Theo báo cáo mới nhất của Phòng LĐ-TBXH huyện Củ Chi, Công ty TNHH Xây dựng Tân Sơn Nam đang hoạt động và có trụ sở tại 12 Phạm Thị Hối, khu phố 7, thị trấn Củ Chi báo cáo vẫn chăm sóc chế độ cho rất nhiều lao động.
Sẽ nhiều người tưởng là như thế nếu không đến tận địa chỉ này.
Từ danh sách trên bảng báo cáo, tìm đến địa chỉ 12 đường Phạm Thị Hối và được biết ngôi nhà này đã đóng cửa vài năm nay, không hề có biển công ty.
Một người dân sống gần đây cho biết: "Số nhà 12 này đóng cửa khoảng 3 - 4 năm. Khi dọn về TP.HCM, công ty này đã dỡ hết biển hiệu, không còn gì".
Công ty TNHH Xây dựng Tân Sơn Nam (12 Phạm Thị Hối, khu phố 7, thị trấn Củ Chi) đã đóng cửa cách đây 3 - 4 năm. (Ảnh cắt ra từ clip VTV) |
Tương tự, Công ty TNHH MTV may Đức Phát đăng ký hoạt động tại số 87, Nguyễn Thị Triệu, thị trấn Củ Chi, nhưng khi đến kiểm tra thì lại là một cơ sở sản xuất nước tinh khiết.
Không chỉ hai DN trên, mà phần lớn trong số 323 DN được nêu trong báo cáo về tình hình lương thưởng Tết của huyện Củ Chi, là DN “ma” đã giải thể, đóng cửa từ lâu, hoặc có địa chỉ trong báo cáo nhưng đã chuyển địa điểm đi nơi khác.
Câu hỏi đặt ra là, Phòng LĐ-TBXH huyện Củ Chi “vẽ” nên một bức tranh không có thật về lương thưởng Tết để làm gì?
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH TP.HCM giải thích: “Phải nói rằng, việc báo cáo về lương thưởng tết không nằm trong tiêu chí khen thưởng hay được đặc ân gì với trường hợp báo cáo đầy đủ hay không đầy đủ. Chỉ nhắc nhở anh em làm cho xong nhiệm vụ thôi".
Liệu có phải theo vị lãnh đạo này thì cấp dưới của mình làm sai thì họ không được hưởng quyền lợi thì có nghĩa là chẳng cần chịu trách nhiệm gì? Hay đây là tổng kết lương thưởng định kì hàng năm, nên cứ mỗi năm sai một lần như thế này thì cũng chẳng sao./.
Hồng Anh (Nguồn VTV)