Đau xót những vụ đốt chết người đã cạn tình

12/09/2011 07:52
Theo Pháp luật VN
Sau khi dùng xăng gây tội ác với người đã “đầu kề má ấp”, một số đối tượng đã tìm tới cái chết, nhưng họ không biết rằng hành vi của họ đã gây nên thảm cảnh...
Thiêu sống là một trong những hình phạt tàn khốc được sử dụng thời Trung cổ nhưng nó được một số kẻ thủ ác áp dụng lên người thân của mình khi tình nghĩa đã cạn.
Theo cáo trạng, năm 2004, Nguyễn Ngọc Trãi và chị Huỳnh Thị Lan Anh quen biết và thuê nhà trọ chung sống với nhau như vợ chồng. Khoảng giữa năm 2010, giữa Trãi và vợ nảy sinh mâu thuẫn nên chị Anh không muốn tiếp tục chung sống và đuổi anh Trãi ra khỏi nhà.
Bị cáo Nguyễn NgọcTrãi tại tòa.
Bị cáo Nguyễn NgọcTrãi tại tòa.
Tối 26/5/2010, bực tức vì vợ quyết liệt chia tay, Trãi nảy sinh ý định giết vợ. Thực hiện ý định trên, Trãi đi mua 40 lít xăng đổ vào hai can nhựa và hai thùng sơn rồi phủ bạt chở thẳng đến nơi chị Anh đang bán cơm ở trước nhà 115 Hồng Hà (phường 2, Q. Tân Bình, TP.HCM) để hành động. 
Tại đây, trong lúc chị Anh đang đứng gần lò than, Trãi đã xông lại xách một thùng xăng tạt thẳng vào người nạn nhân. Ngay lập tức, toàn thân chị Anh bắt lửa bốc cháy. Được người dân đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nạn nhân tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sau khi gây án, Trãi bỏ trốn, đến ngày hôm sau thì bị cơ quan công an bắt khẩn cấp. Trong quá trình điều tra, Trãi khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Ngày 18/8/2011, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa lưu động xét xử và tuyên phạt Nguyễn Ngọc Trãi (49 tuổi, TP.HCM) mức án tử hình về tội Giết người.

Thắt cổ chồng lên chuồng lợn, tẩm xăng đốt chết

 

Sáng 18/8/2011, tại nhà văn hóa huyện Nghĩa Đàn, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên toà lưu động xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Cao Thị Liễu về tội Giết người. Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Nghệ An, khoảng 20h ngày 27/3/2011, anh Nguyễn Thế Hùng (SN 1976, xóm 1, xã Nghĩa Mai – Nghĩa Đàn) là chồng của Liễu đi uống rượu say và được anh Trương Xuân Liên chở về nhà.  

Anh Hùng ngồi uống nước rồi đi ra giếng và bị ngã. Mặc dù biết chồng bị ngã nhưng Liễu vẫn bỏ mặc ngồi xem tivi. Khoảng 30 phút sau, khi các con đã ngủ, Liễu ra giếng thấy anh Hùng nằm ở vạt cỏ trong tình trạng chân tay không cử động.  

Liễu đã đưa anh Hùng vào chuồng lợn, lấy sợi dây thừng dài 4m buộc vào cổ và dùng xà gồ chuồng lợn kéo lên khỏi mặt đất khoảng 40cm.  Liễu còn vào nhà lấy 2 vỏ chai nước ngọt loại 1,5 lít ra quán gần nhà mua 2 chai xăng và 1 chiếc đèn pin. 

Liễu chất quần áo dưới chân anh Hùng và mở dây thừng hạ anh xuống tưới xăng rồi đốt. Lúc lửa bốc cháy, Liễu nhảy qua bờ tường chuồng lợn đứng xem. Sau đó, Liễu lấy chai xăng thứ 2 đổ vào đám cháy và bình thản vào nhà nằm ngủ. Đến 4h ngày 28/3/2011, Liễu thức dậy lấy cuốc ra bờ ao cách nhà khoảng 100m đào hố sâu 50cm, dài 1,5m, rộng 60cm rồi dùng chiếc chăn quấn thi thể anh Hùng bỏ xuống hố, lấp lại. 

Mấy ngày sau, người dân quanh xóm thấy vắng bóng anh Hùng, hỏi chuyện, thì Liễu trả lời đưa cho chồng 500.000 đồng đi khám bệnh nhưng chưa thấy về nhà. Cả 2 gia đình nội ngoại tổ chức đi tìm kiếm nhưng bặt vô âm tín. Đến ngày 11/4/2011, biết không thể giấu hành vi của mình, Liễu đã kể cho anh Nguyễn Thế Hiếu (anh trai Hùng) về việc giết và chôn cất anh Hùng. 

Tại bản giám định pháp Y số 71: KTHS-PY của Phòng kỹ thuật Hình sự Công an Nghệ An kết luận: “Anh Hùng chết do tổn thương phần mềm và ngạt đường hô hấp do bị cháy”. Cao Thị Liễu là người dân tộc Thổ, trình độ lớp 9, hiểu biết hạn chế về pháp luật, 2 con còn nhỏ, chưa có tiền án tiền sự, nhưng tội lỗi của Liễu là không thể tha thứ. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Cao Thị Liễu 14 năm tù về tội Giết người. 

Thiêu gia đình người tình rồi nhảy sông tự tử  

Ngày 9/3/2011, vụ án Huỳnh Thị Ngọc Lợi dùng xăng phóng hỏa gia đình người tình được TAND TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử. HĐXX đã tuyên phạt Lợi mức án tù chung thân về hai tội danh Giết người và Hủy hoại tài sản. Theo cáo trạng, Huỳnh Thị Ngọc Lợi và anh Nguyễn Thọ Tuấn quan hệ tình cảm và sống chung như vợ chồng từ năm 2000 nhưng không đăng ký kết hôn, ở tại một nhà trọ trên phường Tân Hưng (Q.7 – TP.HCM) 

Đầu tháng 12/2009, do mâu thuẫn nên anh Tuấn về sống cùng mẹ là bà Trần Thị Oanh tại phường 1(Q.10 - TP.HCM). Khoảng 14h ngày 4/1/2010, trên đường đi mua xô nhựa để đựng bột làm bánh da lợn (Lợi kiếm sống bằng nghề làm và bán bánh da lợn) nghĩ đến chuyện tình cảm nên Lợi nảy sinh sẽ dùng xăng đốt chết anh Tuấn. 

Vì vậy, Lợi thuê xe ôm đi từ quận 7 đến cây xăng tại ngã bảy Lê Hồng Phong mua 27.000 đồng xăng cho vào xô. Sau đó, Lợi xách xô xăng đi bộ đến trước nhà anh Tuấn. Thấy anh Tuấn đang ngồi giữa nhà, Lợi liền đổ xô xăng xuống nền nhà rồi lấy bật lửa đốt. 

Do gia đình bán hàng nhựa nên đám cháy nhanh chóng bùng lên dữ dội, anh Tuấn may mắn thoát chết nhưng bà Oanh bị cháy toàn thân và chết sau đó một ngày. Riêng Lợi cũng bị xăng đốt cháy nên chạy ra ngoài dập tắt lửa và đi về nhà ở quận 7.  

Tuy nhiên, khi về đến nhà, ám ảnh mà tội ác mình vừa gây ra, Lợi đã ra cầu Rạch Đĩa gần nhà nhảy xuống sông tự tử nhưng được người dân cứu sống và đưa vào bệnh viện. Tại tòa cả bị cáo và anh Tuấn thừa nhận sống chung với nhau. 

Trong thời gian đó, Lợi khai đã 3 lần mang thai nhưng Tuấn bắt cô phải phá bỏ. Hỏi lý do, vì sao gần 20 năm trời sống chung lại không đăng ký kết hôn, Lợi cho biết vì Tuấn nói "chuyện kết hôn chỉ là thủ tục, chủ yếu là tình cảm và có sống được với nhau hay không" nên Lợi cũng dần quên đi. 

Trước ngày xảy ra vụ án khoảng 1 tháng, Tuấn bất ngờ thông báo sẽ về quê bạn chơi. Tuy nhiên sau gần một tháng không thấy bóng dáng người đàn ông của mình trở lại, Lợi nghe phong thanh Tuấn đã có người đàn bà khác và đang sống chung với người này tại một quận ở TP.HCM. Lợi khai trước tòa, sau đó người phụ nữ này có gọi điện thông báo cho Lợi biết "Tuấn đang sống như vợ chồng với cô ta". 

Sau mấy lần điện thoại, hẹn gặp, cuối cùng Lợi cũng gặp được Tuấn và người này cho biết không còn tình cảm với Lợi và từ đây, đường ai nấy đi. Bất ngờ vì bị người tình bỏ rơi, nên Lợi đã nhẫn tâm thực hiện hành vi trả thù của mình. 

Hối tiếc muộn màng 

Những vụ án dùng xăng thiêu sống người thân để lại các bi kịch đau lòng: Người chết, kẻ vào tù, còn con trẻ của họ thì bơ vơ. Một cái kết buồn cho một gia đình đã từng hạnh phúc. Tội lỗi của người lớn nhưng bất hạnh thuộc về con trẻ. Để rồi những ngày qua đi trong trại giam những kẻ nhẫn tâm thiêu sống người thân sẽ không ngừng giày vò về những chuyện mà mình đã gây ra.  

Trong ân hận muộn màng, người phạm tội thiêu chết chồng hoặc vợ mới ý thức được tội ác của mình quá dại dột. Sự ân hận muộn màng có thể được tha thứ nhưng những vết thương hằn lên da thịt và nỗi đau tinh thần về tội ác của họ sẽ còn mãi...

Theo Pháp luật VN