vàng trên thế giới.
Về lâu dài có thể đầu tư vào vàng, ngắn hạn thì không nên đầu tư vào vàng bởi nếu đầu tư vào vàng thì phải đầu tư theo giai đoạn dài khoảng từ 10 - 20 năm. Nếu là tôi, sẽ đợi khoảng 2 - 3 năm nữa mới mua vào; cụ thể khi giá vàng ở mức từ 700-800 USD tôi sẽ đầu tư.
- Việc FED cắt giảm gói QE3 từ 85 tỷ USD xuống 75 tỷ USD/tháng liệu có ảnh hưởng tới dòng vốn tới thị trường mới nổi như Việt Nam?
TS Alan Phan: Bất cứ hành động nào của FED đều có sự ảnh hưởng nhất định đến các nền kinh tế trên thế giới kể cả Việt Nam. Nếu cắt giảm QE3, lãi suất tăng lên, đồng USD hấp dẫn, dòng tiền sẽ quay lại với những nơi an toàn như Mỹ…Những nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn như Việt Nam sẽ bị giảm đi.
Tuy nhiên, ở góc nhìn vĩ mô hơn, giao dịch khắp thế giới khoảng từ 4-5 tỷ USD mỗi ngày nên Việt Nam và các thị trường mới nổi cũng sẽ vẫn có cơ hội hút dòng tiền. Những năm vừa qua, do Việt Nam đang tự đánh mất dần đi sự hấp dẫn đầu tư vốn có nên dòng tiền đầu tư gián tiếp ngày càng giảm. Điều quan trọng nhất là phải nhìn nhận tới các thị trường đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Và phải làm thế nào để Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ có làm được điều đó thì dòng vốn đầu tư mới trở lại thực sự.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!